(QNO) - Cho đến nay, Tiên Phước là huyện có số lượng sản phẩm OCOP được UBND tỉnh đánh giá và phân hạng đạt chuẩn 3 sao, 4 sao nhiều nhất trong toàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP của Tiên Phước đều ghi dấu ấn bởi sản phẩm gắn liền với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài.
Gắn liền vùng trồng
Tiên Phước đã hình thành vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch và đặc điểm thổ nhưỡng đất đai, khí hậu, địa hình vùng đồi núi với các sản phẩm chủ lực như vùng thanh trà, vùng lòn bon, vùng măng cụt, vùng sầu riêng, vùng cam, vùng chuối, vùng cau, vùng trồng rừng gỗ lớn, vùng cây dược liệu, vùng dó bầu, vùng chăn nuôi bò, vùng chăn nuôi heo, vùng chăn nuôi gà... Vùng trồng tập trung giúp cho việc sản xuất sản phẩm OCOP của Tiên Phước gặp nhiều thuận lợi về nguyên liệu.
Bà Phạm Thị Mỵ Nương - Giám đốc Hợp tác xã QNA FARM (xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước) cho biết, các sản phẩm của hợp tác xã từ nghệ, gừng, mật ong, nấm lim xanh, khổ qua rừng, hồ tiêu rừng đã có mặt ở hầu khắp các đại lý kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.
Đối với vùng nguyên liệu, chị Nương đã liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tiên Ngọc để cung ứng nghệ trắng, chuối xanh, gừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm. HTX cung cấp giống cho bà con nông dân để họ trồng trong vườn nhà, trên các quả đồi.
Anh Trần Văn Lập (xã Tiên Ngọc) cho hay: "Đầu ra luôn là bài toán khó cho nhà nông nên khi được Hợp tác xã QNA FARM bao tiêu đã giúp chúng tôi yên tâm trồng trọt, không lo chuyện được mùa mất giá". Đó là lý do anh Lập nhận từ Hợp tác xã QNA FARM 550 gốc chuối lùn để trồng trong vườn. Và hiện nay, vườn chuối được chăm sóc cẩn thận nên lên xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
"Chuối mà HTX mua từ bà con nhân dân có chuối lùn và chuối mốc, cả chuối xanh và chuối chín, được chế biến thành sản phẩm bột chuối xanh và snack chuối xanh, chuối sấy giòn… Các sản phẩm của Hợp tác xã QNA FARM được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên tại xưởng sản xuất" - bà Nương cho biết.
[VIDEO] - Bà Phạm Thị Mỵ Nương - Giám đốc Hợp tác xã QNA FARM:
Đồng hành cùng chủ thể OCOP
Theo Ban chỉ đạo thực hiện Đề án OCOP, Tiên Phước tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện đã tập trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn như Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 12/4/2021 của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021 - 2025…
[VIDEO] - Các cơ chế, chính sách hợp lý giúp kinh tế nông nghiệp của Tiên Phước phát triển mạnh, bền vững:
Đặc biệt, Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên hỗ trợ phát triển các mô hình HTX chuyên ngành gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương hỗ trợ cho các chủ thể nhiều trong việc sản xuất sản phẩm OCOP.
"Trong quá trình thực hiện chương trình OCOP thì Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, các chính sách để thực hiện, định hướng quy hoạch, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Định hướng của Tiên Phước là phát triển các sản phẩm OCOP phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, nhằm đảm bảo tính bền vững, liên tục" - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh nói.
Thực hiện đồng bộ cá giải pháp hỗ trợ chủ thể OCOP, Tiên Phước đã đạt kết quả tích cực, đã có 35 sản phẩm OCOP đạt hạng sao cấp tỉnh, trong đó 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Theo ông Nguyễn Hùng Anh nhằm giúp các chủ thể hoàn thiện, nâng chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, huyện Tiên Phước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực từ mặt bằng, mua sắm máy móc, xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh...
Và chính các chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
14/14 xã đã xây dựng được các chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm OCOP được UBND huyện phê duyệt đang triển khai đạt được kết quả nhất định góp phần phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện, đem lại việc làm và thu nhập cho nhân dân. Mỗi tổ hợp tác, hợp tác xã đều nỗ lực đưa sản phẩm đến với người tiêu dung bằng nhiều kênh bán hàng, quảng bá, xúc tiến sản phẩm.
"Mới đây nhất, UBND huyện Tiên Phước đã cùng với Sở Công thương kết nối với Tập đoàn Central Retail nhằm đưa sản phâm OCOP Tiên Phước vào hệ thống siêu thị lớn này. Và Tiên Phước đặc biệt chú trọng nâng cấp sản phẩm đặc sản đặc trưng chủ lực có giá trị kinh tế đã có, theo 2 nhóm sản sản phẩm chính, một là nhóm sản phẩm xuất khẩu, 2 là nhóm sản phẩm tiêu thụ trong nước để phát triển" - ông Nguyễn Hùng Anh nói.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước: