Nông nghiệp - Nông thôn

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở Quảng Nam:Đơn vị khối tỉnh giải ngân ì ạch

NHÃ PHƯƠNG 07/06/2024 08:30

Tiến độ giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia của các đơn vị thuộc khối tỉnh rất chậm chạp. Tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các sở ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.

1.jpg
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt rất thấp. Ảnh: PV

Phân bổ và giải ngân vốn chậm

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tài - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ thuộc Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Quảng Nam cho hay, năm 2024 chương trình NTM không phân bổ vốn đầu tư mà chỉ phân bổ vốn sự nghiệp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh (gọi tắt là sở, ngành).

Đến gần cuối tháng 5, tổng kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đã phân bổ cho các sở, ngành là hơn 14,8 tỷ đồng trong tổng số hơn 16,5 tỷ đồng (đạt 89,37%); còn lại gần 1,8 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ.

Đáng chú ý, trong số hơn 14,8 tỷ đồng vốn thực hiện chương trình NTM năm 2024 đã phân bổ cho các sở, ngành thì thời gian qua tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp.

Đơn cử như, năm nay Sở NN&PTNT được phân bổ hơn 4,3 tỷ đồng; trong đó, có gần 3,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương để hỗ trợ hoạt động của HTX nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP...; còn 480 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh thì thực hiện việc hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi trồng tiên tiến.

Thế nhưng, tính đến ngày 22/5, Sở NN&PTNT chưa giải ngân được đồng nào trong số gần 3,9 tỷ đồng được phân bổ từ nguồn vốn trung ương. Trong khi đó, đối với 480 triệu đồng được phân bổ từ nguồn vốn ngân sách tỉnh thì cũng mới chỉ giải ngân được 26,7 triệu đồng, đạt tỷ lệ 6%.

Ngoài Sở NN&PTNT, tính đến ngày 22/5 tất cả 17 sở, ngành khác được giao 10,5 tỷ đồng vốn thực hiện chương trình NTM năm 2024 đều chưa giải ngân.

Riêng nguồn vốn gần 5,6 tỷ đồng năm 2023 chuyển sang năm 2024 được phân bổ cho 8 sở, ngành để thực hiện chương trình NTM, đến gần cuối tháng 5 mới chỉ có Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giải ngân được 680 triệu đồng.

3.jpg
Thời gian qua, việc hỗ trợ phát triển sản xuất ở các địa phương miền núi của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PV

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, tính đến ngày 21/5, tổng nguồn vốn kế hoạch ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh phân bổ cho các sở, ngành thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2024 là hơn 149 tỷ đồng; số vốn còn lại chưa phân bổ xấp xỉ 21 tỷ đồng. Trong số hơn 149 tỷ đồng đã phân bổ, các sở, ngành mới giải ngân được gần 45,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,5%.

Còn ông Võ Văn Tiến - Trưởng phòng Chính sách & tuyên truyền của Ban Dân tộc tỉnh cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 là hơn 84,6 tỷ đồng.

Trong đó, vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang năm 2024 hơn 42,1 tỷ đồng và vốn kế hoạch năm 2024 hơn 42,5 tỷ đồng. Thế nhưng, tính đến gần cuối tháng 5/2024, các sở, ngành mới chỉ giải ngân được hơn 4,2 tỷ đồng trong tổng số hơn 84,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5%...

Nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Anh Tài cho rằng, Luật Đấu thầu năm 2023 mới ban hành, quy định dự án có giá trị hơn 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu; trong khi đó văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ở Trung ương khá chậm nên tỷ lệ giải ngân thấp. Đáng chú ý, vốn năm 2024 mới được UBND tỉnh giao trong tháng 3 - 4 nên hiện nay các sở, ngành đang ở bước chuẩn bị thủ tục, lập hồ sơ đấu thầu theo quy định.

2.jpg
Việc triển khai dự án cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em ở khu vực miền núi còn nhiều hạn chế. Ảnh: PV

Bà Trương Thị Lộc cho biết, nguồn vốn dự án 2 của chương trình giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh phân bổ cho các sở, ngành để hỗ trợ các dự án, mô hình giảm nghèo đối với những xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa.

Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này tương đối thấp. Hiện nay, theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, các sở, ngành đề xuất điều chuyển, nộp trả nguồn vốn của chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2024 là hơn 3,8 tỷ đồng, trong đó dự án 2 hơn 2,2 tỷ đồng.

Theo bà Lộc, tỷ lệ quay vòng một phần vốn theo Quyết định số 01 ngày 28/2/2023 của UBND tỉnh là quá cao (trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh quy định không thu hồi). Từ đó, dẫn đến khó triển khai thực hiện, nhất là đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các xã, thôn không thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho các đối tượng là hoạt động chính của Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng gặp khó do ít nhà cung cấp, chưa xác định được nhu cầu do chưa tổ chức khảo sát đối tượng hưởng lợi…

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí từ vốn sự nghiệp để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn năm 2024 quá nhiều. Đây là những vấn đề vượt quá nhu cầu, khả năng thực hiện, giải ngân của các sở, ngành...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở Quảng Nam: Đơn vị khối tỉnh giải ngân ì ạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO