Từ loại rượu đặc sản của đồng bào vùng cao, anh Bh’ling Vinh (thôn Đắc Rế, xã La Dêê, Nam Giang) đã nghiên cứu và hình thành nên sản phẩm rượu độc đáo mang tên: tà vạc cất. Sản phẩm này đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao.
Rượu... trời cho
Vốn được xem là thức uống không thể thiếu trong đời sống của đồng bào vùng cao, rượu tà vạc từ lâu đã trở thành món quà quý giúp bồi bổ sức khỏe. Loại rượu này hoàn toàn được chiết ra từ thân cây tà vạc - một loại cây thuộc họ dừa, mọc ở vùng cao nên thường được biết đến với cái tên “rượu trời”. “Thương nhau mến nhau, thì mời nhau chén rượu tà vạc/ Hương thơm nồng, sạch như suối nguồn vùng cao”.
Anh Bh’ling Vinh - chủ cơ sở sản xuất rượu tà vạc cất Nam Giang cho biết, rượu tà vạc có hai loại, gồm rượu tà vạc truyền thống và rượu tà vạc cất. Trong đó, rượu tà vạc cất được xem là “rượu sinh ra từ rượu”, bởi nó được chưng cất từ rượu tà vạc truyền thống. Rượu tà vạc là sản phẩm lên men tự nhiên, không qua xử lý. Sau khi dùng cây đập nhẹ ở quanh buồng cây tà vạc, nước từ trong buồng sẽ rỉ ra, có vị ngọt, màu trắng đục. Người chuyên nghiệp, mỗi ngày có thể lấy về cả chục lít tà vạc, sau đó dùng vỏ cây chuồn ngâm chung để lên men, tạo thành rượu.
“Để có được những giọt tà vạc tinh khiết, người lấy không chỉ nắm được kỹ thuật, tính kiên nhẫn, kinh nghiệm mà còn phải “mát tay” nữa. Rượu tà vạc có vị ngọt, kết hợp với vị đăng đắng, nồng nhẹ và thường có mùi thơm tự nhiên nên được đồng bào ưa chuộng” - anh Vinh nói.
Cũng theo anh Vinh, mặc dù rượu tà vạc khá phổ biến nhưng lâu nay đồng bào thường chỉ sử dụng trong khoảng thời gian 1 - 2 ngày, nếu để lâu hơn rượu sẽ chua và mất đi hương vị. Xuất phát từ nhu cầu muốn lưu giữ hương vị đặc trưng của rượu tà vạc, anh Vinh cùng đồng nghiệp trong trường đã tìm tòi nghiên cứu ra cách chưng cất chính rượu tà vạc, đồng thời chiết xuất, hình thành sản phẩn rượu tà vạc cất. Thông thường, để có được 1 lít và vạc cất, anh Vinh phải chưng cất khoảng 5 lít nguyên liệu rượu tà vạc nguyên chất với nhiều công đoạn kỳ công.
“Từ sự độc đáo về nguồn gốc thiên nhiên và phương thức chiết xuất hoàn toàn từ tà vạc truyền thống, rượu tà vạc cất có khả năng lưu giữ được hầu hết đặc tính tự nhiên, tinh khiết và cả hương vị riêng độc đáo. Với mùi thơm quyến rũ, khi thưởng thức, rượu tà vạc cất mang đến cảm giác đậm đà, thơm ngon” - anh Vinh cho biết thêm.
Sản phẩm độc đáo
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho hay, trước đây rượu tà vạc thường được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu thưởng thức của cộng đồng dân cư miền núi. Bất kể dịp lễ hội văn hóa, hay sự kiện nào đó quan trọng của đồng bào, trên mâm đãi khách, bao giờ cũng có rượu tà vạc. Đây được xem là nét văn hóa lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của đồng bào vùng cao. Vài năm trở lại đây, từ điều kiện cuộc sống, cũng như nhận thấy nhu cầu của thị trường, đồng bào đã bắt đầu nghiên cứu và đưa rượu tà vạc trở thành sản phẩm có giá trị về kinh tế.
Mới đây, khi rượu tà vạc cất của cơ sở sản xuất Bh’ling Vinh được UBND tỉnh công nhận chất lượng 3 sao chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khuyến khích và mở ra cơ hội phát triển mới cho đồng bào địa phương từ chính sản phẩm vốn có của vùng.
Trong định hướng của địa phương, bên cạnh phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng, cùng với nhiều sản phẩm đặc trưng khác, rượu tà vạc cất sẽ là một trong những đặc sản quà tặng phục vụ cho phát triển du lịch.
Cùng với việc khai thác “rượu trời”, công tác bảo tồn và nhân rộng trồng cây tà vạc mới cũng sẽ được chú trọng, hướng đến hình thành nơi cung cấp nguồn rượu tà vạc truyền thống, phục vụ nhu cầu thưởng thức và mở hướng phát triển kinh tế cho đồng bào địa phương.
“Không chỉ có thêm nguồn thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống, công tác bảo tồn và phát triển cây tà vạc còn góp phần hướng đến cuộc sống thân thiện với môi trường thiên nhiên, hình thành du lịch sinh thái” - ông Chương chia sẻ.
Ngày tết, trên gói quà thăm biếu nhau, ngoài các sản vật đặc trưng, đã thấy những bình rượu tà vạc cất được đồng bào chuẩn bị, tỏa mùi hương thơm nồng.