Trợ sức cho sản phẩm "made in" Phú Ninh

H.ĐẠO - Q.VƯƠNG 22/11/2022 08:03

Nhiều chủ thể, cá nhân thời gian qua đã nỗ lực tìm đường đi mới cho các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP ở Phú Ninh. Đồng thời, chính quyền đang trợ lực để những sản phẩm “made in” Phú Ninh vươn tầm cao mới.

Phú Ninh đang khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp. Ảnh: Đ.V
Phú Ninh đang khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp. Ảnh: Đ.V

Dám nghĩ, dám làm

Ra trường và được tuyển vào làm công tác đoàn ở UBND xã, đoàn viên Phan Văn Minh (xã Tam Lộc, Phú Ninh) luôn trăn trở với mô hình phù hợp điều kiện tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình.

Sau nhiều lần suy tính, Minh thấy gia đình mình thuận lợi cho việc chăn nuôi, anh bắt đầu tìm hiểu chăn nuôi heo theo quy mô lớn khép kín, an toàn và bảo vệ môi trường. Năm 2018, Minh vay vốn từ ngân hàng, mượn thêm từ bạn bè, được hơn 2 tỷ đồng, tiến hành xây dựng trang trại trên phần diện tích của gia đình hơn 1.000m2.

“Nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với mong muốn khởi nghiệp có mô hình dấu ấn ở địa phương cũng như tạo thu nhập khá cho gia đình nên tôi đã định hướng khởi nghiệp bằng mô hình nuôi heo” - anh Minh nói.

Theo bà Lê Thị Bích Luyện - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Phú Ninh, giai đoạn 2022 - 2027, Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Phú Ninh sẽ hình thành và phát triển quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện, kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. Thường xuyên tổ chức ngày hội khởi nghiệp hằng năm theo chủ đề; phát triển từ 3 - 5 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chương trình OCOP và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, xây dựng được 2 - 3 chuyên gia tư vấn.

Trại heo của anh Minh là điển hình nuôi theo quy mô công nghiệp, trong điều kiện chuồng kín, chủ động kiểm soát nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, chất thải được xử lý triệt để. Do vậy giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo heo phát triển tốt, năng suất cao.

Đồng thời hạn chế sử dụng thuốc thú y, không dùng chất tạo nạc, chất cấm. Đến nay trang trại của anh Minh mỗi năm xuất bán 3 lứa heo thịt, bình quân mỗi lứa khoảng 1.000 con. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng/lứa.

Tương tự, thanh niên Phạm Tấn Thương (thôn Trung Đàn, xã Tam Đại) phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình nuôi thỏ. Tình cờ anh Thương đọc được mô hình nuôi thỏ lấy thịt trên mạng và tìm hiểu kiến thức liên quan.

Trải qua 2 năm thăng trầm, đến nay anh Thương đã thành công. Gia trại của anh hiện có gần 1.000 con thỏ, cung cấp thỏ thịt, thỏ giống các loại, cho thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng.

“Ban đầu tôi chỉ mua 2 con thỏ về nuôi làm cảnh, sau đó thấy thỏ dễ nuôi nên mua thêm. Dần dần thấy đam mê vì thỏ có thể ăn nhiều loại thức ăn, không tốn nhiều thời gian, nên tôi bàn với ba mẹ xây thêm gia trại nhỏ để nuôi thỏ thịt và mở rộng quy mô đến hiện nay” - Thương kể.

Liên kết sản xuất để bền vững

Để đảm bảo ổn định đầu ra, Phan Văn Minh đã ký hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Theo đó, công ty sẽ đầu tư heo giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Còn anh Minh chỉ cần đảm bảo diện tích mặt bằng, cơ sở hạ tầng và công nuôi.

“Việc hợp tác như thế này giúp hai bên cùng có lợi. Người nuôi vừa có cơ hội tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vừa yên tâm sản xuất mà không phải lo giá thị trường biến động” - anh Minh nói.

Sau những thành công, Minh đã nâng quy mô trang trại lên hợp tác xã mang tên Tân Lộc Phát do chính anh làm giám đốc. Hợp tác xã của anh tạo công ăn việc làm cho 5 công nhân trở lên, lao động là thanh niên địa phương với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

UBND huyện Phú Ninh cho biết, hiện nay, địa phương đã có các sản phẩm sau khi được đánh giá công nhận đã phát triển mạnh và có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bao gồm: mỳ khô Năm Nhơn, bánh đậu xanh Mỹ Khánh, bánh đậu xanh Hương, khổ qua Phú Mỹ, trà sâm Ngọc Linh, trà nấm lim xanh, chả bò cô Hiển, mật ong dú Kỳ Tân, dầu thực vật An Khang...

“Chúng tôi đang hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký, tham gia giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, các chợ; kết nối, hỗ trợ cho chủ thể bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Postmart, Voso, sanpham.quangnam.gov.vn.

Đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn các địa phương, chủ thể OCOP các nội dung về phát triển thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý... để các dự án khởi nghiệp, chủ thể OCOP có thể vươn tầm trong tương lai” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh Trịnh Ngọc An cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ sức cho sản phẩm "made in" Phú Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO