Ngày 30/11, Đoàn giám sát của Trung ương do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn có chuyến kiểm tra, làm việc với tỉnh Quảng Nam về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đánh giá, thời gian qua Quảng Nam đã bám cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án.
Tác động tích cực đến đời sống nhân dân
Theo Sở KH&ĐT, qua một năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Quảng Nam đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhận định: “Thời gian đầu triển khai các chương trình còn rất nhiều vướng mắc, các ngành của tỉnh phải thường xuyên làm việc, bám sát cơ sở để hướng dẫn, báo cáo Trung ương những vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Nhiều văn bản hướng dẫn đã tới cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và huy động nguồn lực thực hiện các chương trình. Mỗi văn phòng của mỗi chương trình MTQG ở tỉnh liên tục bám sát, đôn đốc thực hiện, nhất là các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, cần nguồn lực đầu tư lớn”.
Cơ hội đổi thay đời sống người dân
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh ghi nhận Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các chương trình MTQG, dù kết quả giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Quảng Nam tập trung làm rõ kết quả, tiến độ từng chương trình, dự án, tiểu dự án để đôn đốc thực hiện, tập trung giải ngân hết nguồn vốn năm 2023, không để dồn qua năm 2024 lại xảy ra tình trạng nguồn vốn lớn khó giải ngân. Với dự án, tiểu dự án dễ thực hiện, địa phương làm nhanh ngay từ đầu năm, để dành thời gian, nhân lực thực hiện các chương trình khó hơn.
Cả 3 chương trình MTGQ là cơ hội đổi thay đời sống người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, nên Quảng Nam cần tận dụng tối đa nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chương trình, mang lại sự phát triển tích cực trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, từ nguồn lực đầu tư của các chương trình đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã được tăng cường đầu tư, với khoảng 1.684 công trình. Từ đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và khu vực miền núi, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.
Ngoài ra, nhiều nội dung, công việc và dự án, tiểu dự án đã tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất; sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; nâng cao mức sống văn hóa, tinh thần, vật chất cho người dân...
Qua đó, bước đầu giúp người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.
Tiếp tục bám cơ sở
Báo cáo với đoàn giám sát, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh nhìn nhận, việc thực hiện các chương trình vẫn còn chậm so yêu cầu, kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết vẫn còn nhiều dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu.
Tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của các chương trình MTQG năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) hơn 3.279 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài mới chỉ giải ngân được 57% kế hoạch vốn; nguồn vốn năm 2023 mặc dù được UBND tỉnh phân bổ sớm ngay từ đầu năm nhưng đến nay phân bổ chi tiết được gần 95% và mới giải ngân 26% kế hoạch vốn.
Các địa phương tập trung phân bổ và giải ngân các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh đã phân bổ, không bố trí thêm vốn đối ứng ngân sách địa phương, vì sẽ không giải ngân hết và gây áp lực thêm.
Khi công việc dồn ứ về cấp huyện, cán bộ thuộc phòng kinh tế hạ tầng ít, cùng thời gian thẩm định cho quá nhiều công trình, dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định, kéo theo việc chậm thực hiện các công trình được đầu tư.
Đối với văn bản của Trung ương, tỉnh đã kiến nghị vướng mắc tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 55/BTC của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể.
Như chưa có hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục đăng ký mã dự án cho “cơ chế đặc thù”, dẫn đến việc phân bổ kế hoạch vốn, việc đăng ký tài khoản, hạch toán, quyết toán không có căn cứ để thực hiện.
Chưa hướng dẫn tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở xác định đúng đối tượng thực hiện các chính sách hỗ trợ người học nghề. Chưa hướng dẫn rõ nội dung đấu thầu để mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (liên kết theo chuỗi giá trị, cộng đồng) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đối với trường hợp chủ trì liên kết là các HTX, liên hiệp HTX và đại diện cộng đồng dân cư.