Hàng Quảng xuất ngoại

CHÂU NỮ 25/01/2023 06:10

(Xuân Quý Mão) - Mo cau xứ Tiên, bánh dừa Bảo Linh, nhàu Best one, mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy…, những sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp xứ Quảng đến với khách hàng khắp nơi bằng nhiều cách: xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu tại chỗ hay kinh doanh trực tuyến.

Khách nước ngoài mua hàng của cơ sở Hoa Mẫn Vy. Ảnh NVCC
Khách nước ngoài mua hàng của cơ sở Hoa Mẫn Vy. Ảnh NVCC

Đưa sản phẩm ra nước ngoài

Sản phẩm mo cau xứ Tiên của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) có mặt tại Hà Lan vào tháng 6/2021. Hai lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đã mở ra cánh cửa thị trường xuất khẩu cho HTX, để rồi sau đó doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, tiếp cận thị trường một số nước khác với những sản phẩm mới, có giá trị xuất khẩu cao hơn.

Sự kiện này cũng tạo cơ hội để HTX thực hiện nhiều chương trình với các đối tác và tổ chức nước ngoài như chương trình “Thử nghiệm plastic free F&B” của Evergreen Labs (phòng thí nghiệm kinh doanh sáng tạo), hướng đến thay thế các sản phẩm nhựa, xốp trong ngành thực phẩm và đồ uống; trở thành đối tác của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP)…

Mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy (Hội An) đến với thị trường ngoài nước bằng những chuyến hàng xách tay khi khách du lịch tham quan, mua sắm tại cơ sở.

Trước khi xảy ra dịch COVID-19, cơ sở Hoa Mẫn Vy còn kết hợp với các thực tập sinh Nhật Bản làm mỹ phẩm thủ công. Sau khi các thực tập sinh Nhật Bản đem sản phẩm làm được về nước giới thiệu, nhiều khách hàng ở xứ sở hoa anh đào rất thích thú khi được dùng thử.

Còn bánh dừa Bảo Linh (Tam Kỳ) có lẽ là một trong những sản phẩm khởi nghiệp có mặt ở Hàn Quốc khá sớm bằng con đường chính ngạch và sau đó là các quốc gia khác.

Xuất khẩu chưa nhiều nhưng sản phẩm nhàu của HTX Best one (Tam Kỳ) được các đối tác Hàn Quốc đặt hàng sau khi tìm hiểu, tham quan vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng.

“Tôi nghĩ quan trọng là sản phẩm của mình đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi. Mình cung cấp dịch vụ tốt, đem ngoại tệ về cho doanh nghiệp theo kiểu “tích tiểu thành đại” và xây dựng chuỗi cung ứng để người nông dân cùng hưởng lợi, đã là điều hay” - chị Bùi Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Best one chia sẻ.

Bằng cách ký gửi sản phẩm ở các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội, Khánh Hòa, Hội An…, nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài đến lưu trú, mua sắm, sản phẩm nhàu Best one cũng như nhiều sản phẩm của các starup Quảng Nam theo khách du lịch và người tiêu dùng đến với nhiều quốc gia trên thế giới.

Hành trình xuất ngoại

Qua quá trình làm việc với các đơn vị nhập khẩu tại châu Âu cùng các tổ chức phi chính phủ và đối tác nước ngoài, chị Phan Vũ Hoài Vui - Giám đốc HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam nhận ra rằng, nếu sản phẩm của doanh nghiệp chỉ đơn thuần là sản phẩm công nghiệp thì việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu một cách bền vững là khó khăn.

Chị Vui lý giải, người tiêu dùng ở châu Âu không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng, mà rất quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa, như có thải nhiều carbon hay không, có trả lương tốt cho người lao động hay không, điều kiện làm việc của người lao động trong quá trình sản xuất như thế nào, có đem lại giá trị về văn hóa cho địa phương hay không, có sử dụng phụ nữ và người yếu thế trong nhà máy hay không...

“Những tác động về môi trường, xã hội, văn hóa, kinh tế mà doanh nghiệp mang lại cho địa phương nơi sản xuất chính là những giá trị vô hình mà người tiêu dùng nước ngoài sẵn sàng chi trả nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm. Coi trọng giá trị sản phẩm hơn là giá cả và chất lượng là xu hướng đang rộng khắp và phổ biến ở người tiêu dùng nước ngoài và chúng ta cần phải đón đầu xu hướng này” - chị Hoài Vui chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng Việt ra xứ người.

Theo chị Bùi Thị Tuyết Nhung, để xuất khẩu theo đường chính ngạch, doanh nghiệp phải trải qua hình trình khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có quy mô nhỏ.

Nhưng có nhiều cách để sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng nước ngoài: xuất khẩu tại chỗ (hàng bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam), vận chuyển hàng ghép container, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước… là cách lan tỏa, quảng bá sản phẩm của chị Nhung và nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều sản phẩm khởi nghiệp ở Quảng Nam có tiềm năng xuất khẩu. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thủ tục, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Cánh cửa đã mở ra, nhưng con đường để đi tiếp thì còn rất dài và không ít gập ghềnh. Vì thế, theo ông Dũng, cộng đồng startup Quảng Nam mong muốn tỉnh xem xét thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu để thêm nhiều sản phẩm có cơ hội tiếp cận và tiếp cận được với các thị trường lớn ở bên ngoài Tổ quốc...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hàng Quảng xuất ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO