Giảm nghèo - An sinh

Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

DIỄM LỆ 31/05/2024 11:00

Thời gian qua, nhiều người dân ở Nam Trà My chọn hướng sang lao động ở nước ngoài, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.

20240513_161715.jpg
Cán bộ tuyển dụng tuyên truyền chính sách đi làm việc ở nước ngoài cho người dân thôn 4, xã Trà Cang. Ảnh: D.L

Làng đi lao động nước ngoài

Những ngày này, anh Hồ Văn Vũ (SN1994, ở khu dân cư C72, thôn 4, xã Trà Cang, Nam Trà My) lo chuẩn bị hành trang để lên đường sang đất nước Nga xa xôi làm việc.

Theo lời anh Vũ, ngày trước khi có cán bộ hay nhân viên của công ty nào đến làng tuyên truyền về đi làm việc ở nước ngoài, người làng rất sợ và đề phòng. Sau đó, từ sự hỗ trợ thực tế của xã, huyện, người dân dần thay đổi nhận thức và ngày càng có nhiều lao động ở thôn 4 chọn đi làm việc ở nước ngoài.

Như trường hợp anh Vũ có vợ và 3 con nhỏ, nhà có đất rừng trồng dược liệu và làm nông cũng đủ sống nhưng anh quyết sang Nga làm việc, sẽ bắt đầu từ tháng 6/2024.

Anh Vũ nói: “Thấy nhiều người trong thôn đi làm về có thu nhập tốt, làm được nhà, cuộc sống khấm khá nên tôi quyết định ký hợp đồng 2 năm sang Nga làm ngành chế biến thực phẩm. Nếu công việc tốt thì có thể gia hạn ở thêm”.

Bà Hồ Thị Huệ - Trưởng thôn 4 (xã Trà Cang) cho hay, thời gian qua trên địa bàn thôn có hơn 20 lao động (LĐ) nữ sang Ả-rập Xê-út làm việc, có 1 lao động nam đi Nga. Riêng khu dân cư C72 có 42 hộ gia đình thì đã có 12 LĐ nữ sang Ả-rập Xê-út, sắp tới sẽ có thêm 16 LĐ nam sang Nga làm việc ở ngành chế biến thực phẩm.

Bà Huệ nói: “LĐ thôn 4 đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài rất nhiều, chủ yếu ở các nước Đài Loan, Ả-rập Xê-út, Nga, Hàn Quốc.

Trước kia, đến khu dân cư C72 này buồn lắm, nhà cửa thì xập xệ, người dân không chăm chỉ làm ăn. Thế nhưng từ khi họ tham gia xuất khẩu lao động, diện mạo làng quê ngày càng khang trang, biết nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Có được kết quả này là cả quá trình vận động, tuyên truyền của địa phương và các đơn vị liên quan”.

Cùng vào cuộc

Ông Đặng Duy Ba - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My chia sẻ, LĐ đi làm việc ở nước ngoài thường sẽ gửi tiền thu nhập hàng tháng về cho gia đình. Tuy nhiên có gia đình biết tiết kiệm, tính toán chi tiêu, có gia đình lại tiêu xài hoang phí.

Để giữ lại tiền cho người LĐ sau khi đi làm ở nước ngoài về, theo thỏa thuận từ trước, tiền lương sẽ được chủ sử dụng LĐ chuyển vào số tài khoản duy nhất LĐ đã đăng ký trước khi đi làm.

Xã, thôn cùng nhau giám sát việc sử dụng số tiền đó của người ở nhà, vận động họ chỉ dùng cho những việc cần thiết như làm nhà ở, lo cho con cái ăn học. Số dư thì chuyển vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng để trả nợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời để sau này khi LĐ về nước có vốn tạo sinh kế ổn định...

Đặc biệt là huyện phải khảo sát, lựa chọn thị trường sao cho phù hợp với LĐ địa phương. Đồng thời chọn doanh nghiệp tuyển dụng chịu khó bám bản làng, bám bà con để tuyên truyền, hỗ trợ trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài.

Là doanh nghiệp gắn bó với công tác đưa người LĐ ở Nam Trà My đi làm việc ở nước ngoài trong 8 năm qua, Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC đã đặt trụ sở tại xã Trà Mai để người dân tiện việc liên hệ, tìm hiểu.

Ông Trần Hồng Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Thuận An DMC cho biết, khi tuyên truyền, công ty luôn phối hợp với huyện, xã, thôn để người dân hiểu về chính sách.

Doanh nghiệp chọn thị trường Ả-rập Xê-út dành cho LĐ nữ ở miền núi, thị trường Nga dành cho LĐ nam ở miền núi vì đây là những thị trường có yêu cầu thấp, không khắt khe tiêu chuẩn, đặc biệt là chi phí thấp hoặc chi phí 0 đồng phù hợp điều kiện khó khăn của LĐ miền núi.

“Một LĐ đi nước ngoài thì người ở nhà là chồng/vợ hoặc cha mẹ có nhu cầu hỗ trợ thêm sinh kế như cây giống, con vật nuôi công ty sẽ hỗ trợ. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi thông báo tình hình của LĐ tại nước ngoài để người thân yên tâm” - ông Phong thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO