Thương hiệu từ niềm tin

NGUYỄN VĂN SỰ 05/02/2022 08:45

(Xuân Nhâm Dần) - Nằm trong tốp đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP, Quảng Nam tiếp tục ưu tiên nguồn lực thúc đẩy phát triển sản phẩm thế mạnh theo hướng chế biến sâu và liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu từ niềm tin của khách hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng. Ảnh: VĂN SỰ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng. Ảnh: VĂN SỰ

Tốp đầu cả nước

Từ đầu tháng 11 âm lịch, không khí lao động tại Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng (Bình Đào, Thăng Bình) diễn ra hối hả để tung sản lượng lớn sản phẩm ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022.

Bà Nguyễn Thị Thành Vinh - đại diện công ty cho biết, năm 2021 tổng sản lượng yến thô công ty thu hoạch từ 4 nhà nuôi của đơn vị và thu mua theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ 20 nhà nuôi của người dân ở nhiều nơi là 300kg; công ty chế biến và cung ứng ra thị trường 240kg yến tinh chế sấy khô.

“Năm 2019, sản phẩm yến sào của chúng tôi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đây là động lực quan trọng để công ty tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... và sàn thương mại điện tử Tiki, công ty còn có 2 cửa hàng tại Mỹ, cùng 11 đại lý, gần 100 cộng tác viên cung ứng sản phẩm trên toàn quốc” - bà Vinh cho hay.

Quảng Nam hiện có 109 sản phẩm OCOP lên sàn              "https://quangnam.postmart.vn" và 104 sản phẩm lên sàn "https://voso.vn"

Giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh phân bổ cho ngành liên quan và chính quyền các địa phương hơn 281 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP, trong đó phần lớn là hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất - kinh doanh và xây dựng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình đạt chuẩn các hạng sao cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Phát triển nông thôn thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam thông tin, năm 2018 - 2020 toàn tỉnh có 206 sản phẩm của 171 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 179 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Năm 2021, do ngân sách trung ương không phân bổ nên UBND tỉnh chỉ bố trí 10 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP; toàn tỉnh có 99 sản phẩm của 90 chủ thể đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 82 sản phẩm mới và 17 sản phẩm nâng cấp.

Những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các chủ thể đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.
Những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các chủ thể đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.

PGS-TS. Trần Văn Ơn - Trưởng tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh nhìn nhận: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp và sự hưởng ứng tích cực từ chủ thể, Quảng Nam gặt hái thành công lớn trong thực hiện chương trình OCOP, thuộc tốp đầu cả nước về số sản phẩm được xếp hạng sao”.

Phát triển sản phẩm thế mạnh

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ củng cố và phát triển mới ít nhất 130 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Phấn đấu đến năm 2025 doanh số bán hàng OCOP của Quảng Nam đạt hơn 300 tỷ đồng (gấp 4 lần so với năm 2020) và lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng.

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, năm 2018 - 2020 địa phương huy động 8 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP; toàn huyện có 10 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao.

Năm 2021, huyện tiếp tục chi 1 tỷ đồng cho chương trình này và có 5 sản phẩm tham gia xếp hạng sao cấp tỉnh, trong đó 2 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Ở cấp tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 bình quân hằng năm Quảng Nam huy động khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và tỉnh để hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP.

Mỗi năm toàn tỉnh phấn đấu có 80 - 100 sản phẩm tham gia chương trình, trong đó có phân nửa là nâng cấp sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

 Hiện Quảng Nam có 1 trung tâm OCOP cấp huyện tại Tiên Phước và 20 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Trong năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn đã ký bản ghi nhớ với 2 sàn thương mại điện tử, trong đó đã có 109 sản phẩm lên sàn "https://quangnam.postmart.vn" và 104 sản phẩm lên sàn "https://voso.vn" để quảng bá, bán hàng.

Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ xây dựng thêm 45 điểm bán hàng OCOP, 10 trung tâm OCOP cấp huyện, 2 trung tâm OCOP cấp tỉnh, 1 trung tâm OCOP cấp vùng... để tạo điều kiện cho các chủ thể tiêu thụ sản phẩm.

Trong 4 năm qua, thị xã Điện Bàn tập trung quảng bá, giới thiệu những sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Trong 4 năm qua, thị xã Điện Bàn tập trung quảng bá, giới thiệu những sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Theo ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, những năm tới việc củng cố, nâng cấp và phát triển mới sản phẩm OCOP chú trọng vào chiều sâu, xây dựng thương hiệu từ niềm tin của khách hàng.

Để làm được điều này, ngành liên quan cùng chính quyền các cấp tích cực quan tâm hỗ trợ chủ thể đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến và chế biến sâu sản phẩm nhằm gia tăng giá trị.

Đồng thời phát triển các sản phẩm chủ lực cấp huyện và cấp tỉnh theo chuỗi, trong đó quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn hơn để chủ động phục vụ sản xuất hàng hóa; phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và những sản phẩm thế mạnh khác mang tính đặc trưng, truyền thống của các địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương hiệu từ niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO