Giảm nghèo - An sinh

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại miền núi Quảng Nam: Khó khăn chồng chất

ALĂNG NGƯỚC (alangnguoc@gmail.com) 14/05/2025 10:07

Không còn nhiều thời gian để miền núi trong tỉnh tổng lực hoàn thành các dự án đầu tư theo nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ. Đứng trước nhiều khó khăn, giải pháp trước mắt được đặt ra, ngoài cam kết tiến độ thực hiện, các địa phương nỗ lực giải ngân nguồn vốn; đồng thời khẩn trương quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo theo kế hoạch…

d9ce04aa91e624b87df7.jpg
Đặc thù khó khăn của miền núi khiến việc triển khai thực hiện nguồn lực các chương trình MTQG gặp nhiều trở lực. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

RÀO CẢN TỪ CƠ SỞ

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn lực đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt trong việc định hướng phân bổ vốn, đặc biệt là công tác giải ngân hỗ trợ chính sách kịp thời. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại miền núi gặp phải nhiều trở ngại, vướng mắc khiến tiến độ giải ngân khá chậm chạp.

Giải ngân vốn thấp

Khó khăn thực tiễn phát sinh từ cơ sở, cộng với tinh thần làm việc thiếu tập trung của một số cán bộ quản lý các phòng, ban trên địa bàn huyện khiến tỷ lệ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của Đông Giang năm 2025 khá thấp. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai hoàn thành các dự án đầu tư, nhất là ở thời điểm “nước rút” thực hiện lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện kết thúc hoạt động tới đây.

ba8eb429ff664a381377.jpg
Dự án đường giao thông nông thôn vừa kịp hoàn thành tại thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Báo của UBND huyện Đông Giang cho thấy, tính đến ngày 6/5/2025, tổng nguồn vốn các chương trình MTQG đã phân bổ cho địa phương gần 246,5/256,6 tỷ đồng, đạt 96,04%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 139,6 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 106,8 tỷ đồng. Năm 2025, tổng kế hoạch vốn (bao gồm các năm trước kéo dài sang) trên địa bàn huyện hơn 273 tỷ đồng; bao gồm vốn đầu tư hơn 157,2 tỷ đồng và vốn sự nghiệp gần 115,8 tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2025, địa phương chỉ giải ngân được hơn 27,7 tỷ đồng, tỷ lệ 10%.

Ông Đỗ Hữu Tùng - quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, từ những khó khăn, vướng mắc đặc thù của địa phương thời gian qua khiến quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến nhiều công trình dự án chậm tiến độ theo kế hoạch, nhất là ở nội dung, danh mục đầu tư công trình đang tạm dừng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, buộc địa phương phải rà soát điều chỉnh cho phù hợp, gây mất nhiều thời gian.

Theo ông Tùng, qua rà soát, hiện nay nhiều danh mục công trình khởi công mới năm 2024 và năm 2025, bao gồm nghĩa trang nhân dân các xã, khu tái định cư Tu Ngung - A Bung (xã A Rooih), khu xử lý rác thải Jơ Ngây, khu thể thao các xã phải được quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết xã, thị trấn chưa thực hiện quy hoạch chi tiết theo từng danh mục công trình. Trong khi đó, quy trình lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết mất nhiều thời gian; quá trình xử lý dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư…

a76d84c0cf8f7ad1239e.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra các công trình xây dựng nhà ở trên bàn huyện Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Một số nguồn vốn được điều chỉnh theo Nghị quyết số 111 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG vào thời điểm quý IV/2024 nên việc phân bổ để triển khai thực hiện còn chậm. Vì thế, nguồn vốn chuyển sang năm 2025 là rất lớn, tạo áp lực cho công tác giải ngân đảm bảo tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh” - ông Tùng cho biết thêm.

Nhiều vướng mắc phát sinh

Không chỉ Đông Giang, nhiều địa phương miền núi cao như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My… cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư từ các Chương trình MTQG. Thậm chí, có những địa phương mặc dù rất nỗ lực và linh hoạt triển khai thực hiện các giải pháp nhưng tỷ lệ giải ngân đến nay đạt rất thấp, nhiều danh mục dự án chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục nên chưa đảm bảo phân bổ nguồn vốn theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Châu Văn Ngọ cho hay, mặc dù địa phương đã phân bổ triển khai hơn 235,8/255,1 tỷ đồng vốn các Chương trình MTQG nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 13,26%. Rất nhiều vấn đề phát sinh mới gây vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các chương trình. Cụ thể, đối với các xã được công nhận xã nông thôn mới năm 2024 gồm Tà Bhing và La Dêê, hiện nay các chế độ chính sách cho học sinh bán trú và cán bộ giáo viên công tác trên địa bàn 2 xã này bị cắt; trong khi điều kiện đi lại của học sinh từ nhà đến trường còn xa, không thuận lợi... Do vậy, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

667ca15435188046d909.jpg
Nhiều địa phương miền núi đang gặp khó về giá cả nguyên liệu, khiến tỷ lệ giải ngân vốn chậm theo kế hoạch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chưa kể, tuyến quốc lộ 14D từ Bến Giằng (xã Cà Dy) đi các xã vùng cao, biên giới hiện bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng khiến chi phí vận chuyển và giá vật liệu thực tế đến chân công trình khi đi qua tuyến cũng tăng lên, việc vận chuyển mất nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn huyện. Ngoài ra, quá trình lập dự toán xây dựng công trình, địa phương không thể áp dụng cấp đường đặc biệt xấu cho tuyến này” - ông Ngọ thông tin.

Những vướng mắc phát sinh từ cơ sở được xem như thực trạng chung của miền núi trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG thời gian qua. Đáng chú ý, có trường hợp nhà thầu bỏ giá dự thầu thấp, năng lực thi công còn yếu khiến một số dự án hiện nay chậm tiến độ. Hầu hết dự án này phải xin gia hạn, không có khối lượng để giải ngân; một vài nhà thầu trúng thầu nhưng không triển khai thực hiện phải chuyển cho đơn vị thi công khác…

Người dân huyện Nam Trà My được hỗ trợ kịp thời mua sắm vật liệu xây dựng nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

TÌM GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Các địa phương miền núi đang linh hoạt giải pháp mang tính đột phá trong việc giải ngân vốn, đảm bảo hoàn thành dứt điểm trước khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện.

Tập trung phân bổ vốn

Quyết tâm giải quyết những tồn đọng liên quan đến nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), một số địa phương miền núi đưa ra giải pháp cụ thể, sát thực tế.

Theo ông Mạc Như Phương - Quyền Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, năm 2025 tổng kế hoạch vốn các Chương trình MTQG của địa phương (kể cả nguồn được phép kéo dài sang) gần 239,8 tỷ đồng; trong đó đã phân bổ gần 218,6 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2025, Tây Giang giải ngân được gần 56,2 tỷ đồng, gần 24% tổng kế hoạch vốn.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 24,38%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 24,65% và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 12,13% kế hoạch vốn.

“Chúng tôi đã xây dựng lộ trình, kế hoạch phân bổ vốn cụ thể cho từng công trình, dự án triển khai. Đồng thời trình HĐND huyện để thống nhất nội dung triển khai, trong đó cơ bản tập trung bố trí cho các dự án đã chuyển tiếp, hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng các công trình mới… Hầu hết dự án này đều được phân cấp giao cho các xã làm chủ đầu tư. Quan điểm của huyện là thực hiện đến đâu, phân bổ và giải ngân nguồn vốn đến đó nhằm giải quyết dứt điểm những nội dung tồn đọng, hạn chế tình trạng kéo dài như trước đây” - ông Phương chia sẻ.

Một số huyện miền núi đang linh hoạt phân bổ nguồn vốn giúp người dân thực hiện công trình dân sinh đảm bảo, nhất là chương trình MTQG phát triển miền núi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn các Chương trình MTQG, các địa phương miền núi đang nỗ lực đặt mục tiêu và quyết tâm cao nhất trong việc đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn, phân bổ vốn theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình MTQG; chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên theo dõi chặt chẽ tiến độ theo cam kết của nhà thầu; đôn đốc nhà thầu tập trung trang thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công…

Linh hoạt triển khai

Ông Hà Ra Diêu - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho rằng, những nỗ lực của các địa phương miền núi chưa đủ lớn để dứt điểm hoàn thành nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Với nguồn lực phân bổ lớn, đa dạng hạng mục thành phần dự án và tiểu dự án, để đạt được mục tiêu cần có thêm sự linh hoạt, sáng tạo hơn trong cách triển khai thực hiện, cũng như tinh thần làm việc ở cường độ cao của chính quyền cấp huyện, xã.

Theo ông Diêu, năm 2025 Trung ương bổ sung nguồn vốn sự nghiệp cho Quảng Nam 180,6 tỷ đồng. Trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, các huyện đăng ký cụ thể từng hạng mục để tỉnh phân bổ bổ sung, đảm bảo thực hiện nguồn vốn đúng quy định.

“Hiện nay, các nguồn vốn đã được phân bổ về huyện rất lớn. Trên cơ sở phân nguồn và giải ngân, các địa phương tiếp tục có biện pháp xử lý, đôn đốc, theo dõi và tiến hành bàn giao sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để các xã mới tiếp tục triển khai thực hiện, không để tình trạng nguồn vốn bị gián đoạn. Riêng các nguồn vốn sự nghiệp chưa thể thực hiện hoặc gặp khó khăn trong quá trình triển khai, nhanh chóng tổng hợp, báo cáo về tỉnh để tỉnh kịp thời chỉ đạo và có hướng xử lý trong thời gian tới” - ông Diêu nói.

Nguồn vốn các Chương trình MTQG hỗ trợ người dân có thêm điều kiện xây dựng nhà ở, cùng góp sức cho mục tiêu xóa nhà tạm. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh cho biết, nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và chương trình giảm nghèo bền vững chưa được phân bổ tại các huyện miền núi còn khá lớn. Để chỉ tiêu phân bổ các nguồn vốn này sớm được triển khai, các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể, phân công theo dõi từng lĩnh vực… đảm bảo các điều kiện phân bổ theo Luật Ngân sách.

Tùy theo thẩm quyền, trên cơ sở báo cáo của các địa phương về điều chuyển vốn, tỉnh sẽ xem xét và có hướng điều chỉnh phù hợp. Quá trình triển khai, nếu vướng ở chương trình nào thì kịp thời báo cáo, phối hợp với đơn vị liên quan để rà soát, tháo gỡ, tránh để tình trạng nguồn vốn bị tồn đọng kéo dài.

“Thời gian còn lại không nhiều, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, theo dõi từng công trình, dự án và tổ chức triển khai thực hiện giải ngân vốn, để đến khi sáp nhập bàn giao đơn vị hành chính mới, các địa phương có đầy đủ số liệu thực hiện chương trình” - bà Thảo nói.

Thời gian qua, từ việc linh hoạt triển khai các chương trình MTQG giúp địa phương miền núi có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

Để đạt mục tiêu hoàn thành tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh xác định đây nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết “cần làm ngay”, các địa phương miền núi xốc lại tinh thần làm việc “bàn làm, không bàn lùi”, tránh để xảy ra tình trạng thừa vốn nhưng thiếu… công trình!

Phát huy tinh thần trách nhiệm

Với đặc thù của miền núi, lâu nay, không ít chương trình, dự án được triển khai luôn gặp phải trở ngại, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Đây là điều có thể dự lường trước. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng sự đồng hành của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương, trong quá trình triển khai nhiều chương trình, dự án dần được tháo gỡ khó khăn, đem lại hiệu quả tích cực; trong đó, có các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG)…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh cho rằng, qua theo dõi, vẫn còn một số cán bộ thuộc các phòng, ban của miền núi có dấu hiệu lơ là, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Các cá nhân, tập thể này cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm.

“Các địa phương phải xác định việc thực hiện 3 Chương trình MTQG là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, các giải pháp cần được triển khai cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác điều hành, không để tình trạng chậm tiến độ kéo dài” - ông Trần Anh Tuấn nói.

Lãnh đạo xã Sông Kôn (Đông Giang) kiểm tra mô hình nuôi hươu trong cộng đồng dân cư. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát tiến độ thực hiện các nội dung công việc của từng chương trình, nhất là đối với nguồn vốn ngân sách đầu tư, vốn trung ương, vốn kéo dài để có kế hoạch, giải pháp chỉ đạo sát, phù hợp đối với từng nhóm công việc. Nhanh chóng lập thủ tục thanh quyết toán hoàn thành, giải ngân nguồn vốn đảm bảo theo quy định và tiến độ.

“Thời gian tới, các huyện miền núi tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương được phân bổ nguồn vốn, nhất là người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn được giao đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra. Đây được xem là cơ sở để xem xét việc kiểm điểm, đánh giá và lựa chọn sắp xếp bố trí cán bộ trong thời gian sắp tới” - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục

Báo cáo kết quả phân bổ và giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG tại miền núi thời gian qua cho thấy, tiến độ triển khai thực hiện chương trình, nhất là công tác phân bổ, giải ngân vốn còn rất thấp, không đảm bảo theo kế hoạch chung của tỉnh. Tại cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với các huyện miền núi mới đây, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh góp ý tập trung nguồn nhân lực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để hoàn thành việc phân giao nguồn vốn trước khi có chủ trương kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện.

Công trình xóa nhà tạm của người dân Nam Trà My hưởng lợi từ các Chương trình MTQG. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, trong điều kiện khó khăn của miền núi, nguồn lực các Chương trình MTQG được xem là “liều thuốc quý” để phát triển kinh tế - xã hội, giúp hỗ trợ người dân về sinh kế, nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Do vậy, việc hoàn thành tiến độ các dự án chính là cơ hội để người dân tiếp cận nguồn lực; đó cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ địa phương, nhất là trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị cuộc cách mạng lịch sử: sáp nhập đơn vị hành chính.

“Không thể bàn thêm gì nữa, các cấp chính quyền, từ cán bộ quản lý đến nhân viên phải thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư và đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn. Tinh thần chung là “không có ngày nghỉ” để thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai; đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn được phân bổ theo đúng cam kết. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để mở mã số dự án làm cơ sở cho việc hoàn thành công tác phân bổ nguồn vốn đầu tư còn lại chưa phân bổ; rà soát quyết toán các dự án đầu tư đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng; tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau năm 2025…

Ông Trần Anh Tuấn cho biết, tinh thần và quan điểm chung của tỉnh là biểu dương đối với tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực trong công tác phân bổ, giải ngân vốn các chương trình MTQG. Đồng thời phê bình, kiểm điểm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa nghiêm túc trong công tác phối hợp và thực hiện nhiệm vụ ảnh hưởng đến công tác điều hành, giám sát chung của tỉnh. Phấn đấu đến cuối tháng 6/2025 phải hoàn thành các dự án, tiến độ triển khai theo kế hoạch.

Nội dung: ALĂNG NGƯỚC (alangnguoc@gmail.com)

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại miền núi Quảng Nam: Khó khăn chồng chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO