Chương trình OCOP thực hiện thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP, trong đó ưu tiên những sản phẩm chủ động nguồn nguyên liệu và sản xuất theo phương thức hàng hóa.
Thành quả lớn
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My cho biết, là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2018 đến nay huyện vẫn tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.
Giai đoạn 2018 - 2021, từ nguồn vốn do tỉnh phân bổ và ngân sách huyện, Bắc Trà My đã hỗ trợ 3,2 tỷ đồng cho các HTX, hộ cá thể phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, chủ yếu đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; lắp đặt các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; thiết lập mẫu mã - bao bì sản phẩm; đăng ký thương hiệu - nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc; kiểm định chất lượng sản phẩm...
Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có 11 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 1 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, Bắc Trà My tiếp tục chi 800 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP và kết quả là có thêm 3 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giai đoạn 2018 - 2021 toàn tỉnh có 268 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận 5 sao.
Năm 2022 Quảng Nam có thêm 111 sản phẩm thuộc nhiều nhóm ngành hàng tham gia Chương trình OCOP. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng năm qua UBND tỉnh vẫn phân bổ 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để các địa phương phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Tấn cho biết, trong số 111 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022, qua 2 đợt bình xét, Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh đối với 73 sản phẩm của 69 chủ thể; trong đó có 16 sản phẩm 4 sao và 57 sản phẩm 3 sao.
Như vậy, qua 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, Quảng Nam có 333 sản phẩm (không tính 8 sản phẩm nâng hạng sao và công nhận lại) của 260 chủ thể được UBND tỉnh xếp hạng sao OCOP, gồm: 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).
Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao giai đoạn 2018 - 2022 là Tiên Phước (36 sản phẩm), Tam Kỳ (28 sản phẩm), Thăng Bình (26 sản phẩm), Điện Bàn (25 sản phẩm), Núi Thành (21 sản phẩm)...
Phát triển theo hướng hàng hóa
Theo ông Nguyễn Hồng Vương, năm 2023 này, huyện Bắc Trà My sẽ tiếp tục chi gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ các chủ thể phát triển mới 5 sản phẩm OCOP. “Với lợi thế nguồn nguyên liệu quế khá dồi dào, thời gian tới địa phương sẽ khuyến khích và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể đầu tư phát triển mạnh sản phẩm OCOP từ tinh dầu quế như trà túi lọc, dầu gió... theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị. Từ đó, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn và ổn định đầu ra sản phẩm” - ông Vương nói.
Năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 110 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Để việc thực hiện mang lại thành công lớn, ông Ngô Tấn đề nghị các địa phương quan tâm rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn; tư vấn, hướng dẫn đăng ký, đánh giá, xét chọn ý tưởng sản phẩm tham gia, thống nhất và phê duyệt phương án sản xuất - kinh doanh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
“Vấn đề cần chú ý là việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thực chất và tuân thủ đúng quy định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí sản phẩm OCOP cho giai đoạn 2021 - 2025” - ông Tấn nói.
Về phát triển sản phẩm OCOP, ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, cần ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, trong đó chú trọng các sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...
Đặc biệt, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.
Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định, đẹp, phù hợp; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng...