Khởi nghiệp từ OCOP

THÀNH CÔNG - VINH ANH 10/04/2021 06:32

Khát vọng khởi nghiệp (KN) và những thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được kỳ vọng là động lực quan trọng để nông dân chạm tới cơ hội làm giàu. Việc mạnh dạn đổi mới tư duy, tìm kiếm một cách làm phù hợp, gắn với câu chuyện KN của thanh niên, nông dân từ sản phẩm OCOP và tận dụng được những cơ chế, chính sách khuyến khích là hướng đi rất gợi mở.

Sự kiện Techfest Quang Nam 2021 quy tụ 100 gian hàng với hơn 200 sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp... khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: ANH CÔNG
Sự kiện Techfest Quang Nam 2021 quy tụ 100 gian hàng với hơn 200 sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp... khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: ANH CÔNG

CƠ HỘI RỘNG MỞ

Các hoạt động liên kết hệ sinh thái KN, kết nối quảng bá sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tổ chức quy củ hơn, tạo thêm nhiều cơ hội trong xúc tiến thương mại mà Ngày hội Khởi nghiệp Quảng Nam lần thứ II - Techfest Quang Nam 2021, là một câu chuyện điển hình. 

Bén duyên với OCOP 

Mục tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025: củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên; phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm (tập trung chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị, theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh; phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và các sản phẩm thế mạnh khác…). Đến năm 2025, bình quân mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; cả tỉnh có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao; doanh số bán hàng OCOP đạt hơn 300 tỷ đồng (gấp 4 lần so với năm 2020), lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng; phát triển mới 80 tổ chức kinh tế tham gia OCOP, trong đó 30 doanh nghiệp, 50 hợp tác xã; xây dựng 45 điểm bán hàng OCOP, 10 trung tâm OCOP cấp huyện, 2 trung tâm cấp tỉnh, 1 trung tâm cấp vùng…

Một trăm gian hàng trưng bày với hơn 200 sản phẩm KN, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tạo được dấu ấn khi không chỉ quảng bá, giới thiệu mà còn giao dịch được một lượng hàng hóa tương đối lớn. Ngay cả chủ sở hữu của các thương hiệu OCOP của tỉnh cũng hoàn toàn bất ngờ với việc này. 

Từ một người chỉ chuyên về bán hàng ở chợ Bà Rén, chị Lưu Thị Thu (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) bắt tay sản xuất các sản phẩm bánh truyền thống được khách hàng ưa chuộng. Techfest Quang Nam 2021 là lần đầu tiên chị đưa sản phẩm tham gia trưng bày, quảng bá ở một ngày hội KN cấp tỉnh. Từ những loại bánh đơn giản, đến nay chị Thu đã sản xuất hàng chục loại bánh như bánh dừa nước, bánh da dẻo, bánh rò, bánh chưng và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường… Trong đó, sản phẩm bánh dừa nướng Quý Thu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Thu kể: “Cơ sở tôi có khoảng 30 nhân công, mỗi ngày xuất hàng trị giá 30 - 40 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thông qua các nhà phân phối trong ngoài và tỉnh. Lâu nay chủ yếu là khách hàng tự tìm đến cơ sở, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm như ngày hội KN vừa qua là rất hiếm. Thời gian đến, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều kênh khác nhau, nhất là khi có sản phẩm được công nhận OCOP”.

Võ Thị Minh Nga - chủ thương hiệu Gạo lứt cô gái Bh’noong của Công ty TNHH sản xuất TMDV Phương Nga chia sẻ, thất bại của những ngày đầu với tư tưởng có thể tự đi một mình đã giúp cô nhận ra tầm quan trọng của việc “gắn nhãn” OCOP cho sản phẩm và đồng hành với cộng đồng KN.

“Để sản phẩm OCOP đến được thị trường, sức lan tỏa của thương hiệu sản phẩm rất quan trọng. Đặc trưng của địa phương, giá trị bản địa và mục tiêu để tạo ra sản phẩm sẽ là cách quảng bá hay hơn cách làm truyền thống là so sánh mặt được, mặt hơn với những sản phẩm cùng loại. Câu chuyện của sản phẩm nên gắn liền với giá trị văn hóa, quê hương, đến đam mê, khát vọng của người lập nghiệp, mà gạo lứt hay tinh bột nghệ của công ty mình là một điển hình. Đến với Techfest Quang Nam 2021 lần này, cơ hội đó một lần nữa được khẳng định” - Nga nói. 

Tìm kiếm sản phẩm đặc trưng

Thương hiệu các sản phẩm địa phương với bề dày lịch sử là một lợi thế rất lớn cho KN phát triển. Điều này một lần nữa được đặc biệt nhấn mạnh tại Techfest Quang Nam 2021.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh chia sẻ, mỳ Quảng, quế Trà My, lụa Duy Xuyên… nức tiếng lâu nay và được nhiều người biết đến, song phần lớn đều là nhãn hiệu tập thể. Nhiều sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất, không chỉ là công cụ để makerting mà còn là vũ khí lợi hại để phân biệt sản phẩm “nhái”, giúp gia tăng giá trị kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh và Bộ KH-CN tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tại Techfest Quang Nam 2021. Ảnh: ANH CÔNG
Lãnh đạo tỉnh và Bộ KH-CN tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tại Techfest Quang Nam 2021. Ảnh: ANH CÔNG

“Các chủ thể KN cần phải biết nắm lấy lợi thế đó, vận dụng sáng tạo và đầu tư phù hợp về công nghệ, khoa học kỹ thuật để tạo ra thương hiệu cho riêng mình, bên cạnh những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng thương hiệu có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp thu hút sự đầu tư của các chủ thể và tăng sức hút với khách hàng/khách du lịch. Đồng thời kết nối và thúc đẩy quá trình sáng tạo, chuyển giao giá trị và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở địa phương. Techfest Quang Nam 2021 và những sự kiện trong chuỗi hoạt động kết nối, quảng bá thương hiệu OCOP tổ chức thời gian qua là cầu nối quan trọng để nông dân và cộng đồng KN nắm bắt được cơ hội” - ông Sinh nói.

Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. Qua gần 3 năm triển khai chương trình OCOP, toàn tỉnh có 206 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 179 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm sau luôn cao hơn năm trước. Các chủ thể tham gia chương trình ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyển sản xuất mới phục vụ sản xuất. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm…

Tiếp nối thành công đó, ngày 13.1.2021, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 07 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 524 ngày 26.2.2021 để triển khai Nghị quyết 07. Đây là 2 văn bản hết sức quan trọng, tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP giai đoạn tiếp theo.

LẮNG NGHE NÔNG DÂN

Nhiều tâm tư, băn khoăn của nông dân đã được lắng nghe, giải đáp ngay tại diễn đàn “Nông dân Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo từ sản phẩm địa phương”.

Diễn đàn“ Nông dân Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo từ sản phẩm địa phương” để lại nhiều ấn tượng trong chuỗi hoạt động Techfest Quang Nam 2021. Ảnh: C.V
Diễn đàn“ Nông dân Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo từ sản phẩm địa phương” để lại nhiều ấn tượng trong chuỗi hoạt động Techfest Quang Nam 2021. Ảnh: C.V

Khó khăn vay vốn, thủ tục 

Đề cập đến “đường đi” của sản phẩm OCOP để tìm đến với thị trường tiêu thụ, đại diện Hội Nông dân TP.Hội An cho rằng, nhiều sản phẩm OCOP chỉ mới tiếp cận được thị trường địa phương, chưa có đầu ra mạnh mẽ, chưa kết nối với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ. Dịch Covid-19 khiến một lực lượng lớn lao động ở TP.Hội An quay về với nông nghiệp và bắt đầu “ươm” khát khao khởi nghiệp (KN), nhưng các kênh hỗ trợ giải quyết vay vốn, giới thiệu mô hình hay còn khá ít.

Hội Nông dân TP.Hội An đề nghị cần xây dựng những cuộc thi để chọn ra ý tưởng hay trong KN từ nông nghiệp, đồng thời đầu tư cho công tác tuyên truyền để nông dân nắm bắt được cơ chế chính sách hỗ trợ lẫn những gợi ý cho việc tìm kiếm cơ hội.

Ông Phan Như Phi (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) chia sẻ, rất nhiều nông dân vẫn chưa rõ lộ trình của việc xây dựng sản phẩm OCOP, cần sự hướng dẫn về thủ tục, đồng thời rất mong mỏi quá trình tiếp cận vốn vay sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn với người dân.

“Xây dựng OCOP bắt đầu từ đâu, làm gì, ai hướng dẫn? Chúng tôi chưa bàn tới việc nhận hỗ trợ, nhưng rất cần việc giúp đỡ xây dựng tên tuổi, thương hiệu cho sản phẩm, để bà con nông dân bán ra thị trường nhiều hơn, đúng với giá trị thật hơn, đó là cái quan trọng” - ông Phi nói.

Nhiều kênh hỗ trợ 

Trả lời những thắc mắc của nông dân, bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thông tin, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ dịch vụ nông dân của Hội Nông dân tỉnh đang xúc tiến xây dựng một điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP cho nông dân, cố gắng trong năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Đối với nguồn vốn để hỗ trợ nông dân, hội đã liên kết với một số ngân hàng cùng Quỹ hỗ trợ nông dân giúp nông dân vay vốn.

Xuất phát từ nhu cầu vay vốn rất lớn của nông dân, hội cũng đã liên hệ ngân hàng Liên Việt với 12 chi nhánh ở 12 huyện, dự kiến ký kết thỏa thuận giữa hội và ngân hàng để có thêm một nguồn vốn vay giúp cho nông dân KN, quan trọng là nông dân không phải thế chấp đảm bảo với nguồn vốn vay không quá 100 triệu đồng thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn.

Còn ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, Phòng Kinh tế hạ tầng ở các địa phương sẽ là nơi tư vấn các chính sách, chương trình cho nông dân nói riêng, các đối tượng KN nói chung.

“Quảng Nam đã tích hợp rất nhiều chương trình thành một đề án hệ sinh thái KN, đây là động lực quan trọng để nông dân tham gia KN. Sắp tới, sẽ có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm KN tại TP.Đà Nẵng, làm cầu nối để sản phẩm của nông dân đến được nhiều hơn với thị trường. Điều quan trọng là người nông dân cần có sự chủ động nhiều hơn, tìm kiếm và nắm bắt cơ hội cho mình dựa trên sự tiếp sức rất lớn từ phía các cơ quan chức năng” - ông Sinh nhấn mạnh.

HƯỚNG ĐẾN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Trong bối cảnh thị trường còn hạn hẹp, sự ra đời của các kênh mua sắm trực tuyến và xu hướng thương mại điện tử sẽ giúp nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận người dùng mạnh mẽ và tiện lợi hơn.

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ OCOP được hỗ trợ đầu tư máy móc góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: ANH CÔNG
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ OCOP được hỗ trợ đầu tư máy móc góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: ANH CÔNG

Ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Quảng Nam tại phía nam (QNB) thông tin, QNB đang chủ trì kênh mua sắm trực tuyến với tên gọi “Siêu thị QNB - Online”. Kênh mua sắm này chuyên cung cấp các sản phẩm của Quảng Nam, nhất là các sản phẩm OCOP chất lượng của quê nhà. Bên cạnh đó, đây còn là kênh thông tin hữu ích về xúc tiến thương mại, đầu tư, việc làm, kết nối giao thương giữa các thành viên QNB với nhau và với các doanh nghiệp khác.

Từ dịch vụ bán hàng đến khâu giao nhận, đảm bảo chất lượng sẽ được Siêu thị QNB – Online đảm nhiệm, với mục tiêu tạo sự tin tưởng, quan tâm của khách hàng cả nước, nhất là đồng hương xứ Quảng, góp phần đưa các thương hiệu sản phẩm xứ Quảng chiếm lĩnh thị trường. Các nhà cung cấp, nhất là nông dân xứ Quảng có thêm một địa chỉ lý tưởng để quảng bá thương hiệu.

“Lợi thế của chúng tôi là đã có đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm kinh nghiệm, đảm đương được tất cả hoạt động siêu thị - một thị trường tiềm năng, và các đối tác trong và ngoài QNB sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. QNB cam kết sẽ là sứ giả đem đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước sản phẩm an toàn, chất lượng mang đậm nét Quảng Nam, đồng hành với các doanh nghiệp KN Quảng Nam. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2025 là sẽ giới thiệu, quảng bá và phân phối hơn 5.000 sản phẩm của Quảng Nam, mở từ 1 đến 3 siêu thị offline để phân phối và hỗ trợ ít nhất 30 doanh nghiệp KN Quảng Nam” - ông Doãn nói.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động khá lớn đến thói quen mua sắm truyền thống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng phải tìm cách đưa thương mại, thị trường vào người dân.

“Tỉnh rất coi trọng thương mại điện tử, trong đó có sáng kiến của QNB. Quảng Nam đang đầu tư cho chuyển đổi số, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cả hai chiều, sẽ có đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn cho nông dân, không chỉ riêng cho sản phẩm OCOP. Hội Nông dân cần tuyên truyền mạnh, thực chất hơn cho hội viên, nhất là những cơ chế chính sách, cách làm, sử dụng mạng xã hội để lan tỏa mạnh hơn, hỗ trợ sâu sát và tốt hơn cho nông dân” - ông Bửu phát biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Khuyến khích chủ thể OCOP vào cụm công nghiệp”

Sau quá trình phát triển, đến nay do nhu cầu thị trường, nhiều chủ thể OCOP có nguyện vọng mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề tìm mặt bằng, thuê đất đai là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Trả lời về nội dung này trong một diễn đàn gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, tỉnh rất khuyến khích các sản phẩm OCOP, nhất là những sản phẩm thân thiện môi trường. Tới đây, nhiều khả năng sẽ nghiên cứu một cơ chế mới để hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tỉnh đang xem xét chuẩn bị ban hành cơ chế đầu tư, phát triển cụm công nghiệp (nhiều địa phương đang có quy hoạch các cụm công nghiệp). Khi đó, những đối tượng ưu tiên vào các cụm công nghiệp sẽ dành cho các doanh nghiệp KN, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có sản phẩm thân thiện môi trường, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP. Những loại hình kinh doanh khác, có nhu cầu thì đưa vào khu công nghiệp. Việc này sẽ giải quyết bài toán mặt bằng cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Đi kèm là nhiều cơ chế hỗ trợ khác. Đối chiếu với đó, các bạn KN có sản phẩm phù hợp sẽ liên hệ với địa phương để được hỗ trợ, nhất là bố trí mặt bằng trong cụm CN để mở rộng sản xuất...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: “Nông dân cần năng động hơn”

“Liệu chúng ta, những người nông dân đã tự đi tìm cơ hội cho mình chưa, đi tiếp xúc, tìm kiếm thông tin chưa hay chúng ta chỉ mới ở nhà kêu. Ở Nam Trà My, 97% người đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, nơi chỉ có 2 ngân hàng, đến nay người dân đã mạnh dạn vay gần 400 tỷ, gửi tiết kiệm ở ngân hàng hơn 180 tỷ đồng. Việc khởi nghiệp không khó, nếu khó chỉ  ở chỗ mình không đi, vì ngay cả Hội Nông dân cũng có quỹ cho vay, không thể ở một chỗ để kêu khó. Nên năng động hơn, không ỷ lại, chỗ nào khó, bà con có thể báo cáo lãnh đạo, kể cả lãnh đạo tỉnh, chúng tôi sẽ giúp bà con tới nơi tới chốn”.

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Tạo sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ số

Cộng đồng KN sáng tạo Quảng Nam phải là những người dám dấn thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, cùng kết nối, truyền cảm hứng để tạo ra những sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới trên nền tảng công nghệ số, mạnh dạn ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đó là cách để có thể đưa doanh nghiệp, địa phương phát triển. Để làm được điều này, mỗi cán bộ, hội viên nông dân, nhất là những nông dân trẻ, có trình độ cần phải phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thời cơ, dám đối diện với những khó khăn thử thách để KN, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển xã hội. Đặc biệt quan trọng nhất là chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành với những chủ thể KN, cùng tháo gỡ những khó khăn và định hướng liên kết để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp từ OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO