Sử dụng nguồn vốn ủy thác ưu đãi: Thay đổi nhận thức đồng bào Cơ Tu

CÔNG TÚ - TRẦN TUẤN 13/03/2022 15:31

(QNO) - Đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tiếp cận người nghèo và đối tượng chính sách ở địa phương nhanh chóng, hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đông Giang đã góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao nhận thức của đồng bào Cơ Tu.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Giang tiến hành giao dịch ở tận xã. Ảnh: CT
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Giang tiến hành giao dịch ở tận xã. Ảnh: CT

Bước ngoặt lớn

Đông Giang là một huyện miền núi cao của Quảng Nam, được chia tách ra từ huyện Hiên cũ. Địa phương có 10 xã và 1 thị trấn, địa hình núi non hiểm trở, đất trồng lúa nước ít không cung cấp đủ lương thực cho toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 52%; thành phần dân tộc chủ yếu là đồng bào Cơ Tu chiếm khoảng 74%, người Kinh chiếm 25%, còn lại là một số dân tộc khác từ miền Bắc di cư vào. Đời sống người dân khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, trình độ tổ chức canh tác còn lạc hậu, chưa biết tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang, phần nhiều bà con có tiền chỉ để dành vào chum, ché hoặc bỏ vào ống nứa cất giữ, chưa biết gửi ngân hàng để sinh lãi. Không ít hộ bỏ tiền vào ống nứa lâu ngày bị mối, con trùng làm hư hỏng. Ngược lại, họ thiếu tiền để đầu tư sản suất nhưng chưa biết vay vốn, hoặc xin vay ngân hàng nông nghiệp thì không được giải quyết do không có tài sản thế chấp. Chỉ có một số ít hộ được vay vốn qua sổ lương (lương bệnh binh, thương binh, lương hưu...).

Ngày 4.10.2002, Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ra đời là một cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2003, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Giang được thành lập, đi vào hoạt động trở thành bước ngoặt lớn đã đưa vốn ưu đãi của Chính phủ về khắp các buôn làng, về đến tận từng nhà hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, bà con phấn khởi vay vốn làm ăn, thi đua phát triển kinh tế như nuôi bò, heo cỏ, làm vườn, trồng keo nguyên liệu... Thay vì nuôi trâu chỉ để kéo gỗ phá rừng, nuôi bò, trâu thả rông không có chuồng trại, họ  chuyển sang nuôi bò sinh sản, bò thịt có chuồng trại, trồng cỏ cho bò ăn. Trước đây, họ phá rừng giờ thì giữ rừng, trồng rừng.

Phong trào vay vốn để nuôi bò sinh sản, nuôi heo cỏ lấy thịt, trồng keo nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu bản địa được đồng bào hưởng ứng mạnh mẽ. Theo thống kê, hộ nào có ít nhất cũng từ 1 - 2ha rừng keo nguyên liệu, 1-2 con bò sinh sản và heo cỏ. Nhiều hộ có mô hình chăn nuôi, trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, bà con có tiền xây cất nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị nghe nhìn; có điều kiện đầu tư cho con đi học.

Nâng cao nhận thức

Những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ để 250 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đem lại hiệu quả. Địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị xã hội, Ngân hàng CSXH, các xã, thị trấn giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn này. Việc tổ chức cho vay tiến hành theo định hướng phát triển của tỉnh, huyện; tập trung vào các mô hình kinh tế hiệu quả, cây, con chủ lực phù hợp. Với mô hình cho vay ủy thác qua tổ chức chính trị xã hội giám sát, quản lý của chính quyền, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Giang triển khai rất chặt chẽ, từ khâu ban đầu khảo sát đối tượng cho đến xét duyệt và giải ngân vốn.

Ông Bnướch Ngan (thôn A Duông, thị trấn Prao) vay vốn để trồng cây quế trên vườn đồi của gia đình. Ảnh: CT
Ông Bnướch Ngan (thôn A Duông, thị trấn Prao) vay vốn từ Ngân hàng CSXH để trồng 5ha cây quế trên vườn đồi của gia đình. Ảnh: CT

Ông Trần Quốc Tuấn cho biết, hàng năm, huyện dành một phần ngân sách để chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay và hỗ trợ kinh phí để đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Nguồn vốn ủy thác của tỉnh, huyện được ưu tiên cho vay các chương trình mà vốn Trung ương chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân như cho vay hỗ trợ và tạo việc làm, khuyến khích hộ đăng ký thoát nghèo, cận nghèo bền vững, cho vay theo các mô hình đặc thù. Chính vì vậy, nguồn vốn tuy còn nhỏ (tổng vốn ủy thác của tỉnh và huyện là 17,379 tỷ đồng) nhưng đã góp phần giải quyết khó khăn cho vay.

Theo thống kê, gần 25.240 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách đã được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển kinh tế, thoát nghèo, trồng mới hơn 12.000ha keo nguyên liệu; xây dựng 1.540 ngôi nhà, 1.540 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; tạo điều kiện cho hơn 754 lượt sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập. Qua vay vốn ưu đãi ủy thác, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào Cơ Tu đã thay đổi căn bản. Với mô hình đặc thù và cách làm hoàn toàn khác với các ngân hàng thương mại, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Giang đã trở thành một công cụ hữu hiệu thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo (giảm hơn 5%/năm), đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sử dụng nguồn vốn ủy thác ưu đãi: Thay đổi nhận thức đồng bào Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO