Gần hai năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, theo cộng đồng doanh nghiệp du lịch, đã đến lúc cơ quan chức năng cần tính toán lộ trình mở cửa để khôi phục toàn diện kinh tế - xã hội, đồng thời cứu ngành du lịch đang nguy ngập.
Ngày 21.10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo quản lý ngành du lịch các địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cùng các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhiều giải pháp sát sườn được đưa ra, nhằm sớm khôi phục ngành du lịch hiệu quả.
An toàn đến đâu, mở cửa đến đấy
Theo lộ trình khôi phục hoạt động du lịch Quảng Nam được xây dựng, việc mở cửa sẽ diễn ra trong 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối tháng 10.2021 với khách nội tỉnh, các địa phương liền kề.
Giai đoạn 2 từ đầu tháng 12.2021, đón khách trên cả nước với hình thức “bong bóng du lịch”.
Giai đoạn 3 từ đầu tháng 1.2022 mở rộng đón khách nội địa trên toàn quốc.
Và cuối cùng sẽ đón khách quốc tế khi được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Do tác động nặng nề của đại dịch, 9 tháng đầu năm 2021 Quảng Nam chỉ đón được 26.300 lượt khách tham quan, lưu trú (giảm 94,5% so với cùng kỳ 2019). Thiệt hại của ngành du lịch Quảng Nam từ đầu dịch đến nay ước tính khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, ngành du lịch đã chuẩn bị 9 nhóm giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch Quảng Nam, bắt đầu thực hiện ngay từ cuối tháng 10 này.
Sở cũng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời về việc thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, điều tiên quyết nhất để mở cửa du lịch trở lại vẫn là vắc xin. Lao động ngành du lịch, người dân ở các địa bàn trọng điểm về du lịch cần phải sớm được tiêm đầy đủ vắc xin thì rủi ro về dịch bệnh sẽ giảm đi rất nhiều khi mở cửa.
“Doanh nghiệp du lịch đã trải qua 3 lần kích cầu, tuy nhiên liên tục phải loay hoay với việc “đóng, mở”. Sự hỗ trợ lớn nhất đối với doanh nghiệp du lịch lúc này chính là mở cửa đón du khách, bởi nguồn lực của họ đã cạn kiệt” - ông Thủy nói.
Còn ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng chia sẻ, trong ngắn hạn du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng cần linh động hơn nữa ở lộ trình mở cửa để nắm bắt thời cơ.
“Giữa Quảng Nam và Đà Nẵng cần sớm thống nhất cơ chế trao đổi khách có kiểm soát, đi theo luồng xanh thông qua các công ty lữ hành. Sau đó tiến tới đề xuất “du lịch bong bóng” cho cả thị trường quốc tế bởi đây là điểm đến rất lý tưởng của du khách sau đại dịch” - ông Dũng chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhận định, việc mở cửa du lịch Quảng Nam lúc này là rất cần thiết và phù hợp với các nghị quyết, quy định cũng như hướng dẫn thích ứng trong bối cảnh bình thường mới. Quảng Nam sẽ nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch sớm nhất có thể, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, với mục tiêu “đón khách phải an toàn”.
Cần sự đồng bộ
Theo đại diện hãng hàng không du lịch lữ hành Vietravel Airlines, điều kiện cần thiết để mở cửa du lịch là phải kết nối thông suốt về giao thông liên tỉnh, liên vùng, vì bản chất du lịch là di chuyển và không giới hạn về mặt không gian.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt nói, cơ quan quản lý cần đưa ra các yêu cầu cụ thể, thống nhất đối với doanh nghiệp du lịch, khách du lịch theo hướng giảm thiểu tối đa sự rườm rà cho du khách thì việc mở cửa sẽ thuận lợi hơn. Sau dịch, nhóm khách gia đình sẽ phát triển mạnh nhưng rào cản là yêu cầu xét nghiệm đối với người dưới 18 tuổi, nên chăng cần xem xét hình thức nào đó để kiểm tra nhẹ nhàng hơn.
Hiện nay, vẫn còn sự bất nhất trong ứng dụng khai báo y tế, liên thông dữ liệu tiêm vắc xin, xét nghiệm, đặt dịch vụ… Đây là rào cản và cần có giải pháp để việc mở cửa du lịch sớm diễn ra suôn sẻ.
Ông Nguyễn Sơn Thủy cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý dịch bệnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta cần thống nhất quản lý trên một nền tảng, tích hợp dữ liệu đồng bộ để vừa giảm phiền hà cho du khách vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý khi có sự cố phát sinh”.