Lâm nghiệp

Theo chân người đi... đếm voọc

Ghi chép của HỒ QUÂN 19/10/2024 09:55

Không ít lần, người dân xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) bắt gặp đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm kéo ra rẫy keo tìm thức ăn. Với loài linh trưởng nhút nhát nhưng phải đi xa vùng an toàn của mình, là tín hiệu cho thấy voọc đang gặp cảnh “nhà chật, con đông”.

vooc 4
Nhóm tiên phong bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám xã Tam Mỹ Tây trong một buổi kiểm đếm voọc. Ảnh: H.Q

Từ sáng sớm, chúng tôi và các nhà khoa học của Trung tâm Green Việt theo chân nhóm tiên phong bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám xã Tam Mỹ Tây để bắt đầu... đếm voọc.

Lên rẫy đếm voọc

Voọc sống rải rác ở 4 hòn núi nên để thực hiện nhiệm vụ, 10 thành viên phải chia thành 4 nhóm. Ông Nguyễn Dư - Trưởng nhóm nói, phải kiểm đếm cùng một thời điểm để đảm bảo chính xác, tránh trường hợp đến nhầm khi các gia đình voọc di chuyển qua lại giữa các nơi.

Phát hiện đàn voọc, các nhóm ghi lại số lượng, thời gian cụ thể để tổng kết thành số liệu chung. Đây là cơ sở để đánh giá đàn voọc tăng hay giảm, công tác bảo tồn hiệu quả đến đâu.

Ống nhòm được trang bị đầy đủ, 4 nhóm lần lượt xuất phát. Ngồi sau lưng ông Nhiên trên chiếc xe máy quấn xích “chuyên dụng”, băng qua lối mòn giữa những rẫy keo còn đẫm hơi sương, tôi nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về loài linh trưởng này.

Theo ông Nhiên, vào rẫy khi mặt trời ló dạng để chọn được vị trí thuận lợi nhất, ẩn nấp và quan sát. Bởi loài linh trưởng này nhút nhát song cũng rất tinh mắt, nếu phát hiện có bóng người, chúng sẽ tránh mặt.

Thông thường, nắng lên, đàn voọc sẽ “đánh thức” nhau dậy, ra khỏi các hang đá đi tìm thức ăn. Con đầu đàn sẽ đi trước, các con cháu “nhà voọc” sẽ chuyền cành theo sau. Việc kiểm đếm không khó, song phải kiên nhẫn.

vooc 3
Khoảnh rừng nguyên sinh nơi đàn voọc sinh sống đang bao bọc bởi những rẫy keo. Ảnh: H.Q

Chúng tôi dừng chân tại vườn ông Nguyễn Hùng dưới chân núi Hòn Ông. Người chủ vườn này cũng là thành viên nhóm tiên phong, đã vào đây từ sớm, chuẩn bị sẵn vài chai nước và đang chăm chú quan sát qua ống nhòm.

“Ngồi nhòm 15 phút rồi mà chỉ thấy bầy khỉ đuôi lợn nhốn nháo, chưa thấy voọc ra khỏi hang. Voọc không “đụng mặt” khỉ đâu, chúng sẽ đi đường khác. Kiểu này chắc phải vòng qua rẫy keo ở hướng đối diện thì có khả năng phát hiện” – ông Hùng đề xuất.

Bám theo đường mòn hằn vết bánh xe chở keo của người dân, cả nhóm chọn vị trí thuận lợi giữa rẫy keo um tùm để nghe ngóng động tĩnh. Ống nhòm quét qua mấy lượt vẫn chưa thấy voọc xuất hiện, ông Nhiên phỏng đoán chúng thấy bóng người nên đã ẩn nấp.

Ông Hùng thử vận may, men theo vách đá, đến gần khe nước nhỏ, cây bụi rậm rạp – nơi đàn voọc vẫn thường kiếm ăn, uống nước. Nhìn tưởng gần, nhưng leo đến nơi phải 30 phút. Đang còn mồ hôi nhễ nhại thì nghe mùi nồng, khai xộc vào mũi.

Ông Hùng nhắc tôi bịt miệng để tránh hắt xì hơi. Đó là cách voọc đánh dấu “chủ quyền” lãnh thổ. Mùi hôi này sẽ khiến các loài vật khác tránh xa. Còn người qua lại, theo phản ứng hắt xì thì voọc sẽ cảnh giác và lẩn trốn.

Buổi sáng không thu hoạch được thông tin gì. Cả nhóm rời Hòn Ông, hẹn buổi chiều tà, khi đàn voọc kiếm ăn “về nhà”.

Voọc bị uy hiếp

Hơn 4 giờ chiều, Hòn Ông yên ả khi vắng tiếng máy khai thác keo chói tai. Ngồi đợi voọc, ông Nguyễn Nhiên kể lại dấu mốc đáng lưu tâm qua những lần kiểm đếm. Lần kiểm đếm năm 2020, Hòn Ông ghi nhận đến 19 cá thể voọc sinh sống. Nhưng 2 năm sau, thì chỉ còn 9 con. Số còn lại đã di chuyển sang các hòn bên cạnh để sinh sống.

vooc 6
Đàn voọc cần "ngôi nhà" an toàn, rộng rãi hơn. Ảnh: H.Q

Hòn Ông là ngọn núi dễ dàng quan sát loài chà vá chân xám quý hiếm bằng mắt thường nhất so với 3 hòn còn lại. Việc voọc di chuyển sang nơi khác là do tiếng ồn từ phát đốt rẫy, tiếng máy cắt, xẻ và vận chuyển keo quanh ngọn núi này.

Từ vườn ông Hùng đến lưng núi Hòn Ông là những rẫy keo kiểu “da beo”, chỗ xanh tốt, chỗ đã khai thác trọc lóc, cũng có rẫy lố nhố vài chồi xanh. Rừng tự nhiên chỉ có một khoảnh nhỏ, lại khá “nghèo” lá, hoa và các loại hạt - thức ăn ưa thích của voọc.

Đã có vài hộ tình nguyện giữ lại rẫy keo dưới chân núi để mở rộng sinh cảnh sống cho voọc nhưng chừng đó là không đủ. Nhiều lần tuần tra, ông Nhiên bắt gặp đàn voọc di chuyển ra những rẫy keo rất xa tìm kiếm thức ăn. Dù không ai xua đuổi, song những cuộc “đụng độ” vô tình này sẽ khiến chúng hoảng sợ…

Tiếng voọc “tọc”, “tọc” vang lên phía lưng chừng núi cắt ngang cuộc trò chuyện. Ông Nhiên vội vàng mang ống nhòm, hướng mắt về phía âm thanh phát ra.

“Một gia đình voọc, 3 con trưởng thành và có một con non. Chúng đang ăn lá chỗ cành cây nhỏ nhô ra bên vách đá. Âm thanh vừa rồi là con đầu đàn gọi cả nhà đi ăn, khi xung quanh đã an toàn” – ông Nhiên nói.

Khoảng cách rất gần nên bằng mắt thường cũng có thể thấy gia đình voọc đang ngấu nghiến nhai những tán lá. Ông Nhiên vội ghi chép lại thông tin và tiếp tục quan sát xung quanh để tìm kiếm 5 cá thể còn lại.

“Voọc có tập tính kiếm ăn theo đàn nên quan sát rất dễ. Hòn Ông có tổng cộng 3 đàn. Có lẽ hôm nay 2 đàn kia đi kiếm ăn hướng khác” – ông Nhiên phỏng đoán.

Chúng tôi ra về khi mặt trời vừa khuất sau Hòn Ông. Voọc đầu đàn lại phát ra “báo động” có người đang di chuyển dưới rẫy keo. Con non ôm sát bụng mẹ, lùi lại dưới tán lá. Cả đàn kéo nhau lên cành cây cao hơn. Chúng luôn phải cảnh giác trong chính ngôi nhà của mình!

Voọc cần mở rộng sinh cảnh

Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Green Việt liên tục thực hiện hoạt động giám sát và đánh giá sự tăng trưởng của quần thể loài chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây.

vooc 2
Ông Nguyễn Nhiên - một người dân Tam Mỹ Tây có kinh nghiệm đếm voọc. Ảnh: H.Q

Trong lần kiểm đếm đầu tiên năm 2020, có tổng cộng 60 cá thể voọc sinh sống ở 4 ngọn núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu. Đến năm 2022 đàn voọc đã tăng 69 con. Và kết quả lần kiểm đếm vừa qua, ghi nhận đàn voọc tiếp tục tăng thành 75 con.

Đáng chú ý, số lượng cá thể ở Dương Bản Lầu tăng đột biến trong thời gian ngắn, từ 10 cá thể (năm 2022) lên con số 22 của hiện tại. Còn Hòn Dồ, Hòn Ông có sự sụt giảm cá thể.

Theo lý giải của Trung tâm Green Việt, loài chà vá chân xám có tập tính tách nhập đàn lỏng lẻo. Chúng có khả năng di chuyển một khoảng cách xa để rời bỏ hoặc tái nhập một đàn mới. Do đó các biến động về số lượng cá thể và tách nhập đàn đối với quần thể voọc tại Tam Mỹ Tây là hoàn toàn tự nhiên.

“Với 75 cá thể, lại chia cắt thành 4 hòn nên nguy cơ tuyệt chủng cục bộ rất dễ xảy ra. Do đó, không thể giám sát theo phương pháp ước lượng thông thường mà kiểm đếm một cách chính xác từng cá thể để đưa ra các giải pháp bảo tồn.

Qua phân tích số liệu, đàn voọc đang phát triển đúng theo các nghiên cứu của các nhà khoa học. Dự báo đến năm 2030, đàn voọc ở Tam Mỹ Tây sẽ tăng lên khoảng 150 cá thể” – ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Green Việt cho biết.

Cá thể voọc tăng, trong khi sinh cảnh sống lại đối diện với nhiều nguy cơ thu hẹp do tác động của con người. Điều này trở thành mối quan tâm của ngành chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức bảo tồn.

Năm 2023, Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, trong đó, có điều khoản yêu cầu trồng và làm giàu 60ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp quy hoạch vào loại rừng đặc dụng.

Còn lại 90ha đất sản xuất của người dân sẽ ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, vừa tạo sinh kế, vừa mở rộng sinh cảnh sống cho voọc. Đã có nhiều người dân ở Tam Mỹ Tây tình nguyện giao đất cho nhà nước để thực hiện quy hoạch rừng đặc dụng và tham gia trồng các loại cây bản địa trên rẫy của mình.

Khi có “nhà”, voọc không còn bị làm phiền, tự do phát triển trong sự bảo vệ tuyệt đối.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo chân người đi... đếm voọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO