Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

NHÃ PHƯƠNG 04/03/2022 06:23

Quảng Nam sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Các chủ thể cần được hỗ trợ, tư vấn trong việc đưa máy móc và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Ảnh: N.P
Các chủ thể cần được hỗ trợ, tư vấn trong việc đưa máy móc và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Ảnh: N.P

Năm 2022, phấn đấu Có thêm 100 sản phẩm OCOP

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2021 toàn tỉnh có 91 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và 73 sản phẩm của 65 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 - 4 sao.

Qua 4 năm (2018 - 2021) thực hiện chương trình, Quảng Nam đã có tổng cộng 268 sản phẩm của 207 chủ thể đạt chuẩn OCOP (222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3 - 4 sao gồm Tiên Phước 32 sản phẩm, Thăng Bình 24 sản phẩm, Tam Kỳ 21 sản phẩm, Điện Bàn và Nam Trà My mỗi địa phương 18 sản phẩm.

“Thời gian tới, việc thực hiện Chương trình OCOP cần theo hướng vừa duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn, vừa tập trung hỗ trợ phát triển những sản phẩm mới nhưng không nên chạy theo thành tích. Các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho các chủ thể tham quan, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh liên kết với các trung tâm thương mại, chợ... nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn)

Dự kiến năm 2022, toàn tỉnh phát triển mới và nâng cấp khoảng 100 sản phẩm OCOP. Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, để Chương trình OCOP tiếp tục mang lại thành công lớn, các ngành, các cấp phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website “ocop.quangnam.gov.vn” để mọi người hiểu được OCOP là gì, vì sao phải làm OCOP, làm OCOP là làm như thế nào?

Ngành liên quan và chính quyền các địa phương cũng cần triển khai tốt công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất kinh doanh.

Đồng thời rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn; tư vấn, hướng dẫn đăng ký, đánh giá, xét chọn ý tưởng sản phẩm tham gia; thống nhất, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

“Quan trọng là phải tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tập huấn, phổ biến các quy định về bao bì, ghi nhãn mác hàng hóa; bảo vệ môi trường trong sản xuất; an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng thương hiệu; bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm; lập hồ sơ minh chứng; thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến” - ông Noa nói.

Cuối tháng 2.2022, lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) và Bình Đào (Thăng Bình) ký kết hợp tác tiêu thụ các sản phẩm OCOP có nguồn nguyên liệu chủ động. Ảnh: N.P
Cuối tháng 2.2022, lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) và Bình Đào (Thăng Bình) ký kết hợp tác tiêu thụ các sản phẩm OCOP có nguồn nguyên liệu chủ động. Ảnh: N.P

Phát triển sản phẩm theo chuỗi

Theo ông Trần Văn Noa, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, cần ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, trong đó chú trọng các sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo.

Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Phát triển những sản phẩm mới từ nhóm danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực Quảng Nam theo Quyết định số 2751 (ngày 29.9.2021) của UBND tỉnh.

Hạn chế việc đăng ký sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp. Sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không thực hiện.

“Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cần tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định, đẹp, phù hợp; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng...” - ông Trần Văn Noa chia sẻ.

Ông Ngô Tấn cho rằng, cần tập trung hướng dẫn, giới thiệu các đối tác tư vấn có năng lực, kinh nghiệm hỗ trợ các chủ thể sản xuất trong các lĩnh vực, hoạt động như: tư vấn phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; tư vấn tài chính, marketing; tư vấn phát triển hoàn thiện sản phẩm; tư vấn kỹ năng phân phối, xúc tiến thương mại; tư vấn quản trị doanh nghiệp; tư vấn kỹ thuật - công nghệ; tư vấn các dịch vụ hỗ trợ gồm thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác, thiết kế website, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đăng ký và công bố sản phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO