Người Quảng Nam

Tính cách Quảng, nhìn từ trường hợp hai dòng họ Mạc - Nguyễn

VÕ VĂN THẮNG 08/08/2024 10:22

(VHQN) - Tính cách Quảng hình thành qua nhiều thế hệ và chắc chắn phải mang dấu ấn của những thành phần dân cư từ thuở ban đầu.

459-202407100758401.jpg
Lăng mộ Đoàn Quý Phi ở Duy Xuyên. Ảnh: Bình An

Một trường hợp đặc biệt trong lịch sử dân cư xứ Quảng là sự kết hợp giữa dòng họ Mạc gốc gác Hải Dương và họ Nguyễn phát tích từ Thanh Hóa.

Mối liên kết Mạc - Nguyễn

Cuối thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông lập đạo Quảng Nam (1471). Sang giữa thế kỷ 16, tình hình Đại Việt rơi vào giai đoạn bất ổn với nhiều mâu thuẫn giữa thế lực của các họ Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn.
Đại thần Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, chiếm cứ từ Ninh Bình ra phía bắc, tự xưng vua, lập ra triều Mạc (1527).

Trong khi đó, vị đại thần khác của vua Lê là Nguyễn Kim cùng con rể là Trịnh Kiểm, tập hợp lực lượng chống đối vua Mạc, lập cháu vua Lê lên ngôi vua, đóng đô ở Thanh Hóa (1543).

Năm 1545, Nguyễn Kim mất, con rể là Trịnh Kiểm nắm hết quyền bính triều Lê, trở thành vị “chúa Trịnh” đầu tiên ở Đàng Ngoài.
Hai họ Trịnh - Nguyễn đều là công thần của triều Lê, lúc này nảy sinh mâu thuẫn quyền lực.

Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam, với ý chí lập một cõi riêng.

Ông trở thành vị “chúa Nguyễn” đầu tiên ở Đàng Trong. Hai chúa Trịnh - Nguyễn đều cùng danh nghĩa “phù Lê, diệt Mạc”, nhưng có một tình huống đặc biệt của lịch sử, đó là sự liên kết Mạc - Nguyễn ở xứ Quảng Nam.

Trong bối cảnh các chúa Trịnh - Nguyễn ra sức chống lại nhà Mạc, thì Mạc Cảnh Huống lại chọn đi theo Nguyễn Hoàng vào Nam, trở thành quân sư của chúa Nguyễn.

Sách “Đại Nam liệt truyện” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ghi nhận: “Cảnh Huống người huyện Nghi Dương, thuộc Hải Dương, là em Khiêm vương Mạc Kính Điển… Năm Mậu Ngọ (1558) mùa đông, Thái Tổ vào Nam, trấn thủ Thuận Hóa, Cảnh Huống đem gia quyến đi theo, làm quan đến Thống binh, tham mưu trong màn trướng; giúp việc lúc khai quốc”.

Không chỉ vậy, Mạc Cảnh Huống còn mang theo người cháu gái còn nhỏ là Mạc Thị Giai (con gái của Khiêm vương Mạc Kính Điển) vào ở cùng vợ con ông ở Trà Kiệu, Quảng Nam.

Lớn lên, Mạc Thị Giai lại có nhân duyên trở thành vợ của Nguyễn Phước Nguyên (con trai của Đoan quận công Nguyễn Hoàng). Nguyễn Phước Nguyên sau đó nối ngôi chúa (thường được gọi là chúa Sãi); về sau được triều Nguyễn truy tôn thụy hiệu là Hiếu Văn Hoàng Đế, bà Mạc Thị Giai là Hiếu Văn Hoàng Hậu (lăng mộ bà Mạc Thị Giai hiện còn ở Chiêm Sơn, Duy Xuyên).

Mối lương duyên của công nữ họ Mạc, gốc tích Hải Dương, cùng công tử họ Nguyễn, gốc Thanh Hóa, đã sinh ra những người con tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Đại Việt, đặc biệt họ đều gắn bó với xứ Quảng.

Tính cách hình thành từ lịch sử

Sách Liệt truyện của sử quán triều Nguyễn ghi lại một chuyện tình thơ mộng. Người con trai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, một lần theo cha đáp thuyền chơi trăng trên dòng Thu Bồn, “đỗ thuyền ở gành sông, câu cá, chợt nghe tiếng hát từ bãi dâu vọng lại, lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết đó là người con gái mười lăm tuổi họ Đoàn, ban đêm hái dâu ở bãi, trong trăng mà hát”.

Đó là câu chuyện tình của chúa Nguyễn Phúc Lan và giai nhân Đoàn Quý Phi, người xứ Quảng. Một nhân duyên đặc biệt nữa là chúa Nguyễn Phúc Nguyên lại nhận con trai của Mạc Cảnh Huống là Mạc Cảnh Vinh làm con nuôi và sau trở thành con rể; Mạc Cảnh Vinh được ban họ Nguyễn.

Đây là quan hệ hôn nhân nội tộc, cho thấy mối quan hệ khắng khít của hai họ Mạc - Nguyễn trong thời kỳ đầu mở mang xứ Quảng.
Chi phái họ Mạc bắt đầu từ Mạc Cảnh Huống, đến đời Mạc Thị Giai, Mạc Cảnh Vinh (Nguyễn Trường Vinh) đã lưu trú ở Trà Kiệu, sau lan tỏa lập nhiều làng xã khác ở Quảng Nam.

Đó là những thế hệ con cháu kế thừa dòng máu của hai danh gia vọng tộc từ vùng quê Hải Dương và Thanh Hóa. Ắt hẳn, họ đã từng là đại diện cho các chuẩn mực lối sống của cộng đồng cũng như hình mẫu tính cách của các cá nhân.

Về mặt tính cách, có thể nhận ra rằng, các chúa Nguyễn với khát vọng mở mang vùng đất mới đã dễ dàng đón nhận, bao dung các thành viên của hoàng tộc nhà Mạc có tinh thần ly khai triều đình Mạc thủ cựu.

Sự kết hợp của các tính cách phóng khoáng, bao dung đã phát huy được tài năng, hóa giải xung đột giữa các thế lực đương thời, đem lại hiệu quả trong chính sách cai trị ở vùng đất mới.

“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhận, năm 1572, “Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thưởng ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp”.

Tính cách Quảng Nam hay cá tính Quảng Nam là sản phẩm của quá trình tiếp xúc của cộng đồng dân cư từ nhiều nguồn gốc. Tính cách đó vừa kế tục tâm tính của người “Đàng Ngoài”, vừa giao thoa, hấp thụ tính nết từ các sắc dân bản địa của “Đàng Trong” và chịu sự chi phối của môi trường lịch sử.

Trong bối cảnh đó, phải chăng sự gặp gỡ, bao dung, hợp tác giữa các nhân vật giàu cá tính từ hai phe đối lập Mạc – Nguyễn ở xứ Quảng thời mở cõi cũng góp phần tạo nên một số nét tích cực trong tính cách Quảng hôm nay?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính cách Quảng, nhìn từ trường hợp hai dòng họ Mạc - Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO