Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

TÂM ĐAN - MAI NHI 16/08/2021 10:48

Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là hoạt động được Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) chọn làm bước đột phá đầu tiên trong tiến trình thực hiện kinh tế số nông nghiệp. Ở Quảng Nam, 2 doanh nghiệp là Bưu điện tỉnh và Viettel Post Quảng Nam đang vào cuộc phối hợp các sở, ngành cùng hộ sản xuất đẩy mạnh đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT.

Các doanh nghiệp bưu chính đang vào cuộc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tạo thuận lợi cho đầu ra. Ảnh: B.Đ
Các doanh nghiệp bưu chính đang vào cuộc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tạo thuận lợi cho đầu ra. Ảnh: B.Đ

Mũi đột phá kinh tế số nông nghiệp

Vừa qua, đại diện Sở TT-TT, Sở NN&PTNTN, Bưu điện tỉnh và Viettel Post Quảng Nam có buổi tham dự hội nghị trực tuyến do Bộ TT-TT tổ chức về triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Trước đó, ngày 21.7.2021, Bộ TT-TT ban hành Quyết định 1034 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản.

Đồng thời thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, phân bón... Để triển khai Kế hoạch 1034, Bộ TT-TT chọn 2 sàn TMĐT gồm “postmart.vn” của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và “voso.vn” của Tổng Công ty Bưu chính Viettel.

Theo số liệu của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đến nay có 7.987 hộ nông dân và 14.594 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn TMĐT.

Thời gian qua, TMĐT đã hỗ trợ rất tốt cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Như hỗ trợ tiêu thụ vải Bắc Giang hồi tháng 5.2021 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại địa phương này) nhờ sự vào cuộc đồng bộ, nhanh chóng của các bên nên chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 8.000 tấn vải đã được tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành phố qua 2 sàn “postmart.vn” và “voso.vn”.

 Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn, hộ sản xuất là lực lượng chính để triển khai kinh tế số nông nghiệp; nếu không có sự tham gia của nông dân, hợp tác xã thì chương trình này rất khó thực hiện. Do đó, các tỉnh cần tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết ngay trong tháng 8.2021. Mục tiêu là hết năm 2021, đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT và từng bước triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Doanh nghiệp vào cuộc

Tại Quảng Nam, chuyện lên sàn TMĐT không chỉ được doanh nghiệp mà cả những nhà quản lý, hộ sản xuất đặc biệt quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đang vào cuộc mạnh mẽ để đưa nông sản đặc trưng Quảng Nam lên sàn. Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện Quảng Nam cho biết, đơn vị đã làm việc với Chi cục Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức có hàng hóa đặc sản, đặc trưng để truyền thông, giới thiệu và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT của bưu điện.

Đến nay, Bưu điện Quảng Nam đã phối hợp với nhà cung cấp đưa 61 sản phẩm OCOP 3, 4 sao và 23 sản phẩm vùng miền lên sàn Postmart. Song song với đó, đơn vị thường xuyên rà soát sản phẩm của nhà cung cấp nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung sản phẩm, giá bán, giá khuyến mãi để luôn luôn làm mới trên sàn TMĐT.

Ông Hùng cho hay, thời gian đến, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với nhà cung cấp đưa 114 sản phẩm OCOP lên sàn, đồng thời phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho các chủ thể hoạt động trên sàn.

Ngoài ra, hiện Bưu điện tỉnh còn triển khai bán hàng tiêu dùng, thiết yếu tại 209 điểm bán trên toàn tỉnh, trong đó đã và đang tổ chức 33 điểm mô hình tự chuẩn hóa cửa hàng postmart từ tháng 7 đến hết năm 2021 để phục vụ nhân dân tại các địa phương. Bưu điện tỉnh cũng đang phối hợp với Sở Công Thương làm phương án tiêu thụ hàng thiết yếu, nông sản tươi sống trong trường hợp địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra…

Trong khi đó, đại diện Viettel Post Quảng Nam cho biết đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất, phối hợp đưa 200 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT “voso.vn”. Ngoài ra, Viettel Post Quảng Nam đã xây dựng và thường xuyên chạy quảng cáo fanpage “Đặc sản Quảng Nam” để truyền thông các sản phẩm đặc sản của hộ kinh doanh.

Thời gian tới, đơn vị sẽ mời mỗi nhà sản xuất OCOP chủ động tạo 1 gian hàng trên sàn “voso.vn”. Đồng thời tổ chức đào tạo (có thể tập trung hoặc online) để hướng dẫn chủ thể đăng bài, chụp hình, quay video sản phẩm và bán hàng online. Hỗ trợ các chủ thể đăng ký ứng dụng icheck để xác thực nguồn gốc sản phẩm, nâng cao thương hiệu…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO