Trà khổ qua rừng Đại Lộc Phát

TRIÊU NHAN 27/06/2022 09:41

Những năm qua, anh Hứa Đại Xuân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đại Lộc Phát (xã Đại Tân, Đại Lộc) chủ động liên kết với một số hộ dân gieo trồng giống khổ qua rừng, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất trà khổ qua rừng sấy khô và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Trà khổ qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát. Ảnh: H.LIÊN
Trà khổ qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát. Ảnh: H.LIÊN

Khổ qua rừng (còn gọi mướp đắng rừng) là loại dây leo mọc hoang miền núi, nay đã được trồng rộng rãi để sử dụng trong gia đình. Trái khổ qua rừng có vị đắng đặc trưng, được sử dụng làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày như khổ qua rừng nấu canh, xào trứng, muối chua... Đây là món ăn thanh nhiệt, mát gan, giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường...

Khổ qua rừng xắt lát với kích thước mỗi lát chừng 2mm phơi hoặc sấy khô có thể dùng làm trà, hãm với nước sôi để uống hoặc sắc uống hằng ngày có công dụng như trà thanh nhiệt, thực phẩm chức năng hoặc thuốc điều trị bệnh, song việc sử dụng phải có liều lượng và theo hướng dẫn cụ thể.

Từ công dụng, đặc tính của khổ qua rừng, anh Hứa Đại Xuân đã chủ động liên kết với một số hộ dân xã Đại Tân trồng khoảng 0,5ha khổ qua rừng, mỗi năm trồng được 1 vụ, thu về 1,5 tấn trái để làm trà. Sản phẩm trà khổ qua rừng sấy khô của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Đại Lộc Phát đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Năng suất của cây khổ qua rừng khá cao và quá trình trồng trọt, chăm sóc đều theo quy trình VietGap, không có thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi héc ta khổ qua rừng cho thu nhập tầm 3 tấn quả. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng hàng tiêu thụ không cao so với bình thường nên HTX thu hẹp diện tích trồng từ 1ha còn 0,5ha.

HTX Nông nghiệp sạch Đại Lộc Phát hiện đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với một số hộ dân trồng khổ qua rừng ở Đại Tân, bao tiêu cho nông dân với giá mỗi ký khổ qua là 20 nghìn đồng. HTX chủ động cung ứng giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng và phòng trừ dịch hại cho cây trồng đến người dân.

Ước tính, mỗi sào khổ qua rừng, người trồng thu nhập 10 triệu đồng, lại đỡ tốn công chăm sóc, không phải lo đầu ra. HTX chỉ mới đóng gói trà thủ công, đang nỗ lực đầu tư máy móc, thiết bị để hoàn thiện sản phẩm trà túi lọc. So với trà khổ qua rừng sấy khô, trà khổ qua rừng túi lọc sử dụng thuận tiện hơn.

HTX đang sản xuất thử nghiệm, quảng bá sản phẩm đến các cơ sở, siêu thị, cửa hàng ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ của sản phẩm chưa mạnh, sản phẩm còn đơn lẻ, chưa đa dạng.

HTX Đại Lộc Phát đang làm việc với các siêu thị để ký gửi sản phẩm, đẩy mạnh khâu quảng bá, phát triển thương hiệu. Mỗi gói trà khổ qua rừng sấy khô được đóng gói 100gram, giá bán lẻ 60 nghìn đồng; còn mỗi gói trà túi lọc có 20 túi, mỗi túi 2gram, sản phẩm đang được sản xuất thử nghiệm, quảng bá đến khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trà khổ qua rừng Đại Lộc Phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO