Chờ gì từ thương hiệu nông sản?

LÊ QUÂN 13/08/2019 14:43

Nông sản có thương hiệu vẫn phải chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, để xây dựng vùng sản xuất tập trung tiến đến xây dựng thương hiệu nông sản, vẫn là điều còn bỏ ngỏ. Thị trường lại đang mở cửa tiếp nhận rất nhiều nguồn nông sản từ nhiều quốc gia khác nhau...

Đưa được nông sản địa phương vào các quầy hàng, siêu thị là một trong những đầu mối để xúc tiến thương mại cho nông sản. Ảnh: LÊ QUÂN
Đưa được nông sản địa phương vào các quầy hàng, siêu thị là một trong những đầu mối để xúc tiến thương mại cho nông sản. Ảnh: LÊ QUÂN
 Chúng tôi làm một cuộc khảo sát ở vài cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại TP.Tam Kỳ. Điều đáng ngạc nhiên, trong khi các loại cây trái của Việt Nam có giá khá hợp lý lại không được ưa chuộng bằng các sản phẩm cây trái ngoại nhập. Chưa kể, nếu ở ngay mùa dưa hấu, trong lúc dưa hấu Kỳ Lý đã gắn nhãn, thậm chí bắt đầu đưa lên sàn thương mại điện tử, thì người tiêu dùng tại chỗ vẫn không biết.

Nở rộ kinh doanh thực phẩm sạch

Sau một thời gian “tuyên chiến” với nạn thực phẩm bẩn, người tiêu dùng có xu hướng truy tìm các loại nông sản thương hiệu. Cam Vietgap, Bưởi da xanh, thịt lợn sạch, gà ri nuôi thả, rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap… đã không còn khó tìm đối với người tiêu dùng trên địa bàn Tam Kỳ. Những cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch bắt đầu nở rộ từ Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn. Tuy mức giá bán ra tại các cửa hàng này đều cao hơn so với giá thị trường, song người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Điều người tiêu dùng quan tâm hơn cả là chất lượng và độ sạch.

Các cửa hàng thực phẩm sạch gần như có đủ mọi mặt hàng phục vụ bà nội trợ. Từ hoa quả, rau xanh, gia vị cho đến các loại sữa, thức uống. Thế nhưng, đa số vẫn là hàng ngoại nhập, không có nhãn phụ gắn kèm. Chị Hoàng Uyên (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết, ngày trước nếu muốn mua táo Mỹ, nho móng tay của Úc thì phải nhờ người ở Đà Nẵng mang vào, họa hoằn lắm mới có ở siêu thị, thì nay ở Tam Kỳ hầu như cửa hàng kinh doanh thực phẩm nào cũng có. Thậm chí, còn có nhiều người bán hàng online các loại cây trái ngoại nhập này. “Bây giờ, ngay cả trái cherry của Mỹ vẫn dễ dàng mua được tại Tam Kỳ thì huống gì loại củ quả, cây trái của Đà Lạt” - chị Uyên nói.

Thế nhưng người tiêu dùng vẫn chỉ mua bằng cảm nhận và niềm tin với việc tìm đến các cửa hàng treo bảng kinh doanh thực phẩm sạch, bởi nguồn gốc xuất xứ từ đâu, chỉ doanh nghiệp mới nắm rõ. Hiện nay, tại những điểm bán lẻ, ngoài một số sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc, còn lại do nhập từ cơ sở sản xuất nhỏ hoặc từ nguồn hàng xách tay, nên không có bao bì, người tiêu dùng không thể tự kiểm tra nguồn gốc mà chỉ có thể nghe qua giới thiệu của người bán.

Chủ nhân một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này, cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng “ưu tiên” cho thực phẩm sạch khi đi chợ, tôi đã liên hệ với một số cơ sở sản xuất đáng tin cậy và tiến hành cung cấp các mặt hàng rau xanh, hoa quả, thịt, cá… đến tận tay người tiêu dùng. Cửa hàng của tôi mới được khai trương vào tháng 12.2018, nhưng đã bắt đầu được khách hàng ủng hộ nhiều hơn”.

Thị phần sản phẩm địa phương

Có một nghịch lý, ngay tại địa phương, nhưng để mua được rau quả thương hiệu của vùng đất, lại khá khó khăn. Khoảng gần 2 năm trở lại đây, người tiêu dùng biết đến chương trình sản phẩm OCOP. Nhưng để tìm một cửa hàng đang bán các sản phẩm đã đạt các xếp hạng OCOP của Quảng Nam lại khó hơn tìm mua thực phẩm được rao bán là có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, Nam Phi... Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay, các địa phương đang xúc tiến các địa điểm bán hàng OCOP. Tuy nhiên, khi nào các cửa hàng này mới mở cửa thì vẫn chưa xác định. Thị phần sản phẩm địa phương ngay thị trường tiêu dùng tại chỗ vẫn còn quá khiêm tốn so với lượng sản phẩm làm được.

Một lít nước mắm Cửa Khe nếu mua ngay tại xã Bình Dương (Thăng Bình) chỉ có 40 ngàn đồng. Nhưng khi lên kệ tại quầy thực phẩm sạch, giá lên tới 60 ngàn đồng. Giá người sản xuất bán cho doanh nghiệp sau khi chiết khấu, hẳn phải chưa đến 40 ngàn đồng. Nhưng nếu tự người sản xuất đi kinh doanh, chắc chắn không thể nào bán được giá tốt như khi đã lên quầy. Các hộ dân tại làng nghề nước mắm Cửa Khe chấp nhận lấy công làm lời nhưng đầu ra sản phẩm ổn định. Tương tự, sản phẩm lúa tím hữu cơ của HTX Bình Quý (Thăng Bình) dù đã được Hiệp hội thực phẩm minh bạch đưa đi các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế, nhưng hiện số lượng lúa gạo còn tồn kho sau mỗi mùa lên đến hàng tấn. Những nông sản đang có thương hiệu, vẫn phải chật vật đi tìm chỗ đứng và đầu ra trên thị trường.

Một chương trình về phát triển mô hình liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa ở Quảng Nam đã triển khai được vài năm nay. Đã có 6 chuỗi sản phẩm được công bố. Tuy nhiên, thị trường các sản phẩm này vẫn còn khá mờ nhạt với người địa phương. Sản xuất nông nghiệp có thể đột phá nhờ công nghệ hiện đại, nhưng thị trường, rất khó để có sự đột biến, đặc biệt đối với thị trường nông sản vốn dĩ có rất nhiều sự cạnh tranh từ các quốc gia khác. Chen chân vào các chuỗi cung ứng sản phẩm theo dây chuyền e còn cần nhiều nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt đối với nông sản đang chật vật dựng thương hiệu, tìm thị trường như Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ gì từ thương hiệu nông sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO