(QNO) - Mong muốn phát triển nông nghiệp huyện Tiên Phước theo hướng tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường nông thôn, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng hỗ trợ trùn quế giống cho 3 hộ dân thực hiện thí điểm tại xã Tiên Châu.
Trang trại nuôi trùn quế của hộ ông Mai Kim Xây (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu) rộng 50m2, được xây dựng cách đây hơn 1 tháng với tổng kinh phí 15 triệu đồng. Sau hơn 1 tháng nuôi trùn quế từ giống do Phòng NN&PTNT cung cấp, trùn quế của ông Xây đang phát triển khỏe mạnh.
Là hộ đầu tiên trong 3 hộ áp dụng mô hình thí điểm nuôi trùn quế, ông Xây cho biết: “Được huyện hỗ trợ 70% kinh phí xây trang trại, mua giống và đảm bảo đầu ra, tôi rất háo hức khi làm mô hình này. Việc nuôi trùn có thể giải quyết được các phụ phẩm nông nghiệp dư thừa, phân bò, heo làm thức ăn cho trùn. Đồng thời trùn thải phân sẽ cung cấp phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả của tôi tươi tốt. Nếu trùn phát triển đem lại nguồn thu nhập cao, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, nhân rộng mô hình”.
Cũng được hỗ trợ theo “Mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường” này, trang trại trùn quế của ông Nguyễn Chí Tình (thôn Hội An, xã Tiên Châu) đang trên đà phát triển.
Cách đây 5 năm, ông Tình đã có kinh nghiệm nuôi trùn quế với trang trại rộng gần 20m2. Bán trùn với giá 80.000 đồng/kg và có phân hoai bán cho những người dân lân cận trồng rau, trồng cây ăn quả nhưng do bận rộn, ông Tình ngừng nuôi trùn.
Đến nay, khi được Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước khuyến khích, đầu tư 70% vốn xây trang trại và giống trùn, hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi trùn quế tuần hoàn, ông Tình dùng phân heo và các chất thải hữu cơ tại gia tiếp tục nuôi loại giun đất này. Ông cho biết sẵn sàng hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi trùn cho những người nông dân muốn phát triển giống trùn quế.
Cạnh nhà ông Tình, ông Nguyễn Hữu Tĩnh đang rải thềm phân bò vào trang trại mới xây chuẩn bị nhập giống trùn quế do Phòng NN&PTNT cung cấp. Vừa tất bật làm chuồng nuôi giun, ông Tĩnh vừa háo hức chia sẻ: “Với những người nông dân Tiên Phước tập trung phát triển kinh tế vườn - trang trại như tôi, nuôi trùn quế là quá thuận lợi. Tuần hoàn, nuôi trùn quế sẽ giải quyết các phụ phẩm nông nghiệp, trùn ăn phân xanh rồi thải phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn quả, tốt cho cây trồng. Và chính con trùn lại là thức ăn cho trang trại gà, vịt của tôi và cũng có thể bán được với giá thành khá cao”.
Tiên Phước là một huyện miền núi trung du có thế mạnh trong phát triển kinh tế vườn - trang trại. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc chăn nuôi của nhiều hộ tại Tiên Phước vẫn còn gặp những hạn chế, bất cập trong công tác xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng đó, Phòng NN&PTNT huyện thí điểm nuôi trùn quế tuần hoàn tại Tiên Châu. Mô hình nhằm thu gom, tái sử dụng chất thải từ nuôi heo, bò, gà, cút... và các phụ phẩm nông nghiệp để nuôi trùn quế sản xuất ra sản phẩm phân hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao; phân trùn quế có thể thay thế các loại phân hóa học trong trồng cây ăn quả và trồng rau sạch và dùng làm thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho cá, tôm, gà…
[VIDEO] - Thí điểm nuôi trùn quế tuần hoàn tại xã Tiên Châu:
Thực hiện mô hình, 3 hộ dân thí điểm tại xã Tiên Châu xây dựng chuồng trại với quy mô diện tích 150m2 (mỗi hộ 50m2). Tiêu chuẩn là hộ có diện tích vườn trên 1.000m2; có trồng các loại cây ăn quả như bòn bon, măng cụt và có chăn nuôi gia súc, gia cầm... Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước tập huấn quy trình kỹ thuật thực hiện mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn (gồm kỹ thuật nuôi giun quế, bón phân, chăm sóc cây ăn quả…). Đối với mỗi hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 70% giống, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình, 30% còn lại người dân tham gia mô hình đối ứng.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước.
Mô hình nuôi trùn quế là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, vòng tuần hoàn vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Trước đó, tháng 9/2024, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi trùn giống tuần hoàn và cho người dân học hỏi kinh nghiệm nuôi trùn quế từ hộ Nguyễn Văn Thành (thôn 7B, xã Tiên Cảnh) đã chăn nuôi trùn quế thành công. Khi mô hình thí điểm này có kết quả, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước sẽ tổ chức hội thảo đánh giá, nhân rộng mô hình và phối hợp cùng Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng đảm bảo bao tiêu đầu ra cho các hộ dân.