Theo bước chân người Quảng

Thương cây cầu gầy…

TIỂU VŨ 25/02/2024 06:30

Phố huyện quê tôi nhỏ như một bàn tay, đi bộ thôi, chưa kịp mệt đã giáp một vòng rồi. Bao bọc huyện lỵ là một đoạn ngắn của sông mẹ Vu Gia. Nhánh sông này còn có tên là sông Yên.....

cay-cau.jpg
Cây cầu Ái Nghĩa cũ. Ảnh: Sưu tầm

Không biết ai ngày xưa đã đặt tên cho dòng sông - một dòng sông yên ả, tĩnh lặng đến nao lòng. Dù có đôi chút dùng dằng quanh co từ phía thượng lưu, nhưng bắt đầu từ Ái Nghĩa, dòng chảy êm xuôi đưa nước về biển Đông qua cửa Hàn.

Bắc qua sông Yên có cây cầu sắt mang tên là cầu Ái Nghĩa. Mỗi khi vào mùa mưa lũ, Ái Nghĩa luôn có tên trong bản tin thời tiết của VTV: “Trên sông Vu Gia, tại Ái Nghĩa mực nước trên báo động ba 2m...”. Bản tin nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm tôi bồn chồn thương quê nhớ kiểng.

Cũng dòng sông này tôi và bạn bè cùng trang lứa biết bao lần đi chung con đò ông Tuyển sang bên tê bờ... Rồi chúng tôi lớn lên đi tứ tán kiếm ăn kiếm sống. Để mỗi mùa xuân, lại trở về gọi nhau ra bờ kè sông Yên ngồi chén tạc chén thù.

Cách làng tôi ở không xa là nơi sinh của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Có thể quê hương bản quán đã đi vào tâm hồn để ông viết ra những lời nhạc gần như “trúng tim đen” của những người Quảng xa quê như tôi: “Tìm về xa xôi em sẽ thương những vùng đất lở sông bồi/Bạn bè em giờ đây người sương người gió/Chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ/Có đứa từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về...”.

Mà đúng thật, vì là vùng đất lở sông bồi nên đa số bạn bè tôi đã tha hương xứ khác... Tết năm nay do suy thoái kinh tế nên nhiều đứa không về thăm quê.

Phố huyện đẹp chứa đầy trong ngăn ký ức tôi. Nhà tôi bên ni bờ sông, phía bên tê là ngôi chợ huyện. Chợ cũng có tên Ái Nghĩa. Tuổi thơ của tôi ngày nào cũng đi qua cây cầu đó. Tôi lon ton chạy theo mẹ ra chợ mua cây mía, bó rau, bịch chè. Tuổi thơ của tôi trưa nào cũng ra gần đầu cầu đón bà nội đi chợ về để chờ cái bánh cây kẹo.

Tuổi thơ của tôi cũng là những trận đánh nhau mà chiếc cầu là giới tuyến... Mấy đứa ngoài Ái Nghĩa mà qua lãnh địa của tôi bắt dế đá ở Gò Lớn là... không yên. Nhưng rồi khi bọn tôi đi coi đá banh bên khu ba Hòa Đông là mệt với bọn hắn.

Làng tôi ở có tên làng Ái Nghĩa, đây là tên có từ mấy trăm năm nay do bậc tiền nhân đến đây khai khẩn lập nghiệp đặt ra theo địa hình địa thế ở đây. Đại Lộc được diễn nghĩa là “chân núi lớn” chứ không phải là “lộc to, lộc lớn” như người ta lầm tưởng.

Làng Ái Nghĩa nằm dưới chân núi lớn đó. Ái Nghĩa cũng có nghĩa là yêu cái tình cái nghĩa, đúng với bản chất trọng tình nghĩa của người xứ Quảng. Trong các bài văn khấn đất đai tên Ái Nghĩa vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay.

Vài năm gần đây, khi thực hiện sáp nhập, tên làng của tôi cũng bị đổi thay. Nghĩa Nam, Nghĩa Trung, Nghĩa Bắc chừ đã thành cái tên lạ hoắc lạ huơ không nhận ra.

Và cây cầu sắt trong ám tượng tuổi thơ tôi cũng được thay bằng chiếc cầu bê tông vững chắc hơn. Cây gòn bà Khâm bên ni cầu cũng đã bị đốn hạ từ lâu. Quán bún mắm bà Bốn Nhược nay cũng không còn...

Lòng cứ bùi ngùi thương một cây cầu gầy đã mất, thương tán gòn bên ni sông đã thành củi thành tro, thương những điều đã cũ.
Mỗi khi đi đâu đó qua dòng sông viễn xứ, thấy điều gì gợi niềm cố xứ thôi cũng làm tôi chạnh lòng thương nhớ bến sông quê mình. Nhớ phố huyện già nua, nhớ cây cầu Ái Nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương cây cầu gầy…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO