(VHQN) - Để thẩm thấu tường tận văn hóa một vùng đất, có lẽ không gì tốt hơn việc lênh đênh khám phá những dòng sông chảy trong lòng xứ sở ấy…
Những dòng chảy đi cùng xứ sở
Nhiều du khách khi đến Hội An từng có dịp dạo chơi trên sông Hoài và thưởng ngoạn phố cổ khi màn đêm buông xuống. Một số ít khác từng rong ruổi hạ lưu sông Thu Bồn hoặc đoạn cuối sông Cổ Cò đổ ra Cửa Đại để chiêm nghiệm đời sống của sông nước và con người nơi đây. Nhưng ký ức về du lịch sông nước Quảng Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ gói ghém ở các đoạn tuyến này.
Trong một chuyến famtrip mới đây, đại diện Vietravel đã trầm trồ về vẻ đẹp của miền châu thổ sông Thu Bồn. “Rất bất ngờ vì Quảng Nam còn nhiều điểm đến hấp dẫn ngoài Hội An. Tiềm năng về du lịch đường sông Quảng Nam rất lớn nhưng hầu như chưa gây dựng được thương hiệu. Dù chỉ mới đi khảo sát sơ bộ nhưng chúng tôi đã mường tượng được tài nguyên du lịch dọc theo sông Thu Bồn đủ chất liệu để thiết kế tour du lịch ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, tạo cảm xúc khác biệt cho du khách”.
Góc nhìn của một người làm du lịch chưa có nhiều dịp trải nghiệm ở Quảng Nam một lần nữa khơi gợi vấn đề đáng suy ngẫm.
Ngược dòng quá khứ, quá trình hình thành hai di sản Hội An, Mỹ Sơn với chỉ dấu kết nối chính là sông Thu Bồn. Qua ngàn năm bể dâu, sông Thu âm thầm chắt lọc tinh hoa của đất và nước để bồi tụ nên hai di sản thế giới cùng mạng lưới dân cư, làng nghề trù phú trải dọc triền sông và còn tiếp biến đến hôm nay.
Vùng ký ức sông nước Quảng Nam không chỉ lắng đọng ở dòng Thu Bồn. Men theo dải cát vùng đông, bao nhiêu ghe buôn, thương thuyền ăm ắp sản vật quê xứ đã tấp nập qua lại trên dòng Trường Giang và Cổ Cò giúp cảng thị Hội An đứng vững trong mạng lưới hải thương thế giới mấy thế kỷ liền. Còn đó, con sông đào Vĩnh Điện được khắc trên cửu đỉnh kinh thành Huế, lưu dấu một thời mở mang bờ cõi, kinh bang tế thế của triều Nguyễn…
Điều độc đáo là hơn nữa hệ thống sông này có sự kết nối, hòa lẫn nhau mà không chảy khép biệt. Câu chuyện về những dòng sông xứ Quảng phảng phất hơi thở của vùng đất Quảng Nam, một vùng đất mở…
Vẫn chờ đánh thức
Đã từ lâu, trong hầu hết chương trình thảo luận về phát triển sản phẩm du lịch mới ở Quảng Nam đều đề cập chuyện du lịch đường sông. Nhiều ý kiến kết nối liên kết du lịch Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành cần lấy du lịch đường sông làm trọng tâm.
Hạt nhân để thúc đẩy liên kết Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên chắc chắn là sông Thu Bồn. Một phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy du lịch đường sông của Đà Nẵng giai đoạn tới cũng đề cập việc liên kết với mạng lưới sông nước của Quảng Nam. Nhưng đến nay, mọi thứ chủ yếu vẫn chỉ là hoạch định.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Ở nhiều địa phương trong nước như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Lào Cai, Phú Thọ hay Đà Nẵng tổ chức loại hình du lịch đường sông khá tốt. Tiềm năng du lịch đường sông ở Quảng Nam rất lớn, đặc biệt là sông Thu Bồn nhưng vì một số lý do mà hoạt động này vẫn trầm lắng và bỏ ngỏ, chủ yếu do vướng thủ tục pháp lý quy hoạch bến bãi, các quy định về phương tiện vận tải”.
Khi một số tuyến sông còn vướng về luồng lạch, thì sông Thu Bồn chỉ cần tổ chức quy hoạch bến bãi, kết nối các điểm du lịch, các làng nghề với nhau là đã có thể tạo thành tuyến du lịch xuyên suốt - kết nối phố cổ Hội An, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng chiếu Bàn Thạch, các làng nghề truyền thống ở Điện Bàn…
Thậm chí xa hơn về phía thượng nguồn, một số vùng văn hóa - sinh thái đầy mê hoặc đang chờ đợi những con thuyền ngược dòng sông mẹ để tìm về như Khu đền tháp Mỹ Sơn, làng sinh thái Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng…
Hiện Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã đề nghị 3 địa phương Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên ngồi lại với nhau để thảo luận kế hoạch và trong năm 2025 sẽ mời thêm huyện Quế Sơn cùng tham gia, xúc tiến với các doanh nghiệp thực sự có mong muốn phát triển bài bản du lịch đường sông Thu Bồn.
Ông Hồ Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, nếu không phát huy được hệ thống sông nước đặc sắc để kết nối du lịch nội vùng thì sẽ rất đáng tiếc.
Ở góc độ toàn tỉnh, Sở GTVT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh cũng như hợp tác với Đà Nẵng quy hoạch một số kết nối chung liên quan đến du lịch đường sông. Các địa phương trong tỉnh cần tích cực liên kết để định hình, xác lập tuyến du lịch đường thủy nội địa với từng bến cập cụ thể cho các điểm đến và phù hợp với quy hoạch cấp trên thì mới có cơ sở để sớm thúc đẩy loại hình này.
Du lịch đường sông Quảng Nam hội tụ chất liệu đủ làm say lòng du khách. Những lữ khách từng đặt chân đến Quảng Nam và rời đi cùng một khoảng trống mênh mang, cảm thấy như thiếu một chút gì với vùng đất này. Phải chăng, bởi họ chưa được một lần chiêm nghiệm cùng sóng nước xứ sở?