Ngư dân Quảng Nam nói "không" với đánh bắt tôm hùm mùa sinh sản
Để bảo vệ nguồn lợi tôm hùm tự nhiên và cân bằng hệ sinh thái biển, những năm gần đây ngư dân 2 xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) và Tam Hải (huyện Núi Thành) không tổ chức đánh bắt tôm hùm trong mùa sinh sản.

Ngư dân Đỗ Lá (thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp) cho biết, ông làm nghề đánh bắt hải sản ở biển Cù Lao Chàm. Trong những lần ra khơi, lưới của ông mắc đủ loại cua, cá, mực và được vài ký tôm hùm. So với những loài hải sản khác thì tôm hùm bán được giá cao, thương lái ưa chuộng.
“Những năm gần đây, tôi và nhiều ngư dân khác ở xã đảo không đánh bắt tôm hùm từ tháng 3 đến tháng 7, nếu tôm hùm có mắc lưới thì tôi cũng gỡ và thả về biển. Tôi nghĩ đây là việc nên làm, nếu đánh bắt liên tục sẽ cạn kiệt nguồn tôm hùm tự nhiên” - ông Lá nói.
Theo các nghiên cứu gần đây, trong số 8 loài tôm hùm được ghi nhận tại các vùng biển Việt Nam, tại Cù lao Chàm có đến 6 loài, gồm tôm hùm đỏ, tôm hùm bông (sao, xô), tôm hùm sen (vằn, râu trắng), tôm hùm mốc (sỏi, xanh chân dài, lông), tôm hùm ma (tôm hùm đầu dứa), tôm hùm xanh (tôm hùm đá).
Ngoài giá trị về mặt kinh tế, với sự phong phú về thành phần giống loài, tôm hùm tạo nên mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, có vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái biển và đại dương góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học.
Được biết, hằng năm, Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm phối hợp Công an xã Tân Hiệp tổ chức chương trình phổ biến và ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, buôn bán hải sản trên địa bàn về việc không thu mua, tàng trữ, vận chuyển, chế biến... từ tháng 3 đến tháng 5. Năm 2025 có 10 cơ sở kinh doanh hải sản trên đảo Tân Hiệp đã cam kết không thu mua, tàng trữ, vận chuyển, chế biến... tôm hùm trong mùa sinh sản.

Tương tự, trong mùa sinh sản hằng năm, nhiều ngư dân ở xã đảo Tam Hải cũng nói không với việc khai thác tôm hùm ở các ghềnh đá Bàn Than.
Ngư dân Phạm Thế Lực (thôn Thuận An, xã Tam Hải) cho hay, trước đây ở vùng biển Bàn Than có rất nhiều loài hải sản sinh sống như tôm hùm, mực, cá có giá trị khác. Ngư dân ở địa phương chỉ đánh bắt hải sản theo mùa và thời gian diễn ra trong vài tháng để các giống loài sinh sản và phát triển.
“Tôi và nhiều ngư dân hành nghề đi biển, nhưng có nguyên tắc riêng như trong mùa tôm hùm sinh sản sẽ không đánh bắt. Ngư dân ở đây chỉ lặn biển bắt tôm hùm nhí từ tháng 11 đến tháng 1 (âm lịch) năm sau để bán cho các hộ chăn nuôi” - ông Lực nói.
Bà Hồ Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải thông tin, chính quyền xã thường lồng ghép nội dung tuyên truyền không đánh bắt tôm hùm và các loài hải sản quý hiếm cho người dân hiểu vào những buổi sinh hoạt cộng đồng. Sau khi được nghe thông tin, nhiều ngư dân ở xã đảo chấp hành tốt việc khai thác tôm hùm để bảo vệ nguồn lợi tôm hùm tự nhiên.
Chi cục Thủy sản Quảng Nam khuyến cáo: Theo quy định, từ ngày 1/4 đến 31/7 hằng năm cấm bắt và khai thác tôm hùm, vì đây là mùa sinh sản. Theo Luật Thủy sản năm 2017 (Luật số 18/2017/QH14), hành vi đánh bắt thủy sản trong thời kỳ sinh sản bị nghiêm cấm để bảo vệ quá trình tái tạo và phát triển của các loài thủy sản.