Trước nhu cầu sử dụng bột ngũ cốc sạch, giàu dinh dưỡng với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ năm 2017 tới nay, chị Đoàn Thị Thương (xã Phước Ninh, Nông Sơn) đã nghiên cứu, cải thiện công thức chế biến sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trên thị trường.
Bột ngũ cốc là nguồn thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người ăn kiêng, giảm cân.
Chị Đoàn Thị Thương đã tìm hiểu cách thức chế biến bột ngũ cốc theo kinh nghiệm truyền thống và tìm tòi, học hỏi cải tiến công thức sản xuất, phối trộn hơn 10 loại hạt vốn là nguyên có sẵn tại địa phương gồm: hạt sen, mè đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen xanh lòng, gạo lứt, đậu ván, đậu ngự và đậu nành...
Phước Ninh là xã miền núi, đời sống nhân dân phụ thuộc vào nông nghiệp, nông sản chủ yếu sản xuất theo hình thức tự cung tự cấp nên việc tạo sản phẩm bột ngũ cốc phần nào giúp người dân tiêu thụ được nông sản tại chỗ.
Từ chỗ sản xuất thủ công, chị Thương đã sử dụng nguồn vốn tích lũy gần 100 triệu đồng và nguồn vốn vay hơn 50 triệu đồng mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc như và sản phẩm làm ra được đóng gói, gắn nhãn mác, thương hiệu.
Theo chị Thương, để làm nên thương hiệu bột ngũ cốc Hạt Thương, đầu tiên khâu chọn nguyên liệu phải chuẩn, phải chọn loại đậu quê, nhỏ hạt, tròn, chắc; rửa sạch sâu mọt và tạp chất.
Các loại hạt có trong ngũ cốc chứa giá trị dinh dưỡng rất cao, nhiều vitamin và protein cung cấp cho cơ thể khỏe mạnh, giúp bổ sung và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, kích thích sự tiêu hóa, giúp hấp thu dinh dưỡng tối đa. Hiện, sản phẩm bột ngũ cốc được đóng gói có nhiều loại như: loại 100gr, 200gr có giá thành 50 - 60 nghìn đồng; 500gr có giá 80 nghìn đồng, 1kg giá 160 nghìn đồng. Cơ sở còn có sản phẩm bột hạt sen 500g có giá 220 nghìn đồng, trà đậu đen 120 nghìn đồng/kg.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, chị Thương đã linh hoạt chuyển từ mô hình mua bán truyền thống sang bán online trên nền tảng mạng xã hội. Trung bình mỗi tháng, chị tiêu thụ 150 - 200kg bột ngũ cốc thành phẩm.
Sản phẩm đã được xây dựng bao bì, nhãn mác, logo thương hiệu, mã vạch, mã cod, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định các chỉ tiêu định lượng, các chỉ tiêu về an toàn thực thực phẩm, có đầy đủ giấy tờ pháp lý về đăng ký kinh doanh, kiến thức an toàn thực phẩm...
Chị Thương đã chủ động giới thiệu, trưng bày sản phẩm “Bột ngũ cốc Hạt Thương” tại nhiều hội thảo, hội chợ trong và ngoài tỉnh; liên hệ các cửa hàng sạch, siêu thị mini và các nhà cung cấp chào hàng, đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm trên mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Từ nguồn hỗ trợ, tiếp sức của chương trình OCOP, “Bột ngũ cốc Hạt Thương” không ngừng được cải thiện, nâng cấp, đa dạng hình thức, mẫu mã. Năm 2020 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, càng mở thêm cơ hội vươn ra thị trường lớn.