Nâng sức cạnh tranh sản phẩm OCOP

HOÀI NHI 14/04/2023 08:18

Những năm qua, huyện Duy Xuyên xây dựng nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã nên ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. Thời gian tới, địa phương tích cực hỗ trợ các chủ thể nâng tầm giá trị, sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm.

Sản phẩm OCOP huyện Duy Xuyên tham gia TechFest Quang Nam 2022. Ảnh: H.N
Sản phẩm OCOP huyện Duy Xuyên tham gia TechFest Quang Nam 2022. Ảnh: H.N

Mạnh dạn đầu tư

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Duy Oanh (Duy Sơn) cho hay, cuối năm 2021 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; năm 2022 dự án “Ngũ cốc Duy Oanh - thương hiệu nông sản Quảng Nam” đoạt giải Nhất cấp tỉnh về ý tưởng khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo.

“Năm 2022, cơ sở cung ứng ra thị trường 4 tấn bột ngũ cốc, doanh thu 1,2 tỷ đồng. Có thể nói, nhờ có Chương trình OCOP, sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh được nâng tầm giá trị, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn.

Từ tháng 2/2023, cơ sở liên kết với nông dân Duy Sơn phát triển nguồn nguyên liệu lúa, mè, sen.. với diện tích khoảng 2ha. Đồng thời đầu tư thêm 600 triệu đồng xây dựng nhà xưởng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm các loại, tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây” - bà Mỹ chia sẻ.

Không chỉ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Duy Oanh, từ năm 2018 đến nay nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn Duy Xuyên mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Đoàn Công Minh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, thời gian qua các cơ sở mạnh dạn đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, nhất là những sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt chuẩn hạng 3 - 4 sao.

Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Trong khi đó, ngành liên quan và chính quyền các địa phương hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để các chủ thể có điều kiện triển khai chương trình.

Nâng sức cạnh tranh

Theo ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, để giúp các chủ thể phát triển thương hiệu và nâng tầm sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa chất lượng cao, huyện thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến chính sách hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn thiết kế bao bì - tem nhãn... Ngoài ra, tập trung kết nối với các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

“Thời gian qua, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Trong đó, đáng ghi nhận là phối hợp tổ chức nhiều hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thủ công mỹ nghệ, làng nghề, OCOP, khởi nghiệp sáng tạo... nhằm đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện” - ông Tường nói.

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, quan điểm của địa phương là phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, huyện sẽ siết chặt công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm một cách khách quan, công khai, minh bạch. Không ngừng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài 15 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2022, năm 2023 Duy Xuyên có 2 sản phẩm đăng ký mới là nhân hạt sen khô (xã Duy Phú) và nấm bào ngư Tuấn Kiều (xã Duy Tân).

Ông Phúc chia sẻ, thời gian đến, Duy Xuyên tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP; tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Cạnh đó, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP…

Mục tiêu Duy Xuyên đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 20 - 25 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt 4 sao; xây dựng được 2 điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP và 1 trung tâm OCOP cấp huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng sức cạnh tranh sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO