Thú vui của nhà nông

HỨA XUYÊN HUỲNH 07/01/2024 09:45

Cảnh khách Tây lẫn ta háo hức với “Lễ hội xuống đồng” khai diễn ở Hội An đầu tuần này khiến tôi nhớ đến thú vui của nhà nông mà tác giả “Việt Nam phong tục” từng đề cập từ hơn 100 năm trước…

Cảnh cấy mạ, tát nước vừa trình diễn tại “Lễ hội xuống đồng” Cẩm Châu 2024.
Cảnh cấy mạ, tát nước vừa trình diễn tại “Lễ hội xuống đồng” Cẩm Châu 2024.

1. Hỏi thăm Trung, một người bạn trẻ ở TP.Hội An, rằng có tham gia “Lễ hội xuống đồng” không, liền nghe trả lời rất phấn chấn: “Lễ hội tổ chức ở cánh đồng sau lưng nhà em mà!”.

Trung quê gốc Đại Lộc, xuống Hội An công tác rồi định cư, chọn mua mảnh đất ở khối phố An Mỹ (Cẩm Châu) vì thích cảnh yên bình ở đây, nhất là thấy tình làng nghĩa xóm ấm áp như hồi còn ở quê cũ.

Trung kể, An Mỹ giữ được nét làng quê, một làng truyền thống có đình làng mấy trăm tuổi với nhiều miếu thờ thần linh. Dù là khối phố, nhưng người dân chủ yếu làm nghề nông. Xưa kia, trên cánh đồng An Mỹ cũng có miếu Thần Nông, nay không còn… Nên dễ hiểu vì sao “Lễ hội xuống đồng” lại chọn khai diễn ở đây.

Từ năm 2021 và 2022, phường Cẩm Châu đã mở hội này với mục đích khuyến khích người dân làm ruộng, không bỏ hoang đất. Đầu năm 2024, chính quyền TP.Hội An chính thức đưa sự kiện này vào danh mục lễ hội của thành phố để nâng tầm quy mô, vừa tạo ngày hội vui cho nông dân vừa có thêm sản phẩm du lịch văn hóa…

“Du khách và bà con địa phương hãy đến cùng tham gia để có cơ hội được trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn tại lễ hội lần này”, lời mời gọi được chính quyền địa phương gửi đi từ nhiều ngày trước. Có theo dõi lễ hội khai diễn sáng 2/1 mới thấy “cơ hội trải nghiệm” chia đều cho nhiều người, chủ lẫn khách, Tây lẫn ta.

Buổi sáng mùa đông có mưa, nhưng nhiều người vẫn háo hức xem cảnh trình diễn cày ruộng bằng trâu, bằng đội hình xe máy cày hay tát nước gàu sòng, cấy lúa… Nghỉ tay, khách tạt qua khu ẩm thực để thưởng thức các “món ngon nhà nông”.

“Được trải nghiệm trong không gian ruộng đồng mênh mông, cảm giác thật thú vị, như giúp “cân bằng” cho môi trường sống đô thị và công nghệ khô cứng”, Trung nói thay cảm xúc của nhiều người.

2. Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam) có “lễ hội xuống đồng”, Hòa Châu (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cũng có “lễ rước mục đồng”. Lễ rước ở Hòa Châu hình thành đã lâu, lại có hẳn đình làng Thần Nông làm điểm xuất phát và quay về của đoàn rước. Đình còn có tên khác là đình Mục Đồng, gọi theo lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu. Nay thì định danh là đình Thần Nông Phong Lệ, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố từ năm 2008.

Theo khảo tả của nhóm tác giả Hồ Tấn Tuấn - Lê Xuân Thông - Đinh Thị Toan trong cuốn “Đình làng Đà Nẵng” (NXB Đà Nẵng 2012), ngôi đình hiện tại vốn được xây dựng lại vào khoảng giữa thập niên 30 thế kỷ 20.

Lúc đó, Pháp làm tuyến đường sắt ngang qua đình làng cũ, dân làng cho là điềm không tốt nên tháo dỡ, di dời. Ngôi đình ấy gắn liền với lễ hội mục đồng, một nếp sinh hoạt dân gian độc đáo với câu truyền miệng còn đến ngày nay: Phong Lệ hát mục đồng, Giáng Đông hát vật.

Lễ hội mục đồng thường tổ chức 3 năm một lần, lễ chính diễn ra ngày 10 tháng 4 âm lịch. Mục đồng tập trung tại đình làng từ chiều hôm trước, đến canh một của ngày lễ chính thì bắt đầu lễ rước. Kiệu thần rước từ đình làng, băng qua các cánh đồng, hướng ra cồn Thần - nơi có tảng đá màu trắng nằm ở phía đông của làng. Truyền thuyết kể rằng, đấy là nơi Thần Nông từng cưỡi xa giá từ trời xuống.

Biện lễ xong, vị Trùm mục vái lạy, sau đó khấn to: “Chúng mục đồng Phong Lệ ta xin cho tốt lúa, tốt gieo, vũ thuận phong điều, đồng reo một tiếng!”. Đoàn mục đồng đáp lại: “Giá hạ! Giá hạ!”.

Thêm các lễ nghi khác nữa ngoài cồn Thần, rồi đoàn rước quay về đình làng để cúng thần. Sau đó hạ cỗ, cho đám mục đồng thưởng thức… Lễ hội kéo dài 3 ngày 3 đêm, trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng háo hức chờ đợi vì có cả diễn tuồng.

Niềm tin tâm linh không chỉ đến trong nghi thức gieo quẻ khấn vái để Thần Nông giáng xuống ngoài cồn Thần, mà thấy cả trên đôi câu đối treo ở đình làng: “Thần linh bảo hộ nhân dân thịnh/ Thánh hiển phù trì bá tánh hưng” (Thần linh che chở nên nhân dân thịnh đạt/ Thánh hiển hóa phù trì nên trăm họ hưng phát).

Niềm tin ấy lại vừa thấy bày biện trên cánh đồng Cẩm Châu (Hội An) hồi đầu tuần này, như muốn biểu thị lòng biết ơn của người dân đối với các vị thần đã phù hộ cho mùa màng bội thu và cầu mong các thần phù hộ cho dân làng một mùa vụ tươi tốt…

3. Cụm từ tiếng Anh “The Going to field festival” in trên poster của “Lễ hội xuống đồng” để giúp khách ngoại quốc tìm đến với Cẩm Châu trong ngày đầu năm mới 2024, khiến tôi nhớ đến mấy chữ “điền gia lạc thú” (田 家 樂 趣, thú vui của nhà nông) mà cụ Phan Kế Bính từng nhắc trong cuốn “Việt Nam phong tục” viết từ năm 1915.

Cụ Phan Kế Bính quả có cái nhìn toàn vẹn về nghề làm ruộng của ông cha ta. Bởi, nghề nông trong mắt cụ không chỉ có chuyện vất vả khó nhọc, cày hôm cuốc sớm, nắng chang chang sém da cháy thịt vẫn phải lui cui giữa đồng, sang đông rét như cắt ruột xẻo da vẫn phải dầm chân xuống nước.

Cũng không chỉ than phiền về chuyện kiến thức canh nông hạn hẹp, quanh năm chân lấm tay bùn vẫn cứ nghèo khó… Mà cụ còn nhận ra, dù nghề nghiệp ở nước ta không nghề gì khó nhọc bằng nghề nông, dù cảnh “làm ruộng của ta thì chẳng còn nước nào khổ hơn nhưng “cũng lắm lúc vui thú, mà vui thú thật”.

Vui ở những lúc cấy gặt, xúm năm tụm ba, pha trò, tiếng cười hể hả. Vui ở những nơi đồng vắng, thỉnh thoảng nghe mấy câu hát ví lanh lảnh của các cô cấy mạ, gió đưa như rót vào tai khiến cho lòng người bát ngát.

Vui ở những khi mùa màng lúa chín, đi bên bờ ruộng gió đưa mùi thơm đến mũi. Vui với chiều hôm gió mát, mục đồng ngồi trên lưng trâu thả diều, ung dung đắc ý… “Cho nên lại có câu “điền gia lạc thú”, thì tưởng không có gì vui bằng nghề làm ruộng”, cụ Phan Kế Bính đúc kết.

Tưởng không có gì vui bằng nghề làm ruộng, khổ đó mà vui đó, cực đó mà sướng đó. Và theo thời gian, nghề tưởng bình dị đã theo vào lễ hội, hoặc được gọi tên cho những sản phẩm du lịch văn hóa.

“Lễ hội mục đồng” Hòa Châu sau nhiều thập niên gián đoạn cũng đã kịp khôi phục từ năm 2007 ở Phong Lệ. “Lễ hội xuống đồng” Cẩm Châu nay chính thức thành hình, quả là thú vui dành cho những ai có niềm tin rằng: nghề cần khổ xứng đáng được tôn vinh, và đời thường vẫn có thể mở hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thú vui của nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO