Lâm nghiệp

Tiên Phước trồng rừng phòng hộ không đúng thiết kế

NGÂN THÀNH 26/04/2024 18:35

(QNO) - Huyện Tiên Phước được cấp hơn 1,1 tỷ đồng trồng 56,5ha rừng phòng hộ, song thực hiện không đúng thiết kế, dẫn đến nhiều khu vực không có cây, rừng trồng đạt kết quả thấp.

Dự án trồng rừng phòng hộ

Ngày 26/4, Sở NN&PTNT cho biết đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tiên Phước và Ban Quản lý (BQL) dự án trồng rừng huyện triển khai thực hiện một số nhiệm vụ đối với các công trình trồng rừng phòng hộ thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng do BQL dự án trồng rừng huyện làm chủ đầu tư.

dji_0494.jpg
Khu vực rừng trồng ở xã Tiên Lãnh bị cây keo bao phủ. Ảnh: N.T

Trước đó năm 2020, BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước có Tờ trình số 55 đề nghị phê duyệt Hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình trồng rừng phòng hộ thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng năm 2020. Sở NN&PTNT phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng phòng hộ của BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng.

[VIDEO] - Rừng trồng cây lim xanh, sao đen ở xã Tiên Lãnh bị cây keo bao phủ nên còi cọc, chết:

Dự án trồng 30ha cây bản địa là lim xanh và sao đen (tỷ lệ trồng 60% cây sao đen và 40% cây lim xanh hỗn giao theo băng) với mật độ 1.333 cây/ha, tại xã Tiên Cảnh. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 585 triệu đồng, thời gian trồng rừng năm 2020 và 3 năm chăm sóc từ 2021 đến 2023.

Tiếp tục, năm 2021, BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước có tờ trình số 45 đề nghị phê duyệt Hồ sơ thiết kế dự toán công trình trồng rừng phòng hộ năm 2021. Sở NN&PTNT quyết định trồng 26,5ha.

Trong đó, xã Tiên Ngọc 8,5ha và Tiên Lãnh 18ha với kinh 517 triệu đồng, trồng cây bản địa là lim xanh và sao đen (tỷ lệ trồng 60% cây sao đen và 40% cây lim xanh hỗn giao theo băng). Thời gian thực hiện trồng rừng năm 2021 và 3 năm chăm sóc từ 2022 đến 2024.

Tổng hai dự án trồng rừng phòng hộ nói trên có diện tích 56,5ha. Mục tiêu của dự án là tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, lũ lụt. Rừng trồng góp phần xác định quyền sở hữu đất nhà nước để người dân không được xâm lấn lấy đất trồng cây gỗ keo.

20240226_104244.jpg
Một khu vực rừng trồng ở xã Tiên Lãnh bị cây keo phát triển, phía dưới không có cây lim xanh, sao đen. Ảnh: N.T

Nhiều héc ta rừng "trắng" cây trồng phòng hộ

Cuối tháng 2/2024, người dân xã Tiên Lãnh phản ánh rừng trồng không đúng thiết kế. Sau 2 năm trồng, cây chỉ cao 30-60cm, tỷ lệ sống ít. Cây giống chỉ được trồng trong lỗ nhỏ, kích thước chưa được 20cm nên cằn còi, phát triển kém. Đường băng không được xử lý thực bì khiến các loại cây khác phát triển mạnh, chèn ép cây lim xanh và sao đen. Nhiều cây giống bị vứt bỏ, cách trồng không đúng với phương án phê duyệt.

20240226_104836-0-.jpg
Gần 100 cây sao đen còn nguyên trong bầu được vận chuyển lên khu vực trồng rừng xã Tiên Lanh nhưng vứt bỏ lại. Ảnh: N.T

Nhiều người dân bức xúc bởi dự án được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng không đem lại hiệu quả. Nhiều cây giống bị vứt bỏ, cách trồng không đúng với phương án phê duyệt.

"Rừng trồng lim xanh và sao đen nhưng nhìn vào ai cũng nghĩ đây là rừng keo chứ không biết đó là rừng trồng cây bản địa. Cây gỗ keo cao lớn, còn lim xanh, sao đen ở dưới bị che ánh sáng, thiếu chất dinh dưỡng nên còi cọc, chết" - một người dân nói.

20240226_111626.jpg
Cây sao đen sau khi trồng không được chăm sóc bị chết ở rừng trồng xã Tiên Lãnh. Ảnh: N.T

Đầu tháng 3/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước, UBND các xã Tiên cảnh, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc và Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường trồng rừng thuộc dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Tiên Phước.

Tại xã Tiên Cảnh, đoàn tổ chức kiểm tra 4/9 lô gồm lô 4, 5, 6, 9 tương ứng diện tích 13,1ha/30ha. Kết quả với lô thiết kế trồng rừng số 4 có diện tích 3,6ha không phát hiện cây trồng chính là lim xanh và sao đen; các điểm kiểm tra còn lại trên lô có cây trồng chính. Tuy nhiên tỷ lệ cây sống thấp, bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 33,1% so với mật độ thiết kế.

20240226_105735.jpg
Cây sao đen được trồng trong lỗ nhỏ, kích thước chưa được 20cm nên cằn còi, phát triển kém. Ảnh: N.T

Tại lô số 6 có diện tích thiết kế 3,4ha, trong lô có khoảng 0,7ha cây tự nhiên đang phục hồi sinh trưởng phát triển tốt và không phát hiện cây trồng chính. Các điểm kiểm tra còn lại trên lô có cây trồng chính nhưng tỷ lệ cây sống tương đối thấp, bình quân tỷ lệ sống 52,5% so với mật độ thiết kế.

Lô số 5 với diện tích 4,3ha, đoàn ghi nhận có cây trồng chính, tuy nhiên tỷ lệ sống tương đối thấp, với 55,5% so với mật độ thiết kế. Riêng lô số 9 có diện tích thiết kế 1,7ha, đoàn ghi nhận có cây trồng chính, tỷ lệ cao hơn, đạt 76,5% so với mật độ thiết kế.

20240226_112004.jpg
Rừng trồng phòng hộ nhưng thưa thớt cây lim xanh và sao đen. Ảnh: N.T

Tại xã Tiên Ngọc, đoàn kiểm tra 2/3 lô, gồm lô 1, 2 tương ứng diện tích 5,3/8,5ha. Kết quả lô số 1, diện 2,5ha thì cây keo hiện đang sinh trưởng và phát triển rất tốt với chiều cao khoảng 3,5m, đường kính 3-7cm, mật độ khoảng trên 4.000 cây/ha. Tại các điểm kiểm tra còn lại, đoàn ghi nhận có cây trồng chính; bình quân tỷ lệ sống của lô rừng trồng là 57% so với mật độ thiết kế.

Lô thiết kế trồng rừng số 2 có diện tích 2,8ha, cây keo hiện đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, chiều cao khoảng 3,5m, đường kính 3-7cm, mật độ khoảng trên 4.000 cây/ha. Tại các điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có cây trồng chính, bình quân tỷ lệ sống 61,5% so với mật độ thiết kế.

Tại xã Tiên Lãnh, đoàn kiểm tra 2/4 lô gồm lô 4, 6 tương ứng diện tích 7,9ha/18ha. Lô trồng rừng số 4 có diện tích gần 4ha, cây keo hiện đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, chiều cao khoảng 3,5-4m, mật độ khoảng trên 5.000 cây/ha. Trên rừng trồng có cây trồng chính nhưng tỷ lệ cây sống thấp, đạt 9% so với mật độ thiết kế.

20240226_110106-0-.jpg
Hai cây được trồng chung một hố. Ảnh: Ngân Thành

Lô trồng rừng số 4 có diện tích 4ha, cây keo hiện có chiều cao khoảng 3,5-4m, đường kính 3-7cm, mật độ khoảng trên 5.000 cây/ha. Tại các điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có cây trồng chính; tuy nhiên, tỷ lệ cây sống thấp. Bình quân là 10,5% so với mật độ thiết kế.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước cho rằng trong năm 2022, đơn vị không tổ chức chăm sóc rừng đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Do đó, thực bì phát triển nhanh, chèn ép cây trồng, làm cho cây chậm phát triển và chết.

Chưa thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế trồng và chăm sóc rừng trồng

Đoàn kiểm tra đánh giá đơn vị chưa thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế trồng và chăm sóc rừng trồng đã được Sở NN&PTNT phê duyệt. Cụ thể trong quá trình chăm sóc, chưa loại bỏ triệt để cây keo trong diện tích thiết kế trồng rừng một số lô có mật độ cây keo khoảng 4.000 cây/ha đến 5.000 cây/ha, cao khoảng 3,5m, đường kính 3-7cm. Chủ đầu tư không thực hiện chăm sóc rừng trồng theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt năm 2022, không thực hiện chăm sóc đối với 2 công trình nêu trên mặc dù tỉnh đã bố trí kinh phí để thực hiện chăm sóc.

Đoàn kiểm tra cho hay tỷ lệ sống cả 2 công trình thực hiện trong năm 2020 và 2021 có tỷ lệ cây sống không đảm bảo quy định, trong đó có một số lô trồng rừng có tỷ lệ cây sống dưới 50% so với mật độ thiết kế.

20240226_110304.jpg
Một vạt rừng lớn chỉ có một cây sao đen được trồng. Ảnh: Ngân Thành

Khắc phục trồng lại rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khu vực thiết kế trồng rừng có nhiều trâu, bò của người dân thả rong dẫm đạp, làm cho cây trồng hư hại. Việc rừng trồng không được chăm sóc liên tục tạo điều kiện cho thực bì phát triển nhanh, chèn lấn cây trồng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển cây trồng chính.

Về biện pháp khắc phục, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo BQL dự án trồng rừng kiểm tra toàn bộ diện tích rừng trồng thuộc dự án để đánh giá chất lượng rừng trồng theo từng lô, có giải pháp trồng bổ sung, chăm sóc để đạt tiêu chí thành rừng.

dji_0485.jpg
Khu vực rừng trồng ở xã Tiên Lãnh bị cây keo bảo phủ, Sở NN&PTNT đề nghị loại bỏ cây Keo trong diện tích trồng rừng để tạo không gian, dinh dưỡng cho cây trồng chính phát triển. Ảnh: N.T

Theo đó đối với các lô rừng chưa trồng hết diện tích so với hồ sơ thiết kế, phối hợp với hộ nhận thi công tổ chức trồng bổ sung để đảm bảo theo diện tích thiết kế đã được phê duyệt. Các lô rừng có tỷ lệ cây sống thấp, dưới 85% khẩn trương tổ chức trồng dặm ngay trong đầu mùa vụ trồng rừng năm 2024 để đảm bảo tỷ lệ sống của rừng trồng theo quy định.

“Trong quá trình chăm sóc, kiên quyết loại bỏ cây keo trong diện tích trồng rừng để tạo không gian, dinh dưỡng cho cây trồng chính phát triển. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên tuyền, yêu cầu người dân không chăn, thả trâu, bò trên diện tích trồng rừng; tháo dỡ các lán trại bò ra khỏi diện tích trồng rừng” - văn bản nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiên Phước trồng rừng phòng hộ không đúng thiết kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO