Tìm hướng tiêu thụ sản phẩm OCOP

MAI LINH - PHI THÀNH 08/09/2021 09:30

Thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Làm thế nào để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo tiêu thụ sản phẩm là vấn đề không đơn giản đối với nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đoàn công tác của tỉnh khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại Công ty Yến sào Đất Quảng. Ảnh: T.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đoàn công tác của tỉnh khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại Công ty Yến sào Đất Quảng. Ảnh: T.L

Sản lượng tụt giảm

Không khí làm việc tại cơ sở sản xuất chổi đót Nhất Tuấn ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) khá trầm lắng.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn - chủ cơ sở cho biết, từ nhiều tháng nay, sản phẩm không thể tiêu thụ bởi việc vận chuyển hàng hóa ra TP.Đà Nẵng và một số nơi khác gặp khó khăn do dịch Covid-19. Vì vậy, cơ sở đành phải cho hơn 50% số nhân công nghỉ việc và chỉ hoạt động cầm chừng, hiện tồn kho 8.000 sản phẩm.

Dù chổi đót của cơ sở được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, chất lượng và mẫu mã không ngừng cải tiến, đặt biệt là công tác quảng bá và xúc tiến thương mại được tăng cường nhưng trong cơn đại dịch này vẫn đang đối diện với nhiều thách thức.

Sản phẩm nước mắm của cơ sở Duy Trinh (xã Duy Hải, Duy Xuyên) cũng lâm vào tình cảnh tương tự, bởi nguồn nguyên liệu khan hiếm khi cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) và chợ cá Thanh Hà (Hội An) trở thành nơi bùng phát dịch Covid-19, trong khi đó bến cá An Lương luôn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch.

Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm dần bị thu hẹp, nhất là khi Hội An thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, rồi đến lượt Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố và nhiều nơi khác triển khai cấp bách các biện pháp chống dịch.

Ông Phạm Duy Trinh - chủ cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh cho hay, hiện nay bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 30.000 lít nước mắm các loại, đạt doanh thu gần 350 triệu đồng (giảm 25% so với trước đây). Nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì đương nhiên cơ sở buộc phải giảm năng lực sản xuất, thu hẹp thị trường tiêu thụ.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, toàn huyện hiện có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm chổi đót Nhất Tuấn, dầu mè đen xứ Quảng, bánh dẻo Lợi Phổ, bánh tráng Hải An, tượng điêu khắc gỗ Apsara và 3 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao là nước mắm Duy Trinh, khăn lụa Mã Châu, quạt gỗ Ngũ phụng tề phi.

Ông Tường nói: “Cũng như nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh khác, các chủ thể tham gia chương trình OCOP ở địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, buộc phải cắt giảm nhân công, nguồn nguyên liệu cung ứng bị đứt gãy, rồi sản phẩm ứ đọng, năng lực sản xuất giảm mạnh cùng nhiều kế hoạch phát triển thị trường phải “đóng băng”. Điều đáng nói, 2 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP được bố trí ở khu vực chợ Nam Phước và xã Duy Vinh đều vắng bóng khách hàng”.

Hướng nào vượt khó?

Trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 206 sản phẩm các loại của 171 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 179 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, phần lớn chủ thể sản phẩm OCOP ở Quảng Nam gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều thách thức cả trước mắt lẫn lâu dài, đòi hỏi chính quyền, các ngành liên quan và người sản xuất phải xây dựng nhiều kịch bản, chuẩn bị mọi phương án nhằm tránh bị động, giảm thiểu tối đa thiệt hại trước những biến động lớn trong thời gian đến...

Bà Trần Thị Yến - Phó Giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu (có sản phẩm lụa Mã Châu đạt chuẩn OCOP 4 sao) chia sẻ, đơn vị xác định phải tăng cường quảng bá trên các trang mạng, kênh bán hàng online và tìm kiếm thị trường mới để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Ngoài ra, công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động nghiên cứu phương thức cải tiến để không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, bao bì nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp trên phạm vi cả nước, thời gian gần đây nhiều chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống biến động của thị trường.

Đặc biệt không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín, tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, chủ động phân phối hàng hóa hợp lý, đa dạng kênh tiêu thụ...

“Bên cạnh việc đưa những sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, thời gian qua nhiều chủ thể cũng nỗ lực triển khai việc bán hàng trên các trang mạng như zalo, facebook... để có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành nông nghiệp và các đơn vị, địa phương liên quan sẽ tích cực phối hợp hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm vào tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, điểm du lịch...” - ông Noa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng tiêu thụ sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO