Người dân vùng phụ cận được hưởng lợi gì sau 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành di sản văn hóa thế giới? Vấn đề này một lần nữa được mổ xẻ, phân tích tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển vùng phụ cận di sản” diễn ra mới đây.
Vùng cộng đồng xung quanh khu di sản Mỹ Sơn bao gồm các xã giáp ranh, khu vực phụ cận với nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo. Nổi bật có thể kể đến đập Thạch Bàn, khu kỹ nghệ An Hòa, Đức Dục, vườn trái cây Phan Ngọc Anh, xa hơn là cánh đồng sen Trà Lý (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), làng Đại Bình (Trung Phước, Nông Sơn)…
Thời gian qua, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các chính sách phúc lợi dân sinh, hoạt động kinh tế, giáo dục di sản… đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân, bồi đắp thêm niềm tự hào di sản. Dù vậy, hiệu quả từ du lịch mang lại vẫn khá hạn chế.
Thực tế, hơn 10 năm trước, từ sự hỗ trợ của tổ chức ILO, Dự án làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn ra đời, mở cửa đón khách. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án dần tàn lụi.
Theo bà Văn Thị Cẩm Tú – Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, có nhiều yếu tố khiến du lịch cộng đồng Mỹ Sơn chưa thể khởi sắc, như khu di sản nằm trong thung lũng rừng núi, tách biệt với bên ngoài. Sản phẩm dịch vụ, du lịch địa phương nghèo nàn, các chương trình lễ hội không được tổ chức thường xuyên do cộng đồng dân cư không phải là chủ thể…
“Để du lịch cộng đồng Mỹ Sơn phát triển phải có sự liên kết, kết nối, quy hoạch, phát triển sản phẩm, dịch vụ bài bản. Nếu không, tiềm năng du lịch khu di sản sẽ không được khai thác, sản phẩm tạo ra sẽ không có bản sắc dẫn đến lãng phí nguồn lực tài nguyên và con người” – bà Tú nói.
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển vùng phụ cận di sản”, hầu hết ý kiến doanh nghiệp nhận định, vùng phụ cận Mỹ Sơn có tiềm năng rất lớn và nhiều dư địa để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần xây dựng được sản phẩm đặc thù, khác biệt phù hợp tâm lý và xu hướng khách hàng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh liên kết các điểm xung quanh tạo nên tour tuyến khép kín...
Ông Lê Tấn Thanh Tùng – Giám đốc Vitraco Travel phân tích, Duy Xuyên có nhiều tài nguyên du lịch, nhưng không phải tiềm năng nào cũng có thể khai thác được ngay và có hiệu quả.
Do đó cần xây dựng các tour tuyến, sản phẩm phù hợp với tâm lý khách hàng. Đơn cử, có thể phát triển tour hàng ngày (tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn và thưởng thức ca múa nhạc Chăm). Tour chuyên đề nghiên cứu văn hóa Chăm và văn hóa Sa Huỳnh...”.
Theo ông Phan Ngọc Minh – Giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ Minh Phan, muốn phát triển du lịch cộng đồng, trước hết cộng đồng phải là người hiểu rõ nhất lợi ích của việc làm du lịch mang lại, từ đó mới có sự kết nối dễ dàng. Nên phải có sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ người dân làm du lịch.
“Du lịch cộng đồng không có nghĩa là mỗi người tự phát tự làm mà mình phải định hướng chung cho người dân cùng xây dựng các dịch vụ tốt nhất phục vụ khách, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn bên ngoài di sản.
Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, Sở VH-TT&DL xây dựng một chương trình đặc sắc dành riêng cho Mỹ Sơn. Đồng thời sẽ cố gắng vận động người dân tập trung tìm hiểu các yếu tố về du lịch, sẽ mời các chuyên gia, các đơn vị chuyên ngành đào tạo người dân để họ có kiến thức về du lịch”- ông Minh chia sẻ.