Phát triển sản phẩm OCOP ở Tiên Phước: Tìm hướng tạo sức cạnh tranh trên thị trường

DIỄM LỆ 10/11/2022 07:48

Thời gian qua, các chủ thể OCOP huyện Tiên Phước nỗ lực đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường hiệu quả.

Nhiều hội làng của huyện Tiên Phước, nhiều sản phẩm tiền OCOP và sản phẩm OCOP được trưng bày quảng bá đến du khách. Ảnh: D.L
Nhiều hội làng của huyện Tiên Phước, nhiều sản phẩm tiền OCOP và sản phẩm OCOP được trưng bày quảng bá đến du khách. Ảnh: D.L

Cải tiến chất lượng và mẫu mã

Sản phẩm bánh tráng lề Địch Yên của Tổ hợp tác (THT) bánh tráng lề Địch Yên sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao vẫn không ngừng đầu tư nâng chất lượng lẫn mẫu mã.

Ông Hứa Đại Dương - đại diện THT bánh tráng lề Địch Yên thông tin, để sản phẩm giữ vững được vị trí trên bàn ăn của mỗi gia đình, THT luôn lấy chất lượng làm đầu. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã được cái tiến để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, xã Tiên Phong và UBND huyện Tiên Phước hỗ trợ đầu tư máy móc trang thiết bị để nâng cao năng suất của THT.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, qua 4 năm (2018 - 2021) triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện đã có kết quả tốt. Tổng số sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đến năm 2021 là 32 sản phẩm; trong đó, có 12 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.

Năm 2022, huyện đăng ký tham gia thêm 5 sản phẩm mới gồm viên nghệ trắng mật ong, SNACK chuối BANA, dầu dừa nguyên chất, trầm vân mây như ý, heo thảo dược xứ Tiên và đánh giá công nhận lại 4 sản phẩm sau 36 tháng gồm tiêu Tiên Phước, rượu lòn bon Tiên Phước, tinh dầu sả, tinh dầu quế. Một số chủ thể đã hình thành các bộ sản phẩm, dòng sản phẩm thế mạnh của địa phương phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cụ thể: dòng sản phẩm thảo dược của HTX Nông dược xanh Tiên Phước (25 sản phẩm); bộ sản phẩm trầm hương của HTX trầm hương Tiên Kỳ (9 sản phẩm); dòng sản phẩm rượu các loại của HTX Nhật Linh và HTX Phước Tuyên (3 sản phẩm); bộ sản phẩm gia dụng từ mo cau của HTX nông nghiệp kỹ nghệ Tiên Phước (11 sản phẩm).

Tiên Phước hiện có nhiều sản phẩm OCOP giữ vững vị trí, thương hiệu, chất lượng sao thời gian dài được công nhận. Ản: D.L
Tiên Phước hiện có nhiều sản phẩm OCOP giữ vững vị trí, thương hiệu, chất lượng sao thời gian dài được công nhận. Ản: D.L

Ông Tăng Ngọc Đức - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Đa số chủ thể phát huy hiệu quả đầu tư, chất lượng sản phẩm được nâng cao, mẫu mã bao bì đẹp, đảm đảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm... nên thương hiệu sản phẩm OCOP Tiên Phước ngày càng được nhiều người biết đến.

Các chủ thể OCOP phát triển thương hiệu, phát triển sản xuất đã góp phần tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ thể. Ví dụ như doanh thu năm 2019 của THT bánh tráng lề Địch Yên là 1,5 tỷ đồng đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng; doanh thu năm 2021 của THT Nông nghiệp thương mại & dịch vụ Tiên Ngọc là 650 triệu đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng... “.

Đồng hành với chủ thể OCOP

Cho đến nay, Tiên Phước là huyện có số lượng sản phẩm OCOP được UBND tỉnh đánh giá và phân hạng đạt chuẩn 3 sao, 4 sao nhiều nhất trong toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khẳng định, khi triển khai chương trình OCOP vào năm 2018, huyện đã định vị rằng đây là chương trình mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất, nội dung quan trọng để thực hiện tiêu chí nông thôn mới về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Vì vậy, công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng, nguyên tắc thực hiện và chu trình OCOP được thực hiện thường xuyên bằng nhiều kênh, nhiều hình thức đến các cấp, ngành, địa phương và chủ thể sản xuất.

Các xã, ngành đã hướng dẫn cụ thể cho người dân, các chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức ngày hội thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp, qua đó tổ chức trưng bày và chấm chọn các sản phẩm tiền OCOP.

Các hội làng, đặc biệt hội lớn như hội làng Lộc Yên qua các năm hay hội thảo khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ làng cổ Lộc Yên, đều tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm tiền OCOP, với hơn 100 sản phẩm tham gia.

Ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, UBND huyện Tiên Phước cũng đã vào cuộc trong công tác tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho các chủ thể OCOP. Giai đoạn 2018 - 2020, Tiên Phước đã mời GS-TS. Trần Văn Ơn làm chuyên gia tư vấn và hợp đồng với Công ty DK Pharma tư vấn, hướng dẫn cụ thể cho các chủ thể đăng ký ý tưởng, hoàn chỉnh hồ sơ tham gia chương trình OCOP theo đúng quy trình.

Hằng năm, huyện đối ứng một phần kinh phí để hợp đồng đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ cho các sản phẩm đạt chất lượng. Khi có dịch bệnh, để đáp ứng việc triển khai chu trình OCOP đạt kết quả, huyện đã yêu cầu các ngành liên quan thường xuyên hướng dẫn, tư vấn, đôn đốc tiến độ thực hiện của các chủ thể; thành lập nhóm Zalo chung của chủ thể để trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và tham gia đánh giá phân hạng cấp huyện, cấp tỉnh đúng tiến độ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển sản phẩm OCOP ở Tiên Phước: Tìm hướng tạo sức cạnh tranh trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO