Những năm qua, Quảng Nam đã tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư và luôn thể hiện tính nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm thu hút tối đa nguồn lực đầu tư.
Huy động mọi nguồn lực
Quảng Nam đã xác định phát triển công nghiệp và chỉ phát triển công nghiệp mới tạo sự bứt phá, mở con đường ngắn nhất để đưa địa phương thoát khỏi một tỉnh vốn thuần nông. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn thiếu thốn, để đáp ứng nhu cầu phát triển đầu tư, Quảng Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Đặc biệt, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) được chú trọng và xem đây là hướng đột phá trong phát triển kinh tế. Theo đó, cùng với việc vận dụng các cơ chế chính sách hiện có của trung ương, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN, Khu kinh tế mở Chu Lai.
Điện Nam – Điện Ngọc là KCN đầu tiên của tỉnh và hiện nay trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư không chỉ của địa phương mà của cả khu vực miền Trung. Tính đến nay, KCN này thu hút 63 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 29 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và gần 500 triệu USD. Hiện nay kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm tại KCN này chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ngoài thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, KCN Điện Nam - Điện Ngọc còn đóng vai trò hạt nhân trong mối liên hệ phát triển kinh tế vùng, gắn với chuỗi đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nối liền giữa Đà Nẵng và Hội An. Đến nay đã có hàng chục khu đô thị mới, dự án du lịch vệ tinh hình thành quanh KCN, tạo động lực phát triển kinh tế ở địa phương.
Hơn 22 năm trước, từ một tỉnh mới chia tách, Quảng Nam chưa có trong tay KCN nào, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tiên của cả nước, 9 KCN được quy hoạch và đang kêu gọi thu hút đầu tư. Phần lớn các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được bố trí triển khai đầu tư tại đây. Nếu tính tại thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam chỉ có 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 230 triệu USD thì đến nay đã có 166 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với sự gia tăng mạnh mẽ của dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI từ các năm qua đòi hỏi Quảng Nam phải huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, để không ngừng mở rộng và thu hút đầu tư. Đến nay, Quảng Nam đã có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, ngày càng được củng cố và mở rộng như đường nối từ tuyến Hồ Chí Minh đến quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đoạn qua Quảng Nam), mở tuyến hàng hải quốc tế từ cảng biển Chu Lai, nâng cấp sân bay Chu Lai... đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Để kích hoạt tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế, Quảng Nam đang xây dựng chiến lược phát triển vùng đông nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là triển khai những nhóm, các dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng. Đó là nhóm công nghiệp cơ khí ô tô đa dụng, mà hạt nhân là Chu Lai - Trường Hải; nhóm công nghiệp hàng không với sân bay Chu Lai là hạt nhân; nhóm dự án khí - điện với hạt nhân là mỏ khí Cá Voi Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các nhà máy điện khí tại Chu Lai và Dung Quất; nhóm du lịch - dịch vụ với hạt nhân là Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; nhóm công nghiệp dệt may - da giày với hạt nhân là Công ty Panko (Hàn Quốc) và cuối cùng là nhóm dự án thủy - hải sản mà hạt nhân là cảng cá Tam Quang.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lấy cơ chế mở làm tư tưởng đột phá xuyên suốt và được xem xét điều chỉnh thích ứng với thị trường toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng và cả nước, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững.
Theo định hướng của UBND tỉnh, để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển cụm ngành động lực lợi thế của tỉnh, đảm bảo năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với các trung tâm đô thị. Quảng Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh...