Giảm nghèo - An sinh

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở Tây Giang:Vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó

ALĂNG NGƯỚC 31/05/2024 09:00

Tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Tây Giang đến nay chỉ đạt gần 21%. Điều đó cho thấy, quá trình triển khai chính sách ở địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ.

f26d7b3ec4fe64a03def.jpg
Tây Giang nỗ lực vượt qua khó khăn để triển khai các hạng mục đầu tư phát triển miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều khó khăn

Báo cáo của UBND huyện Tây Giang cho thấy, mặc dù đã rất nỗ lực trong việc phân bổ nguồn vốn, xác định danh mục đầu tư nhằm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đến nay, việc triển khai chính sách vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, năm 2024 tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc các chương trình (bao gồm kế hoạch vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang) hơn 195,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/5, địa phương đã phân bổ hơn 106 tỷ đồng, nhưng giải ngân chỉ được gần 31 tỷ đồng, đạt gần 16% kế hoạch vốn giao.

Riêng nguồn sự nghiệp, tổng vốn được giao thực hiện các chương trình gần 119 tỷ đồng (trong đó hơn 51,5 tỷ đồng từ nguồn vốn kéo dài năm 2022 và 2023 chuyển sang) và chỉ mới giải ngân được gần 5%.

a0077f0ed8ce789021df.jpg
Tập trung tháo gỡ từng phần việc để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn thời gian tới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, vốn kế hoạch năm 2024 chưa phân bổ tại địa phương còn khá lớn, với hơn 89,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài vướng phải đất rừng hoặc quy hoạch rừng phòng hộ, nhiều dự án đang trong quá trình thẩm định, chưa phê duyệt nên chưa có cơ sở phân bổ vốn. Một số dự án khác mới được bổ sung nên cần thời gian khảo sát, lập hồ sơ, dẫn đến tiến độ chậm.

Về tỷ lệ giải ngân thấp, theo ông Phương, nguyên nhân chính là do không thể triển khai đấu thầu; một số chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện hồ sơ thanh toán khối lượng, thu hồi tạm ứng, dẫn đến số liệu giải ngân thực tế qua Kho bạc Nhà nước đạt thấp.

“Đối với kế hoạch vốn sự nghiệp, hiện nay chưa thực hiện phân bổ do qua khảo sát, đánh giá một số mô hình hỗ trợ sản xuất đã triển khai cho thấy chưa phát huy hiệu quả đầu tư nên cần khảo sát, đánh giá cụ thể mô hình thực hiện trước khi phân bổ nguồn vốn.

Trong khi đó, công tác lập thủ tục, đề xuất nhiệm vụ làm cơ sở phân bổ vốn của các xã còn rất chậm, chưa sát với mục tiêu từng nguồn vốn nên cần nhiều thời gian thẩm định, đánh giá, điều chỉnh nhiều lần” - ông Phương nói.

Không để mất nguồn vốn

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, những năm gần đây, nguồn vốn được phân bổ từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho địa phương khá lớn, quá trình triển khai cũng rất cụ thể nhưng việc chuyển hóa còn chưa mang lại hiệu quả, nhất là giải ngân vốn.

Trong rất nhiều nguyên nhân, ông Bhling Mia nói, nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu kiểm tra, giám sát, cũng như đôn đốc quá trình triển khai một cách sâu sát, đồng bộ.

d13c6076dbb67be822a7.jpg
Nguồn lực các chương trình mục tiêu này được kỳ vọng sẽ giúp làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội Tây Giang thời gian tới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vì thế, ông Bhling Mia đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án, từ đảm bảo việc khảo sát, thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật cho đến phê duyệt hồ sơ đấu thầu.

Đồng thời xin chủ trương điều chỉnh nguồn vốn đối với các dự án vướng đất rừng, cấp mã số dự án, rà soát nguồn vốn không thể triển khai để có hướng điều chuyển, xử lý.

“Tỉnh cũng cần có cơ chế phân cấp nguồn vốn các chương trình mục tiêu đối với cấp xã, sớm thống nhất chủ trương điều chuyển các nguồn vốn không thể triển khai tại miền núi để kịp thời đầu tư cho dự án khác phù hợp”- ông Bhling Mia đề xuất.

Để tháo gỡ với những khó khăn của Tây Giang, tại buổi làm việc mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị, cùng với rà soát nguồn vốn và danh mục đầu tư, địa phương cần phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt trong cách làm nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả các chương trình.

Bởi đây là nguồn lực để Tây Giang có cơ hội tiếp tục đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào địa phương.

Ông Trần Anh Tuấn kêu gọi cán bộ, đảng viên ở Tây Giang phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức, trí tuệ cho nhiệm vụ chính trị này.

“Quan điểm là cái nào thuận lợi làm trước, khó làm sau, cố gắng chi tiết, cụ thể và sát việc. Đồng thời thường xuyên rà soát, nhắc nhở, đôn đốc, phân giao đầu mối và kiểm tra từng phần việc cụ thể, tắc chỗ nào xử lý chỗ đó.

Trên cơ sở tập trung phân bổ nguồn, thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ, rà soát từng danh mục, trong đó ưu tiên giải ngân các nguồn vốn năm 2022 và 2023 kéo dài. Tuyệt đối không để mất vốn” - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở Tây Giang: Vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO