Tiếng gọi từ trùng khơi

THÀNH CÔNG 24/06/2021 06:13

Ông nhớ biển. Quá nửa đời lênh đênh trên sóng nước, trở về sau khi bị Trung Quốc bắt giữ ngoài Biển Đông, thoát chết trong trận bão Chan Chu lịch sử, chừng như đã nếm đủ những nhọc nhằn của nghề, nhưng ông vẫn bám biển. Chỉ đến khi sức khỏe không còn cho phép sống cuộc đời tự do trên đỉnh sóng, ông trao gửi ước mơ lại cho con trai mình…

Ông Nguyễn Văn Thịnh là một ngư dân dạn dày sóng gió. Ảnh: T.C
Ông Nguyễn Văn Thịnh là một ngư dân dạn dày sóng gió. Ảnh: T.C

Hải trình bất trắc

Ông là Nguyễn Văn Thịnh (68 tuổi, thôn Đông Bình, xã Tam Giang, Núi Thành) - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá của xã Tam Giang; 18 tuổi, ông đã bước xuống tàu theo cha lênh đênh trên biển. Hơn 40 năm bám biển, ngư trường truyền thống của ông là ở Hoàng Sa.

“Năm 2000, tôi có chiếc tàu nhỏ câu mực, dắt díu thêm hai đứa con trai lên tàu cùng với 18 ngư dân khác đi bạn, đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Hôm đó khoảng 10 giờ sáng, ngó tọa độ, rõ ràng là biển của mình, không biết tàu Trung Quốc từ đâu tới đuổi bắt. Mình cũng khôn, mình cho tàu chạy vòng quanh, tàu nó lớn, khó xoay trở, không thể linh hoạt bằng mình. Nó đuổi từ trưa đến 4 giờ chiều, rồi nó bắn 6 mũi đạn găm trên tàu, may không ai chết.

Tôi ngồi cầm vô lăng mà ghế trên tàu nó lột luôn, vì máy nóng. Rồi bị bắt, bị đưa vào đảo của nó. Tụi Trung Quốc lột sạch ngư lưới cụ, bộ đàm định vị, cá mực chi nó lấy hết, mấy cái đồng hồ của người đi bạn nó cũng lấy. Liếc thấy phía trên tay lái tàu còn có chiếc la bàn nó không gỡ, tôi đoán nó sẽ thả về. Nó thả về sau khi mình ăn hai trận đòn nhừ tử, từ biển vô tới bờ” - ông kể.

Tàu QNa-90839TS từng bị hỏng máy trôi dạt, được lai dắt vào Khánh Hòa vào năm 2018. Ảnh: H.A
Tàu QNa-90839TS từng bị hỏng máy trôi dạt, được lai dắt vào Khánh Hòa vào năm 2018. Ảnh: H.A

Mất đứt hai chuyến biển trong mùa đánh bắt rộ nhất năm, ngày đó, ông Thịnh chạy vạy vay mượn sắm lại thúng, giàn phơi mực, kiếm tiền tạm ứng cho bạn để họ tiếp tục đi với mình. Ông không bỏ cuộc. Chỉ uất chuyện lúc trở về, có người làm cán bộ hẳn hoi, nói như trách rằng mắc chi ông làm gần chỗ họ.

Ông ngứa gan đứng cãi. Rằng ông không là ngư dân, ông làm sao hiểu hết cuộc đời tụi tôi, làm sao ông biết quý từng sải biển của mình ngoài đó. Ngư dân gian khổ sóng gió, biển đó là Hoàng Sa, rõ ràng là biển của mình, của Việt Nam. Sống chết với biển, ông không sợ.

Tôi ngồi với ông Thịnh bên mép sóng bến phà Tam Giang. Gió phần phật thổi, nghe lá cờ đỏ cắm trên cột tàu như reo hòa cùng sóng. Một chiếc tàu khác đang được đóng, là chiếc tàu thứ 4 của gia đình ông, kể từ ngày ông bám biển. Làm biển là đương đầu sóng gió.

Ngư dân Nguyễn Văn Bé, thuyền trưởng tàu QNa-90839TS. Ảnh: T.C
Ngư dân Nguyễn Văn Bé, thuyền trưởng tàu QNa-90839TS. Ảnh: T.C

Năm 2006, Nguyễn Văn Bé (con trai ông Thịnh) cầm lái tàu, trúng bão Chan Chu. Bão vô ngày 14, tới ngày 17, lúc bão đã bắt đầu chuyển hướng, con tàu nhỏ như chiếc lá tre luồn giữa những cơn sóng lừng, dìu mãi tới ngày 22 mới vào được bờ. Sống sót thần kỳ.

Bão rứa, rồi bị Trung Quốc bắt rứa, mà tới khi tuổi già đau lưng, đau khớp, đi không nổi ông mới nghỉ. “Ở nhà cuồng chân không yên, sống ngoài đó tự do quen rồi. Mà đâu riêng chi tôi, cả cái Tam Giang ni, không có nghề biển, chắc bà con đói rã. Không đi biển thì biết làm chi ra tiền mà sắm sanh cái này cái khác, mà nuôi con nuôi cái.

Mà lạ nghe, ra đó, khí hậu tốt, cảm thấy người lúc mô cũng khỏe. Tôi vô bờ, nghỉ chừng đôi năm sức khỏe xuống liền. Nghỉ rồi mà chỉ ước giá như cái khớp nó không nhức, kiếm cái ghe nhỏ tối chạy ra, sáng chạy vô kiếm con cá tươi ăn qua ngày cho đỡ nhớ biển” - ông già thả cái nhìn xa xăm, đâu đó phía những con tàu…

Khát vọng với biển 

Đồng hành với ngư dân

Sau khi 47 ngư dân trên tàu QNa-90839TS gặp nạn được đưa vào bờ an toàn, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã tiếp cận, làm việc, thẩm định và quyết định cho ngư dân Nguyễn Văn Bé vay số tiền 2 tỷ đồng với thời hạn 6 năm, lãi suất 0%, chỉ thu phí quản lý 2%/năm theo quy định.

“Chúng tôi hy vọng con tàu mới sẽ sớm được hoàn thành, tiếp tục cùng ngư dân bám biển, hiện diện ở vùng biển chủ quyền của Tổ quốc nơi Trường Sa, Hoàng Sa” - bà Huỳnh Thị Thương - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam chia sẻ.

Hết đời cha đến đời con bám biển, anh Nguyễn Văn Bé trưởng thành với con tàu, thành một ngư dân ăn sóng nằm gió từ lúc nào chẳng hay. Những được mất với biển càng khiến anh thêm mạnh mẽ, không chùn bước trước những gian nguy.

Ngày 16.8.2018, tàu câu mực QNa-90839TS của Nguyễn Văn Bé chở theo 52 thuyền viên đang chạy vào Song Tử Tây (Trường Sa) tránh gió thì gãy trục láp. Tàu thả trôi, may mắn được cứu, vào đến bờ sau 12 ngày xảy ra sự cố.

Tháng 3 năm 2019, đang câu mực khơi ở biển thì không may gặp lốc, một chiếc thúng bị lật, một ngư dân trên tàu mất tích. Chiều ngày 15.3 vừa qua, tàu QNa-90839TS đang đánh bắt ở tọa độ 16 độ vĩ Bắc - 116,19 độ kinh Đông (cách mũi An Hòa khoảng 475 hải lý về hướng đông đông bắc) thì bị chìm, 47 ngư dân được cứu, trong đó có Nguyễn Văn Bé. Con tàu cùng toàn bộ ngư lưới cụ trị giá khoảng 6 tỷ đồng nằm lại ngoài biển khơi.

Nhiều đêm mất ngủ tạc thêm khắc khổ vào khuôn mặt đã sạm đi vì nắng gió của anh Bé. 44 tuổi, anh đã nhiều năm theo cha ra khơi, nắm lái tàu. Anh Bé kể: “Ngày 27.2 tàu xuất phát, trực chỉ Hoàng Sa. Ra đến nơi, đang dìu gió thì không may va trúng đá, thủng tàu. Cả tàu cố gắng tát nước, cứu con tàu nhưng tàu nghiêng dần, anh em phải bật thúng thoát thân.

Tôi là người xuống thúng cuối cùng, tàu đã chìm hẳn. Anh em may mắn lấy được phao nhận dạng và thiết bị liên lạc, nên được tàu của đồng hương cứu. Đầu năm, anh em vừa tu bổ lại tàu, kỳ vọng chuyến biển đầu tiên thuận lợi nhưng không may gặp nạn đột ngột. Tổn thất lớn, khắc phục lại sẽ rất khó khăn, trước mắt đóng con tàu mới phải xoay xở được thêm 4 tỷ đồng, ngoài số vốn 2 tỷ đồng vừa được Quỹ hỗ trợ ngư dân hứa hỗ trợ”.

Vay từ quỹ hỗ trợ ngư dân và người thân, anh Bé đang gấp rút đóng một con tàu mới để tiếp tục vươn khơi.
Vay từ quỹ hỗ trợ ngư dân và người thân, anh Bé đang gấp rút đóng một con tàu mới để tiếp tục vươn khơi.

Không xa bến phà Tam Giang là nơi con tàu mới của anh Bé đang thành hình. Mới chỉ có một thanh gỗ lớn và hai khung tàu được gá dựng lên, nhưng đã sừng sững một lá cờ đỏ trên đỉnh cột. Cũng như cha, anh biết, con tàu còn hơn cả một mái nhà, với anh và hàng chục ngư dân đã cùng mình đi bạn nhiều năm nay.

Sự sống còn của gia đình phụ thuộc vào mái nhà lớn ấy. Và anh quyết tâm làm lại. Sau cuộc trở về từ chuyến biển định mệnh, sau những lo toan, vẫn là một quyết tâm của anh, với biển. Sẽ mất đứt hai chuyến biển để chờ con tàu mới chạm được mép nước, sẽ luôn là nhiều dông gió đón đợi ngoài khơi. Nhưng cũng ở đó, là một cuộc đời tự do, một mơ ước của anh, của bao ngư dân dạn dày sóng nước. Và một khát vọng, với Hoàng Sa, Trường Sa, đang được tiếp sức từ sự quan tâm của chính quyền.

Tôi đã từng lênh đênh trên những con sóng cùng ngư dân, từng bắt gặp sự hiện diện của những con tàu số hiệu QNa ngay giữa Trường Sa, chứng kiến những con tàu nhỏ như lá chống chọi và nhồi dập với quá nhiều hiểm nguy, nhưng vẫn kiên cường sừng sững. Mỗi con tàu, không đủ lớn để là một dấu chấm trên hải đồ, nhưng chắc chắn sẽ góp thêm một mỏ neo cho cương thổ, cho chủ quyền giữa bao la sóng gió.

Cũng chừng như trong khốn khó ấy, mà họ dễ cảm thông và sẻ chia hơn, cùng quyết tâm bám biển, giữ chủ quyền, cùng nhau vượt qua ba đào. Để đọc được nỗi cô đơn nhớ biển trong đáy mắt của ông Thịnh bên bờ con sóng. Để thấy cái nhìn cương nghị đầy khát khao của anh Bé. Để biết, biển vẫn là một mảnh hồn thiêng liêng của bao con dân Việt, không thể tách rời...

Những ngư dân có thực sự được sống cuộc đời của mình, khi không biển? Câu trả lời là con tàu mới kia của Nguyễn Văn Bé, bên mép sóng Tam Giang, chờ ngày được khai sinh. Đã là con tàu thứ 4 trong cuộc đời ngư dân của anh, là bắt đầu từ một kết thúc không may mắn của con tàu cũ.

Nhưng ước mơ thì không bao giờ tắt, từ thời ông, thời cha truyền đến anh, người thuyền trưởng can trường. Anh và những ngư dân gắn bó với mình chỉ có thể tìm thấy tự do, thấy cuộc đời mình nơi biển, với những bình minh và hoàng hôn trên sóng trắng. Vì ngoài kia, vẫn luôn là Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng gọi từ trùng khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO