Đưa hàng hóa địa phương ra thị trường

VĨNH LỘC 20/12/2022 06:35

Hàng hóa Quảng Nam được quan tâm, tiêu thụ mạnh. Hàng loạt chương trình quảng bá, xúc tiến, kích cầu thương mại đã được triển khai rầm rộ nhằm đưa hàng hóa địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Hàng hóa miền núi của Quảng Nam đang dần được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.L
Hàng hóa miền núi của Quảng Nam đang dần được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.L

Hàng vùng cao xuống phố

Dự kiến, cuối tháng 12 này, “Tuần hàng quảng bá các sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam” lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại TP.Hội An. Ước có khoảng 60 gian hàng với hàng trăm sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược liệu, sản phẩm nông thôn, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... của 7 huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Hiêp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My tham gia.

Qua đó, không chỉ giúp đưa hàng vùng cao đến gần hơn người tiêu dùng mà còn là dịp để các hộ sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề các huyện miền núi gặp gỡ, kết nối, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng sản phẩm hàng hóa địa phương đến với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, sản phẩm miền núi ngày càng được thị trường quan tâm, người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là các sản phẩm nông lâm sản, thảo dược như nấm lim xanh, khổ qua rừng, ớt, tiêu, các loại sâm…

Dù vậy, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính thủ công, nguồn cung hạn chế, công tác quảng bá, giới thiệu chưa rộng khắp khiến thị trường tiêu thụ chưa tiếp cận được nhiều khách hàng.

Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết – chủ cơ sở sản xuất kinh doanh ở thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) cho biết, sản phẩm cơ sở làm ra bán rất mạnh, thậm chí không đủ hàng cung cấp cho thị trường, nhưng chủ yếu khách hàng quen, đặt mua số lượng nhỏ, nếu lấy số lượng lớn cơ sở không đủ khả năng cung cấp. Sản phẩm cơ sở Đỗ Thị Ánh Tuyết chủ yếu là hàng thực phẩm, dược liệu như rượu ngâm nếp cẩm, khổ qua rừng, sâm dây, ớt muối, thịt heo đen sấy…

Hàng hóa miền núi của Quảng Nam đang dần được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.L
Hàng hóa miền núi của Quảng Nam đang dần được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.L

Theo ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, “Tuần hàng quảng bá sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam” sẽ là cơ hội quý để Nam Giang cũng như các địa phương vùng cao giới thiệu tiềm năng, thế mạnh hàng hóa bản địa đến đối tác, doanh nghiệp đầu tư, qua đó giúp nâng cao chuỗi giá trị, tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ.

Hiện Nam Giang có khá nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như lúa rẫy, nếp than, heo đen, thổ cẩm… Vì vậy, việc tham gia sự kiện được kỳ vọng giúp hàng hóa địa phương mở rộng, kết nối thị trường, đối tác.

“Tất nhiên, việc bán hàng cũng quan trọng nhưng chúng tôi muốn hướng đến mục tiêu cao hơn là quảng bá những sản phẩm đặc trưng của bà con đến khách hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng” - ông Chương chia sẻ.

Xác lập thương hiệu sản phẩm Quảng Nam

“Tuần hàng quảng bá các sản phẩm miền núi” là một trong nhiều sự kiện theo chuyên đề của ngành công thương nhằm đưa hàng hóa Quảng Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Vài năm trở lại đây, hoạt động khuyến công, hỗ trợ, xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông thôn (OCOP, làng nghề, công nghiệp nông thôn tiêu biểu…) được thường xuyên tổ chức, mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Chỉ riêng năm 2022 các sản phẩm Quảng Nam đã tham gia hơn 10 sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm hàng hóa cũng đã được quảng bá trên các trang giới thiệu sản phẩm Quảng Nam và sàn thương mại điện tử trong cả nước.

Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, thông qua các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Quảng Nam đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận.

Điều này giúp thay đổi thói quen người tiêu dùng về hàng Việt, góp phần hiện thực hóa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực tế cho thấy, thông qua các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, hộ sản xuất..., hàng hóa Quảng Nam đang được nhiều đối tác, nhà đầu tư quan tâm.

Đơn cử, sự kiện Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức giữa tháng 11 vừa qua, trong vòng 3 ngày diễn ra hội chợ, tổng giao dịch hàng hóa đã đạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Đồng thời nhiều hợp đồng kinh tế, biên bản ghi nhớ hợp tác, làm nhà phân phối, đại lý... đã được ký kết giữa các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm Quảng Nam với các đối tác đến từ rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Quảng Trị, Đắk Lắk, Long An, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng...

Theo ông Hường Văn Minh, để đẩy mạnh hơn nữa hàng Quảng Nam ra thị trường, cần tiếp tục triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại theo hình thức truyền thống và thương mại điện tử.

Thời gian tới, sở sẽ đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài, nhất là với các mặt hàng chủ lực, nhằm thúc đẩy thị trường hàng hóa Quảng Nam vươn ra thị trường thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu hàng Việt với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa hàng hóa địa phương ra thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO