(QNO) - Những ngày này, trên các nẻo đường quê ở xã Cẩm Hà (Hội An) chộn rộn không khí trao đổi mua bán quật cảnh chưng tết. Nhiều vườn quật cảnh được thương lái đến tận nơi gom mua gần như toàn bộ nên nông dân rất phấn khởi.
Có mặt tại làng quật cảnh Cẩm Hà vào những ngày cận tết, chúng tôi ghi nhận khí thế mùa xuân đang lan tỏa trên các nẻo đường quê. Thời tiết nắng ráo, dòng người khắp nơi đổ về mua quật cảnh thêm đông đúc. Các thương lái từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TP.Đà Nẵng, Kom Tum, Gia Lai… đã đặt cọc mua quật cảnh tại vườn của các hộ dân từ sớm.
Thâm canh quật cảnh hơn 6.000m2, mỗi năm gia đình ông Lê Trung (thôn Bến Trễ, Cẩm Hà), cung cấp ra thị trường hơn 900 chậu quật cảnh. Ông cho biết, trước đây gia đình làm nghề buôn bán bắp, công việc khá bấp bênh nên vợ chồng ông mạnh dạn học hỏi, tìm hiểu và chuyển đổi sang trồng quật để cải thiện kinh tế gia đình. Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng quật tết, không những phát triển kinh tế gia đình, ông Trung còn giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương khi đến thời vụ chăm sóc quật tại vườn.
“Những ngày gần tết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu xem và mua quật của khách, tôi phải thuê số lượng người làm đông hơn gấp đôi ngày bình thường khoảng 12-15 người. Mỗi ngày trả công từ 250 đến 400 nghìn đồng/người, tùy vào mức độ công việc nặng nhẹ khác nhau. Lao động tại vườn là người dân bản địa, hiểu rõ quy trình và kỹ thuật chăm sóc quật nên tôi không phải lo lắng” – ông Trung chia sẻ.
Kỹ thuật chăm quật không quá khó, song để cho ra một chậu quật có trái, thế đẹp đáp ứng nhu cầu của khách hàng đòi hỏi người chăm sóc phải có kỹ thuật và kinh nghiệm làm vườn. Do đó, vợ chồng ông Lê Trung cũng như các chủ nhà vườn khác tại xã Cẩm Hà không ngừng học thêm kỹ thuật chăm sóc, chọn cây giống quật phù hợp.
[VIDEO] - Vườn quật cảnh của ông Lê Trung:
Chị Huỳnh Thị Khơi, một người chăm sóc quật tại vườn nhà ông Lê Trung hơn 10 năm cho biết: “Những ngày cận tết, lượng khách đến vườn liên tục, công việc có đôi phần vất vả. Nhưng chủ bán được nhiều, những người làm thuê như tôi càng cảm thấy vui vẻ vì được chủ trả công xứng đáng hơn".
Hiện nay, số lượng chậu quật tại vườn Lê Trung đã được khách đặt cọc và mua hết. Những chậu quật lớn, lâu năm đang lần lượt chở về cho các đơn vị, cơ quan nhà nước thuê chưng trong những ngày tết.
Khu vườn ông Nguyễn Văn Thủy (thôn Đồng Nà, Cẩm Hà) trồng gần 2.000m2, cung cấp ra thị trường mỗi năm hơn 800 chậu quật dáng tầm trung (từ 1 đến 1,2m). Ông Thủy nói: "Những người làm tại vườn đều được ông hướng dẫn chi tiết các kỹ thuật chăm sóc cần thiết, chỉnh chu hoàn thiện trước khi giao cho khách hàng. Các khách hàng sỉ từ Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Dương, Gia Lai… đều quay lại chọn mua và đặt cọc tiền trước, đến nay quật cảnh trong vườn đã được đặt mua 100%".
Theo ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, năm 2022 doanh thu từ quật trên địa bàn hơn 50 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu/người, giải quyết được phần lớn việc làm cho các hộ dân trên địa bàn xã, đáp ứng tốt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2023, toàn xã có 370 hộ trồng quật với khoảng hơn 75 nghìn chậu quật cảnh, số lượng và chất lượng quật cũng được nâng cao hơn so với năm 2022. Thời điểm này, các thương lái ở các tỉnh thành đều đã đặt cọc và thu mua hơn 60% số quật cảnh tại vườn của các hộ dân với mức giá ổn định.
Cuối năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh đã công nhận nghề quật Cẩm Hà đạt tiêu chí nghề truyền thống theo quy định tại Quyết định số 43 của UBND tỉnh.
[VIDEO] – Ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ về phát triển nghề truyền thống trồng quật cảnh: