Các chủ tàu đánh cá ở Quảng Nam và các vùng biển lân cận đều lâm cảnh “cạn” bạn chài đi biển. Có cách nào để thu hút và giữ chân bạn chài?
Tình trạng khan hiếm lao động nghề biển diễn ra khắp các địa phương. Chủ tàu đánh cá quay quắt với cảnh “gom” bạn chài. Một số tàu khác gắng gượng đi biển khi trên tàu chỉ có 3-4 ngư dân theo ra khơi... nhằm lấy vệt hành trình, hưởng hỗ trợ dầu.
Gởi tàu theo quê “bạn”
Tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt (sinh năm 1978) khá nổi bật giữa nhóm các ngư dân trên con tàu ĐNa - 91059 TS.
Gương mặt sáng sủa, giọng nói pha tiếng địa phương của người Đà Nẵng “chừ, răng, mi”, khiến anh trở nên khác biệt. Con tàu này được đóng theo chính sách hỗ trợ của TP.Đà Nẵng. Thuyền trưởng Việt bắt mạch câu chuyện rất nhanh, kể lại việc vì sao lại cập tàu vào Quy Nhơn thường xuyên.
Các tàu đều lâm cảnh thiếu ngư dân đi bạn, nhưng ở TP.Đà Nẵng, tình hình này có vẻ khá trầm trọng. Khoảng năm 2017, trên các tàu đánh bắt xa bờ ở Đà Nẵng, ước tính ngư dân đi bạn vào độ tuổi 50 chiếm đến 80%. Con số này tiếp tục tăng lên theo từng năm.
Các thuyền trưởng cho biết, những thanh niên trẻ ở địa phương không còn theo nghề biển truyền thống nữa nên có tàu phải dạt sang địa phương khác thì mới tồn tại được.
Trên con tàu của thuyền trưởng Việt, anh Đỗ Văn Tri, quê ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, “bạn” trên tàu đa số người Quy Nhơn. Lâu nay, phần lớn ngư dân đi bạn trên tàu cá địa phương, nhưng riêng tàu cá của thuyền trưởng Việt, anh em truyền nhau về ông chủ tàu vui vẻ, hòa nhã, vì thế họ rủ nhau đi bạn cho ông.
Mỗi khi kết thúc chuyến biển, thuyền trưởng Việt bán cá, sau đó thuê người trông coi tàu tại cảng Quy Nhơn. Ông trở về Đà Nẵng nghỉ khoảng 1 tuần. Thời gian đầu gởi tàu, lòng dạ luôn bồn chồn lo lắng vì đã có nhiều vụ cháy tàu cá xảy ra. Khi xác định gởi tàu, các thuyền trưởng phải nhập khá sâu vào nhịp sống tại địa phương, từ việc quen biết với người thu mua cá, các đại lý dầu, nhà máy đá cho đến người buôn bán hàng tươi sống, các xưởng sửa chữa…
Và cách làm ăn theo nhịp “gởi tàu về quê” của thuyền trưởng Việt đã được ngư dân ở tỉnh Bình Định thực hiện trong nhiều năm qua. Tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, nhiều tàu đánh cá của bà con ngư dân các tỉnh miền Trung khi đi biển vào bờ đã gởi tàu lại, trở về thăm quê 1 tuần rồi lại quay vào. Làn sóng gởi tàu, về quê khá đông đúc, nên có sẵn dịch vụ xe khách đưa đón tận nơi.
Doanh nghiệp môi giới
Năm 2017, làng chài Phước Tỉnh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu lâm cảnh thiếu bạn chài đi biển vì thu nhập quá giảm sút. Làng chài tỷ phú nổi tiếng nhất nước được các chủ tàu nói vui “Phước Tỉnh sắp bất tỉnh rồi”.
Khi bạn chài không còn lũ lượt ở khắp các tỉnh vào xin đầu quân, đồng thời chuyến biển bắt đầu kéo dài hơn, tàu neo ngoài biển, phiên đánh bắt kéo dài vài tháng, người dân địa phương đã lập ra các công ty môi giới, cung cấp nhân lực đi biển.
Để tiết kiệm chi phí, các chủ tàu đánh cá bắt đầu tăng thời gian “trụ bám” trên biển, thay vì mỗi chuyến chừng 20 ngày rồi đưa quân vào bờ ăn nhậu sáng đêm như trước đó. Khi bạn chài ở ngoài biển lâu ngày đòi về thì sẽ có những công ty cung cấp nhân lực gởi bạn chài ra biển thế chỗ (thông qua các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chuyên cung cấp nhiên liệu và thu mua hải sản). Công ty chịu trách nhiệm cho cả 2 phía, đó là đảm bảo với các chủ tàu về con người, đảm bảo với ngư dân đi bạn về việc đi biển sẽ được trả tiền đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Út, thuyền trưởng tàu làm nghề giã cào VT 5286-TS cho biết, những năm đầu tiên, các công ty môi giới cung cấp nhân lực, tính ổn định đạt cỡ 80%. Nhưng con số đảm bảo đó bắt đầu giảm dần. Tính không ổn định khi bạn chài là các ngư dân lười biếng, hoặc không có khả năng làm biển và năm nào tàu cũng nhận trúng ngư dân là... con nghiện.
Năm 2024, khi trở lại làng chài Phước Tỉnh, đi lại con đường quen, tôi nhận ra không có công ty môi giới lao động nào còn hoạt động. Nghề biển đi xuống, các công ty không còn tuyển được ngư dân. Một số người chuyển sang làm cò, liên kết với các công ty môi giới việc làm ở bến xe An Sương (TP.Hồ Chí Minh).
Để những lao động, trong đó có cả những người chưa từng đi biển trở thành ngư dân, các công ty môi giới và cò phải có cách ràng buộc khiến họ phải đi biển. Ngư dân đi đủ phiên biển sẽ nhận tiền công thông qua người môi giới. Có nhiều người môi giới sòng phẳng, nhưng cũng có người xem ngư dân khù khờ là món hời để xà xẻo tiền công lao động. Ông Nguyễn Văn Giàu, cán bộ mặt trận ở xã Phước Tỉnh chia sẻ, không qua cò thì không có người đi làm, nhưng bạn qua cò thì may rủi quá lớn, nảy sinh vô cùng vấn đề.
Liên kết chủ tàu
Thời điểm trước năm 2000, nhiều địa phương vẫn còn mô hình liên kết chủ tàu. Mỗi chiếc tàu đánh cá do vài người chung vốn làm chủ. Ở huyện đảo Lý Sơn còn có cách chung phần 10. Ngư dân Bùi Triêm cho biết, mỗi tàu là phần hùn của 10 người, tương ứng với 10 bạn chài. Theo thời gian, nếu ngư dân nào không hợp hoặc muốn đầu tư riêng thì tự rút ra, thường sẽ có người vào thay thế rất nhanh. Ở cửa biển Kỳ Hà, ngư dân thời đó thường chung phần hùn 3-4 người. Mỗi gia đình có vài người đi biển, phần hùn này giúp cho bạn đi trên tàu rất ổn định.
Ngư dân Nguyễn Đông ở cửa biển Kỳ Hà cho biết, theo thời gian, ngư dân có được thu nhập tốt nên đều tách ra và mỗi người làm chủ một con tàu, đó là lúc kiếm bạn chài đi biển gặp khó khăn.
Thời điểm này, khi sản lượng đánh bắt tụt giảm nghiêm trọng, biển cạn cá tôm thì mỗi chiếc tàu lại chỉ do một người sở hữu. Tại Quảng Ngãi, làng chài Định Tân ở bờ nam sông Sa Kỳ mỗi năm chỉ đánh bắt 7 tháng nghề cá chuồn rồi neo nghỉ. Nhưng phía bờ bắc là làng chài Tịnh Kỳ, mưu sinh quanh năm, do ngư dân vẫn chung phần hùn, hết nghề này chuyển sang nghề khác.
Câu mực khơi là một trong những nghề còn giữ được bạn chài ổn định nhất, do ngư dân có thu nhập cao, khoảng 150-250 triệu đồng/năm. Ngư dân Nguyễn Đình Hiệp ở xã Tam Giang (huyện Núi Thành) cho biết, đặc điểm của nghề câu mực giống như hợp tác xã. Chủ tàu lo hậu cần, đảm bảo tàu tốt, mấy chục ngư dân đi bạn, mỗi người góp vào một chiếc thúng. Mực câu được là phần riêng của mỗi cá nhân. Khi ngư dân bán mực thì chủ tàu sẽ được hưởng phần trăm từ ngư dân đi bạn bán sản phẩm.
Chủ tàu câu mực được ví như xe ôm, đưa khách ra Trường Sa, Hoàng Sa câu mực. Trong 4 năm trở lại đây, những chiếc tàu có chiều dài 24-25 mét khi ra khơi luôn “hút” được ngư dân đi bạn, có khi lên đến 50 người/tàu. Một số tàu không theo kịp xu thế, lâm cảnh chỉ chở 3 ngư dân già đi bạn. Và tàu này ra khơi để bấm điểm “lấy vệt hành trình”.
Đi nhiều vùng miền, hỏi về cách thu hút bạn chài, các chủ tàu đều nói “nghề biển phải có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/bạn chài/năm” thì mới giữ chân được bạn chài. Mong muốn là vậy, nhưng cá thì mỗi ngày một ít đi!