Tránh dàn trải trong phát triển sản phẩm OCOP

MAI LINH 08/04/2021 05:58

Trong 5 năm tới, Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP theo chuỗi liên kết để gia tăng giá trị và tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Huyện Hiệp Đức tích cực hỗ trợ người dân phát triển mạnh mô hình trồng cây ăn quả để xây dựng các sản phẩm OCOP theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Ảnh: M.L
Huyện Hiệp Đức tích cực hỗ trợ người dân phát triển mạnh mô hình trồng cây ăn quả để xây dựng các sản phẩm OCOP theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Ảnh: M.L

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam sẽ củng cố, nâng cấp 206 sản phẩm OCOP đã có từ năm 2018 - 2020. Đồng thời phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm, trong đó tập trung đa dạng hóa, chế biến sâu theo chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và sản phẩm thế mạnh khác.

Đến năm 2025, mỗi xã có tối thiểu 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; toàn tỉnh có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao và phát triển theo chuỗi giá trị với sự liên kết chặt chẽ, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.

Trong 5 năm tới, bên cạnh củng cố, nâng cấp ít nhất 50 tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP đã có thì Quảng Nam phấn đấu phát triển mới ít nhất 80 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP với khoảng 30 doanh nghiệp, 50 hợp tác xã.

“Vấn đề đáng quan tâm nhất là những năm tới cần tập trung hỗ trợ chủ thể nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ để doanh thu của sản phẩm OCOP sau khi được công nhận tăng hàng năm. Theo dự tính, đến năm 2025 doanh số bán hàng OCOP trên toàn tỉnh đạt hơn 300 tỷ đồng, gấp khoảng 4 lần so với năm 2020” - ông Tấn nói.

Cũng theo ông Ngô Tấn, vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu có tính chất quyết định đến kết quả thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời chú trọng công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn nội dung liên quan cho cán bộ OCOP các cấp và các chủ thể sản xuất. Qua đó để mọi người hiểu được “OCOP là gì, tại sao phải làm OCOP, làm OCOP như thế nào...”.

PGS-TS. Trần Văn Ơn - Trưởng Tư vấn chương trình OCOP của tỉnh cho rằng, hầu hết sản phẩm OCOP ở Quảng Nam là những sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của các địa phương và được tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa, dưới sự giám sát, kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng của cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, hạn chế lớn của chủ thể nằm ở việc quảng bá sản phẩm. Từ thực tế đó, nhất thiết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, thời gian tới cần mời chuyên gia thật sự có kinh nghiệm, uy tín và hiểu biết thực tế để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP. Từ đó làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới về phát triển kinh tế khu vực nông thôn của các cấp chính quyền địa phương và chủ thể OCOP. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và các chủ thể tham gia OCOP.

“Đầu tư cho OCOP cần tránh sự dàn trải, nên tập trung cho phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết để gia tăng giá trị và tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương” - ông Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tránh dàn trải trong phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO