Nhận diện những chỉ tiêu chưa đạt trong thu ngân sách năm 2024 và dự lường những khó khăn về kinh tế năm 2025 để đưa ra các giải pháp chống thất thu, đảm bảo ngân sách là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, diễn ra trong 2 ngày 4&5/12.
Chưa bền vững nguồn thu
Năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 26.000 tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán và tăng 4% so với số thu năm trước.
Theo các đại biểu HĐND tỉnh, thu từ hoạt động ô tô Trường Hải vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước trên địa bàn, chiếm 52,4% dự toán thu nội địa (11.650 tỷ đồng/21.700 tỷ đồng) không bao gồm tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết.
Đáng nói, số thu bình quân tháng từ tháng 2-8 không đạt tiến độ thu bình quân theo dự toán. Chỉ khi có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ tháng 9/2024 thì sản lượng tiêu thụ ô tô tăng cao, dẫn đến nguồn thu này có tăng trưởng và thu cả năm 2024 đạt và vượt dự toán.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho rằng, thu ngân sách vẫn phụ thuộc rất lớn vào ô tô Trường Hải, trong khi các nguồn thu khác chưa đảm bảo tính bền vững.
Tiêu biểu, tiền sử dụng đất là một trong những nguồn thu lớn của tỉnh, tiềm năng số thu lớn, tuy nhiên năm 2024 thu từ tiền sử dụng đất là 850 tỷ đồng, đạt 31,5% dự toán do thị trường bất động sản chưa phục hồi, doanh nghiệp khó khăn về tài chính, nợ đọng lớn kéo dài nên số nộp ngân sách đạt thấp. Với TP.Tam Kỳ, chính quyền địa phương phải điều chỉnh dự toán thu - chi và đầu tư công do phụ thuộc vào tiền sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, mặc dù thu ngân sách vượt dự toán năm 2024, song dự kiến có 3/16 khoản thu không đạt. Nợ đọng thuế vẫn còn lớn, một số doanh nghiệp nợ tiền đất lớn, tăng dần qua các năm. Tổng số tiền nợ tính đến ngày 31/10/2024 là 2.187 tỷ đồng.
Trong năm, đã thu hút cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước và 10 dự án FDI. Tuy nhiên, tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI còn thấp và ngày càng sụt giảm.
Hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, phục hồi chậm, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 1.472 doanh nghiệp, tăng 10,9% so với cùng kỳ, cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (1.008 doanh nghiệp thành lập mới).
Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn nguyên liệu đất san lấp, giá cả một số vật liệu xây dựng và chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều dự án chậm triển khai, tiến độ kéo dài, việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Dự lường những khó khăn
Hiện nay tình hình kinh tế - xã hội trong nước dần được phục hồi và có tăng trưởng. Dự kiến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh khoảng 7-8%, song năng lực sản xuất mới chưa phát sinh lớn, không có nguồn thu tăng đột biến.
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025 là 25.000 tỷ đồng, tăng 5,9% dự toán năm 2024, bằng 96,2% ước thực hiện năm 2024. Trong đó thu nội địa 20.800 tỷ đồng, với nguồn thu chính từ ô tô Trường Hải, tiền sử dụng đất, hoạt động Nam Hội An và thủy điện.
Đáng chú ý, dự toán nguồn thu từ hoạt động ô tô Trường Hải khoảng 9.180 tỷ đồng, bằng 78,8% so với ước thực hiện năm 2024. Nguyên nhân do năm 2025 không còn các chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, cộng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu khác trong và ngoài nước, đặc biệt là dòng ô tô điện; nhu cầu mua sắm mới của người dân, doanh nghiệp có xu hướng bão hòa... Do đó sản lượng tiêu thụ sẽ giảm so với năm 2024, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, phục hồi chậm. Do đó, đề nghị chính quyền đồng hành với doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư thông thoáng; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kịp thời phê duyệt, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
Chủ động tạo quỹ đất sạch, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thu hút, đón nhận các nhà đầu tư chiến lược. Cạnh đó có giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhất là các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, ký quỹ… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng thời quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm trước dự báo nguồn thu khó khăn. Đề ra giải pháp chống thất thu, đảm bảo ngân sách và có cơ chế cho các địa phương đẩy mạnh tăng thu. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích động viên các địa phương có nguồn thu lớn như Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ.
“Bên cạnh thực hiện đầu tư công, năm 2025 phải chú trọng đầu tư tư, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ ô tô Trường Hải. Trong đó nhiệm vụ quan trọng là tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục, xúc tiến đầu tư” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, năm 2025 UBND tỉnh sẽ quyết tâm, chỉ đạo mạnh lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, khắc phục vấn đề vật liệu xây dựng, đất cát, sỏi, đá,… để đẩy nhanh tiến độ dự án, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với các ngành liên quan để xây dựng quy trình cấp phép đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả. Các huyện, các ngành phải vào quyết liệt để tháo gỡ nhanh, trong đó huyện nào có quy hoạch mỏ cát, mỏ đất, mỏ vàng thì sớm đưa vào chủ trương đầu tư để thực hiện trong năm 2025.