Thế giới

Tín hiệu tăng trưởng lạc quan của Đông Nam Á

QUỐC HƯNG 05/08/2024 17:30

(QNO) - Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore (ASEAN-6) đạt tốc độ trung bình hằng năm 5,1% trong 10 năm tới.

kristine-wook-0gvf4abdahg-unsplash.jpg
Khu thương mại Manila tại Philippines. Ảnh: Unsplash

Thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), Công ty Tư vấn Bain & Company và Hội đồng Angsana công bố ngày 1/8 vừa qua cho biết, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á là nhờ vào sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực vực tăng nhanh.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, lần đầu tiên sau một thập kỷ, Đông Nam Á thu hút FDI đạt 206 tỷ USD, tăng 37%. Dù trước đây tụt hậu so với các cường quốc kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đang ở vị thế có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Trong đó, cùng với thu hút đầu tư, ASEAN-6 mở rộng, đa dạng nền kinh tế, ngoài các ngành công nghiệp truyền thống, tăng trưởng trong các lĩnh vực như công nghệ, sản xuất và dịch vụ. Nhiều quốc gia khu vực hưởng lợi từ cơ cấu dân số trẻ đang gia tăng.

Theo báo cáo, Việt Nam đang dẫn đầu về tăng trưởng của khối ASEAN-6. Việt Nam và Philippines dự kiến ​tăng trưởng vượt mức 6%, tiếp sau là Indonesia với 5,7%, Malaysia 4,5%, Thái Lan 2,8% và Singapore 2,5%.

Từ phục hồi sang tăng trưởng

Chính phủ Philippines thiết lập tăng trưởng kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Đối với Indonesia, tiềm năng phát triển còn dư địa lớn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số ngày càng tăng và bối cảnh khởi nghiệp sôi động.

Để tận dụng tối đa những lợi thế đó, báo cáo cho rằng Indonesia cần mở rộng cơ sở kinh tế vượt ra ngoài nguyên liệu thô và thúc đẩy môi trường kinh doanh cởi mở và cạnh tranh hơn.

z5701293273676_8c732de95ffe193d2838c48a78c7f54e.jpg
Thương mại điện tử tại Đông Nam Á đang trên đà phát triển nhanh chóng. Ảnh: The Nation

Chính sách tăng tưởng của Malaysia tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực như chất bán dẫn trong khi ngành trung tâm dữ liệu tại Singapore đang mở rộng.

Thế mạnh của nền kinh tế Thái Lan gồm ngành du lịch đang phục hồi, vị thế vững chắc của trung tâm sản xuất ô tô khu vực với cơ sở hạ tầng phát triển và sự hiện diện của các tập đoàn toàn cầu.

Để đẩy nhanh tăng trưởng, các chuyên gia chỉ ra rằng ASEAN-6 cần áp dụng các chiến lược chuyển hướng nguồn lực, thực hiện các thay đổi chính sách táo bạo trong một số vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và tính bền vững của môi trường để phát huy hết tiềm năng.

Báo cáo cũng xác định 5 cơ hội chính để đẩy nhanh tăng trưởng trong khu vực gồm đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới nổi; khuyến khích những công ty đột phá nhờ công nghệ; củng cố thị trường vốn và tăng đầu tư; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh; hỗ trợ các sáng kiến ​​đa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín hiệu tăng trưởng lạc quan của Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO