Từ rằm tháng Chạp trở đi, căn bếp nhà tôi đã bắt đầu sực nức mùi hương của gia vị, của các loại nguyên liệu chuẩn bị làm bánh kẹo, muối thịt, làm dưa món…
Mùi thơm ấm áp tỏa ra từ căn bếp như muốn kéo mọi người cùng vào bếp để quây quần chuẩn bị mâm cúng tất niên hay cúng tổ tiên tươm tất hơn.
Chị tôi túc tắc làm các món tết, làm thủ công hoàn toàn. Món nào có thể để lâu thì làm trước, như các loại kẹo hạt hay thịt muối, dưa món; bánh chưng bánh tét thì áp tết chị mới gói. Nhưng gia vị, nguyên liệu thì phải chuẩn bị sẵn, nên căn bếp chật ních hương thơm và đậm vị quê kiểng từ sớm là vì vậy.
Chị tôi kỹ tính, làm đồ tết chủ yếu để cúng, biếu người thân và để dùng trong gia đình nên luôn chọn nguyên liệu thật chuẩn. Các loại gia vị, nguyên liệu phải sạch, có xuất xứ hẳn hoi và ưu tiên hàng đầu là nguyên liệu có gốc gác xứ mình.
Tiêu thì dứt khoát phải là tiêu Tiên Phước; nếp tiêu cấy ở ruộng biền Quế Sơn hoặc nếp hương bầu Tam Mỹ - Núi Thành thì gói bánh, nấu xôi mới dẻo thơm ngon; một số món phải dùng đường đen (đường tán) thay vì dùng đường cát; hành tỏi Lý Sơn thì ướp thịt hoặc giã chén mắm mới thơm.
Hay đơn giản như chén nước mắm chấm thịt luộc, thường là do chị tự lọc hoặc phải là nước mắm Ngọc Lan (Tam Thanh, Tam Kỳ) hay Duy Trinh (Duy Xuyên), cho thêm tỏi ớt băm nhỏ.
Căn bếp nhà tôi không mấy rộng rãi, những ngày gần tết càng chật chội hơn, chật chội nhưng tinh tươm. Bên cạnh nguyên liệu là các loại dụng cụ làm bánh mứt, những lò nướng, xoong chảo, khuôn, bao bì… lỉnh kỉnh.
Chị tôi tìm tòi học hỏi cách làm những món ngày tết theo xu hướng hiện nay: kẹo hạnh phúc, bánh bông tuyết, bánh hành, kẹo chíp chíp... Và tất nhiên, chị vẫn không quên làm những món truyền thống.
Chị bảo, có mấy món truyền thống thì tết mới đậm vị cổ truyền, mới ra... tết, như thịt muối, dưa món, các loại mứt, bánh da, bánh in... Nhưng cách làm cũng khác trước, để hợp với lối ăn uống ngày càng thanh đạm hiện nay: những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét nhỏ xinh hơn; mứt thì giảm độ ngọt; thịt heo thì chọn loại ít mỡ hơn…
Chị luôn tất bật với tết. Và đương nhiên căn bếp cũng… tất bật thêm với những màu, những mùi từ tự nhiên. Như mứt dừa ngũ sắc, xôi ngũ sắc chị làm có màu vàng từ nước ép củ nghệ; màu tím của lá cẩm, củ dền; màu cam từ trái gấc; màu xanh từ lá dứa thơm…
Món kẹo chíp chíp xanh đỏ tím vàng bắt mắt mà con tôi và bọn trẻ rất thích thì làm từ trái cây: màu vàng của cam, màu đỏ của thanh long ruột đỏ, màu xanh của lá bạc hà, màu tím xanh của hoa đậu biếc…
Những món dâng lên cúng ông bà tổ tiên, đãi người thân, bạn bè… ra đời từ căn bếp đầy chật mùi vị tết và từ đôi tay chăm chút của người nội trợ. Bếp tết, luôn đậm hương vị và thơm thảo tấm lòng của người đầu bếp.