Lâm nghiệp

Tiên Phước phát triển kinh tế vườn bền vững

DIỄM LỆ 28/08/2024 08:32

Kinh tế vườn Tiên Phước đã được định vị mang lại giá trị chủ yếu trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Mô hình kinh tế vườn được nhân dân đầu tư cùng với chính sách hỗ trợ bền vững của Nhà nước, đã cộng lực tạo ra giá trị ngày càng cao hơn.

tp1.jpg
Người dân Tiên Phước nhiều năm qua đã phát triển mạnh kinh tế vườn. Ảnh: L.D

Hiệu quả kinh tế vườn - rừng kết hợp

Với lợi thế sống tại vùng đất gò đồi, vợ chồng ông Lâm Quang Bình (thôn 5, xã Tiên Hiệp) đã chọn cho gia đình hướng phát triển kinh tế bằng trồng rừng và mô hình trồng chuối, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Hiện ông Bình đã phát triển được 20ha đất vườn - rừng kết hợp.

Khu đất Gò Mua bằng phẳng rộng hơn 2ha gần suối Nà Thao với trữ lượng nước dồi dào được ông chọn để cải tạo trồng chuối, cau và cây ăn quả kết hợp chăn nuôi heo, cá. Riêng rừng keo đã tạo cho gia đình nguồn thu từ 300 - 400 triệu đồng sau một mùa khai thác.

Ngoài 2ha gần suối Nà Thao, ông Bình cũng dành hơn 2ha trồng hơn 1.000 cây cau, 300 cây cam, 200 cây bưởi và gần 50 cây sầu riêng, măng cụt các loại. Các loại cây trồng này được vợ chồng ông chăm sóc thường xuyên nên có điều kiện phát triển xanh tốt.

Do diện tích trồng chuối lớn, nên để đảm bảo đầu ra ổn định, ông hợp đồng với HTX Nông nghiệp xanh Đất Quảng có trụ sở trên địa bàn xã Tiên Hiệp thu mua chuối tại vườn thường xuyên, với giá dao động từ 5 - 6 nghìn đồng/kg.

Ông Bình cho biết: “Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi đầu tư trồng chuối lùn và chuối nai trước, sau đó đưa các loại cây ăn quả xen vào. Để đảm bảo lượng nước tưới cho khu vườn, tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng hệ thống bơm nước từ suối Nà Thao và bắc hệ thống phun tưới tiết kiệm khắp khu vườn. Heo, gà, cá được nuôi cho thu nhập thường xuyên trong năm nên có thể ổn định cuộc sống”.

Tại thôn 3 (xã Tiên Sơn, Tiên Phước), mô hình kinh tế của ông Huỳnh Văn Hiền cũng chứng minh giá trị bền vững từ kinh tế vườn mang lại trên mảnh đất này. Từ khu vườn tạp của gia đình khoảng 3ha, ông Hiền đã cải tạo, phân loại thành từng phân khu trồng cây, nuôi cá, chăn nuôi gia súc.

Ông Hiền nói: “Ban đầu gia đình tôi chỉ trồng thử nghiệm 100 cây gồm 2 loại măng cụt và sầu riêng. Qua quá trình chăm sóc nhận thấy cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và cách chăm bón của quê mình, nên gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng đầu tư.

Đến nay, trên diện tích hơn 2ha đất vườn, gia đình tôi đã trồng được 70 cây sầu riêng và hơn 100 cây măng cụt, đã cho thu hoạch đến nay được hơn 10 năm. Sau đó có Đề án 03 của huyện, nay là Nghị quyết 35 của tỉnh, tôi tiếp tục trồng thêm 100 cây sầu riêng và măng cụt đã được hơn 3 năm”.

Ông Hiền ước tính, mỗi năm từ nguồn thu các loại cây trái, cùng với chăn nuôi, ông thu về khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón. Nguồn thu này đủ để ông chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Hướng đến sản xuất hàng hóa

Tiên Phước là huyện có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại với nhiều cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Vườn, trang trại ở Tiên Phước phát triển theo hướng bền vững, phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái ở vùng đất này. Sự đồng hành của chính quyền, nhân dân địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp và một ngành nông nghiệp hữu cơ an toàn, có giá trị cao. Diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng mạnh.

Đến nay, toàn huyện có khoảng 450 vườn xanh - sạch đẹp - hiệu quả, 20 trang trại trồng trọt đạt tiêu chí, đã công nhận 220 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, làm vườn là nghề truyền thống của người dân Tiên Phước. Qua nhiều thời kỳ, vườn được cải tạo, nâng cấp, tu bổ.

Vườn tại đây cũng được cơ cấu nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo kiểu vườn sinh thái đa cây, đa con, đa tầng, trong đó có những loại cây đặc sản như tiêu, lòn bon, thanh trà, dó, sầu riêng, măng cụt…. Vườn tại Tiên Phước nằm gọn trong không gian làng, mang đặc trưng của làng quê xứ Quảng...

Đặc biệt, trái cây Tiên Phước đã được nhiều hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX chế biến thành sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thị trường ưa chuộng.

Việc các HTX, doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình thu mua, chế biến sản phẩm từ cây trái Tiên Phước đã tạo ra nền sản xuất hàng hóa gắn với kinh tế vườn.

Các sản phẩm OCOP đã được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp Tiên Phước như rượu vang lòn bon của HTX Nông nghiệp Phước Tuyên; các dòng sản phẩm mít, chuối, nghệ trắng của HTX QNa Farm; bộ sản phẩm trầm hương của HTX Trầm hương Tiên Kỳ; các sản phẩm từ mo cau của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Tiên Phước.

Đây là những lợi thế để thu hút khách du lịch, là thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, một hướng đi hiệu quả, phù hợp để phát triển nông thôn miền núi của Tiên Phước hiện nay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiên Phước phát triển kinh tế vườn bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO