Truyện ngắn

Tết Chôl ch’năm th’mây

NGUYỄN TAM MỸ 13/04/2025 09:59

Xế chiều. Những tảng mây trắng bồng bềnh trôi trên tầng không dần chuyển sang màu xám bạc và sà thấp xuống. Rồi mưa. Mưa xối xả. Mưa trắng trời. Anh em làm việc ở cơ sở sửa chữa xe cộ máy móc do Thế phụ trách đành bỏ dở công việc chạy vào nhà trú mưa.

TET KHO ME cua nguyen tam my A
Minh họa: HIỂN TRÍ

Dương lọ mọ đi súc ấm pha trà. Thế hỏi Nuôn Chia: “Bao giờ đến Tết Chôl ch’năm th’mây?”. Nuôn Chia bảo: “Tết Chôl ch’năm th’mây diễn ra trong ba ngày, từ mười ba đến mười lăm tháng Tư. Không ít nơi kéo dài đến mười bảy tháng Tư”. Điếu hỏi trống không: “Hôm nay ngày mấy rồi?”. Seng Tuk nói: “Cuối tuần này là đúng dịp Tết Chôl ch’năm th’mây. Anh em mình được nghỉ, vui tết với người Kh’mer ở Snoul”. Kim Xarươn góp lời: “Mọi người nhớ khi đi chơi Tết Chôl ch’năm th’mây với người Kh’mer, giấy tờ tiền bạc trong ví nên gói bao ny lon bên ngoài kẻo ướt hết. Vui tết, người Kh’mer chúc phúc bằng cách tạt nước bà con, bạn bè, khách quý gần xa… Người Kh’mer quan niệm rằng, ai bị tạt nước ướt như chuột lột, người đó gặp nhiều may mắn trong năm mới”.

Trời vẫn còn mưa, dù không xối xả. Nuôn Chia cho biết, Tết Chôl ch’năm th’mây là tết quan trọng nhất trong năm, vì thế trước tết, người Kh’mer đến chùa chiền trong phum giúp các nhà sư tắm Phật, lau chùi các ban thờ, quét dọn sạch sẽ khuôn viên chùa. “Hầu hết người Kh’mer theo đạo Phật, họ sống thiện lành và coi cuộc đời này chỉ là cõi tạm” - Kim Xarươn nói thêm.

Mấy anh em công nhân người Việt muốn tìm hiểu về Tết Chôl ch’năm th’mây nên đề nghị mấy anh em công nhân người Cam nói rõ hơn. Họ nhiệt tình giảng giải. Tết Chôl ch’năm th’mây diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên gọi là maha songkran, ngày khởi đầu của một năm mới. Ngày thứ hai gọi là uanabot, ngày bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ngày thứ ba gọi là th’ngây leng saka, ngày đón nhận những điều may mắn tốt lành trong năm mới.

Cũng như người Việt, người Kh’mer vào dịp Tết Chôl ch’năm th’mây cũng sắm nhiều món ăn truyền thống để thết đãi bà con láng giềng, bạn bè gần xa tới chơi nhà. Bai xach ch’rut là món cơm sườn heo nướng. Amok là món cá hấp nước cốt dừa gói trong lá chuối. Num ansom là bánh tét nhân chuối hoặc đậu xanh. Vui trong ba ngày tết có các trò chơi dân gian như đua thuyền trên sông, đắp núi cát, xây đền tháp cát, hát múa apsara, hát múa romvông…

- Không thể kể hết về Tết Chôl ch’năm th’mây được đâu! - Seng Tuk nói.

- Cuối tuần, đi chơi thị trấn Snoul, các vị mới cảm nhận được tết của người Kh’mer như thế nào! - Soul Bay bảo.

Vào ngày maha songkran, khoảng chín giờ sáng, Thế, Mạc, Đạo, Điếu, Dương và “bộ tứ” gồm Hồ Tiến Lợi, Mai Hoàng Lương, Nguyễn Đại Tự và Trần Bội Tín rủ nhau đi chơi thị trấn Snoul. Ở ngã tư phía trước có cả đống người chất cao di động, chung quanh họ là đám đông cuồng nhiệt cười nói reo hò. Tò mò, mấy anh em công nhân người Việt sải bước tới. Và họ bị tạt nước ướt sũng. Năm chiếc rôtếkô (1) chở những thùng nhựa to đựng đầy nước với các chàng trai cô gái Kh’mer đứng múc nước tạt vào đám đông ở hai bên đường và nói to: “Ch’năm th’mây samakhi!” (2).

Có rất nhiều người trong đám đông cũng dùng gáo dừa, ca nhựa múc nước từ các xô chậu chum vò mà người dân hai bên đường đặt sẵn hắt vào những người đang đứng trên những chiếc rôtếkô và hét váng lên: “Ch’năm th’mây samakhi!”. Thế, Mạc, Đạo, Điếu, Dương và “bộ tứ” hòa vào đám đông cuồng nhiệt di chuyển trên đường. Thấy mấy anh em công nhân người Việt tỉnh queo, những người đàn ông Kh’mer mang theo rượu mời uống. Họ bảo: “Tết Chôl ch’năm th’mây phải uống chút rượu mới vui”. Thoạt đầu, mấy anh em công nhân người Việt còn ngại ngần giữ kẽ nhưng khi có tí hơi men trong người, họ nhanh chóng hòa đồng với đám đông. Họ cũng phụ họa “ch’năm th’mây samakhi” và sốt sắng múc nước từ các xô chậu chum vò đặt hai bên đường hắt lên xe, hắt cả vào đám đông trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người.

Nơi chiếc rôtếkô đi qua, Thế không biết ai bơm đổ nước vào mà những chàng trai cô gái đứng trên xe múc nước hắt tung tóe hoài vẫn không cạn. Những thùng nước ấy giống như nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích Việt Nam, cứ vơi rồi lại đầy.

Mấy anh em công nhân người Việt cảm thấy đói và mệt, họ rời khỏi đám đông bước lên lề đường khi bóng nắng đổ tròn dưới chân. Chey Moan dẫn bạn bè tới gặp mấy anh em công nhân người Việt, mời về nhà anh ở phum Kh’riêl Kô, ăn Tết Chôl ch’năm th’mây.

Cây xoài cổ thụ phủ bóng lá trùm che mát rượi khoảng sân rộng. Ở đó miếng ván to dài kê trên sáu chiếc cọc gỗ chôn cố định xuống đất. Hai chiếc ghế ở hai bên bàn cũng vậy. Fen Maly - vợ Chey Moan, múc thức ăn vừa nấu nướng xong ra đĩa. Chey Moan và mấy người bạn của anh xúm vào phụ giúp bưng bê. Loáng một cái, tất cả đã bày biện tươm tất trên bàn cùng ba thẩu rượu màu hổ phách.

Chey Moan mời mọi người an vị. Anh xoa tay nói: “Nhân dịp Tết Chôl ch’năm th’mây, gia đình tôi mời những người bạn quý Việt Nam và những người bạn quý Kh’mer đến chung vui. Đặc biệt, Pu Hên là bậc cha chú ở phum Kh’riêl Kô cũng có mặt là điều rất vinh dự với gia đình tôi. Xin mời tất cả nâng ly “Việt Nam - Campuchia samakhi”.

Mọi người cùng hô “Việt Nam - Campuchia samakhi” và uống cạn ly. Tổng cộng khoảng hai mươi người, vừa ăn uống vừa trò chuyện với nhau. Thế phạt Chey Moan một ly vì không báo trước khiến anh em công nhân người Việt rơi vào thế bị động. Chey Moan cười chấp nhận. Uống hết ly rượu phạt, Chey Moan bảo không báo trước để tạo sự bất ngờ mới vui.

Ẩm thực người Kh’mer có những nét tương đồng với ẩm thực người Việt nên ai cũng thấy ngon miệng. Theo Pu Hên, chỉ có món mắm là dị biệt thôi! Mắm cái của người Việt, người Kh’mer xài không được vì mặn quá! Ngược lại, mắm pròhók của người Kh’mer, người Việt không hợp khẩu vị vì nhạt và nặng mùi.

Cuộc vui kéo dài quá trưa. Khi tiệc tan, mấy anh em công nhân người Việt nằm ngủ lăn lóc trên nhà sàn Chey Moan.

Chiều tàn. Phum Kh’riêl Kô rộn rã tiếng nói cười.

Thế là người tỉnh giấc đầu tiên. Anh lay gọi Mạc, Đạo, Điếu, Dương, Hồ Tiến Lợi, Mai Hoàn Lương, Nguyễn Đại Tự và Trần Bội Tín. Fen Maly cười hỏi: “Các anh đã thức dậy rồi à? Uống nhiều rượu quá, các anh có mệt không?”. Mạc trách Chey Moan: “Sao ông không gọi bọn mình dậy sớm để về? Bây giờ lỡ mất cơ hội ra thị trấn Snoul xem múa romvông rồi…”. Chey Moan phẩy tay: “Ông khỏi lo! Đêm nay, phum Kromia ở bên suối lớn múa rom vông đến sáng. Ăn tối xong, nếu các ông thích, mình sẽ dẫn đi…”.

Trời sập tối. Tiếng đàn tôrô và tiếng trống sikô từ phum Kromia đồng vọng lại. Chey Moan dẫn mấy anh em người Việt đi xem múa romvông. Sân chùa Kromia to rộng, bốn góc gắn bốn ngọn đèn điện sáng trưng.

Mấy anh em người Việt và Chey Moan đứng lẫn vào đám đông chung quanh, ngắm nhìn những chàng trai cô gái Kh’mer sóng đôi theo vũ điệu dân gian, tạo thành vòng tròn xoay ngược chiều kim đồng hồ. Thế và Mạc lặng lẽ quan sát. Tay này đưa lên xòe mở năm cánh sen, tay kia hạ xuống xếp các ngón lại uốn cong. Chân này bước lên một bước làm trụ cho chân kia bước lên xoay ngang và lắc hông. Các động tác tay chân nhịp nhàng uyển chuyển theo tiếng trống sikô, tiếng đàn rôtô và nhịp điệu bài hát ngân nga. Đặc biệt gương mặt các cô gái rạng rỡ với ánh mắt lúng liếng, với nụ cười tươi tắn trên môi.

Chey Moan đứng cạnh Thế và Mạc, nói: “Múa romvông cũng đơn giản thôi, nhìn một lát là học được ngay”. Thế hỏi: “Họ hát những bài hát gì mà giai điệu mượt mà sâu lắng?”. Chey Moan nói: “Khi múa romvông, người ta thường hát những bài dân ca Kh’mer như Chiếc khăn hồng, Bông hoa đu đủ, Bài ca chim sáo, Bài ca cây muỗm…”.

Đang mải ngắm nhìn quang cảnh đêm hội, Thế, Mạc, Điếu và Dương bất ngờ được hai cô gái Kh’mer tiến đến trước mặt, nhún chân xòe tay: “Mời các bạn Việt Nam cùng múa romvông vui Tết Chôl ch’năm th’mây”. Điếu và Dương hoảng quá, lùi lại phía sau và lẫn vào đám đông. Thế và Mạc đứng chôn chân bối rối. Ai đó đứng bên cạnh đưa cho Chey Moan chai rượu, đưa cho hai cô gái mỗi người một chiếc chén sứ. Chey Moan rót đầy rượu vào hai chiếc chén sứ, hai cô gái nghiêng người mời Thế và Mạc. Chey Moan bảo: “Uống cạn chén, hai anh ra múa romvông mới “bốc” được”.

Một liều, ba bảy cũng liều. Thế và Mạc uống cạn chén rượu cũng là lúc tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống nổi lên. Cùng với mọi người, Thế và Mạc và hai cô gái bước vào vòng múa romvông. Khi bài hát kết thúc, Thế và Mạc cúi chào hai cô gái rồi về chỗ cũ. Thấy Thế và Mạc “huơ tay xàng chân” cũng không đến nỗi nào, Đạo, Điếu, Dương, Hồ Tiến Lợi, Mai Hoàn Lương, Nguyễn Đại Tự và Trần Bội Tín cũng uống rượu rồi mạnh dạn vào múa romvông.

Đám đông đứng chung quanh vỗ tay động viên khích lệ. Mạc bảo với Thế: “Khi tham gia điệu múa tập thể này, các chàng trai cô gái rất dễ làm quen với nhau. Có lẽ đó là nguyên do ngày ấy có không ít lính tình nguyện Việt Nam trồng “cây si” ở các sóc phum”. Thế gật đầu đồng ý.

Không khí đêm hội romvông vui Tết chôl ch’năm th’mây ở phum Kromia càng về khuya càng tưng bừng. Tiếng hát lời ca và tiếng đàn tiếng trống lôi cuốn họ vào những vòng tròn người nhún nhảy ngược chiều kim đồng hồ. Mấy anh em người Việt cũng nhiệt tình nhập cuộc. Nụ xuân dường như đang hé mở trong lòng những chàng trai, cô gái…

(1) Tiếng Kh’mer có nghĩa là xe bò, phương tiện phổ biến ở các vùng nông thôn Campuchia.

(2) Tiếng Kh’mer có nghĩa là năm mới đoàn kết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết Chôl ch’năm th’mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO