Người Quảng Nam

Người Quảng không làm báo thì làm chi?

TRẦN TRIỀU 08/08/2024 10:30

(VHQN) - Đó là cách mà anh em báo chí thường nói đùa về người Quảng Nam. Tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh - hai trung tâm báo chí của cả nước, người Quảng Nam làm báo rất đông. Họ làm báo giỏi, ấn tượng với cá tính riêng, đến mức nhiều người cảm nhận rằng, nghề báo rất hợp với họ.

2406a730-e4fe-481c-9e55-2d8b1a77f008.jpg
Nhà báo Minh Trâm - hiện là TKTS báo Nông Thôn Việt.

Ăn cục nói hòn

Nhiều người nghĩ đơn giản, do người Quảng Nam hay cãi, cãi giỏi cho nên làm báo là đúng rồi. Nói vậy là chưa hiểu hết cá tính và cũng chưa có đủ dữ liệu thực tế về các cây bút gốc Quảng.
Cãi chỉ là một chuyện. Các nhà báo gốc Quảng có nhiều thứ thú vị để bàn, để kể hơn nhiều.

Một buổi sáng mùa hè năm 2015, có số lạ gọi, tôi bốc máy. Bên kia, người đàn ông nói vừa to vừa gằn, lại có chút sôi nổi, háo hức: “Mi đang ở mô?”. “Dạ em đang ở nhà. Xin lỗi ai đấy ạ?”. “Tau đây mi”. Tôi đơ người, cố gắng “tua lại dữ liệu” xem “tau đây” nghĩa là ai. Bên kia tiếp tục: “Tau đây mi. Tau mới vô Sài Gòn, mi ra đây”.
À, hóa ra là Lê Trung Việt. Lúc này, anh đang là phóng viên ở văn phòng miền Trung của báo Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh, đồng nghiệp của tôi. Mỗi lần anh vào Sài Gòn là như một cơn lốc, mời đồng nghiệp gặp gỡ mà như ra lệnh.

Nhưng anh em hiểu tính Trung Việt, ăn cục nói hòn vậy chứ tấm lòng ấm áp, ngọt ngào. Mỗi năm, dịp 19/5 (ngày thành lập Báo Phụ Nữ TP.HCM) là anh Việt vào dự.

Các anh em ở tòa soạn tại Sài Gòn hay nói đùa: “Nghe đâu Trung Việt vào Sài Gòn rồi đó, ổng lệnh cho anh em đến gặp chưa?”. Nói xong rồi cười nắc nẻ với nhau.

Cá tính Lê Trung Việt thể hiện một khía cạnh của cá tính người Quảng: dựa vào sự thiện lương và tình cảm của bản thân để tự cho phép mình được xuề xòa, sần sùi, ăn to nói lớn.

Có lần tôi thử góp ý: “Anh Việt, nếu anh nói nhỏ, đi nhẹ, nhã nhặn hơn xíu có phải là tạo thêm sự dễ chịu cho mọi người không?”. Anh ấy cười rung sần sần bộ râu kẽm: “Không, nhưng mà tau ưng rứa”. Rồi anh em cũng hiểu tính Trung Việt, cười xòa với nhau rồi thôi.

“Kiểu người hài hước khó gần”

Một trong những điều thú vị đáng kể trong cá tính Quảng của người làm báo, là sự hóm hỉnh. Trong một nhà báo người Quảng “rin”, có thể tồn tại hai khía cạnh tưởng chừng như mâu thuẫn: ăn cục nói hòn và hài hước.

Những nhà báo người Quảng không biết rào trước đón sau, cũng ít nói giảm nói tránh, cũng không bao giờ “ném đá dò đường”, càng không thọc gậy bánh xe, cũng chẳng gắp lửa bỏ tay người. (Tất nhiên, sẽ có loại trừ số ít trong cuộc đời hành nghề đã làm “xấu mặt” dân Quảng).

Một là họ im lặng, hai là họ nói trực diện vấn đề. Khi trao đổi một vấn đề về công việc, kể cả việc quan trọng, họ cũng dành sẵn một chế độ “sẵn sàng hài hước”, để vấn đề trở nên thú vị hơn.

Tôi có cơ duyên quen biết và làm việc với Minh Trâm - một người con Duy Xuyên. Trâm tuổi đời trẻ (9X) nhưng tư duy già dặn, hiểu biết sâu rộng và đặc biệt là rất hóm. Minh Trâm hiện là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Nông Thôn Việt, tôi là cộng tác viên thường xuyên của tờ này.

Trâm luôn mở đầu chuyện đặt tôi viết bài theo kiểu như thế này: “Chuyện hơi tế nhị nhưng thực ra cũng hông tế nhị gì, công việc cả. Chuyện là...”. Sau khi đặt bài xong, Trâm sẽ bảo: “Bây giờ đổ xăng cho đầy rồi tới bến đi nha”.

Không riêng Trâm, rất nhiều nhà báo người Quảng Nam mà tôi tiếp xúc đều có óc hài hước bất ngờ. Nhưng cái lạ là những người này, khi sơ giao thì họ cũng khó đăm đăm, bắt đầu thân một chút, sự hóm hỉnh mới bộc lộ. Có thể tạm gọi họ theo cách hóm một chút là “kiểu người hài hước khó gần”.

Và thú vị

Quảng Nam cũng có những nhà báo mềm mại, khéo léo, ấm áp. Lưu Phan (Phó Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay) là một trường hợp như vậy.

Anh gần vừa đủ để thấy ấm áp, nói vừa đủ để thấy có ảnh hưởng, hoa mỹ vừa đủ để có sự tôn trọng mà không phải kính sợ. Cuối cùng thì, ai gặp Lưu Phan cũng quý, cũng muốn cùng làm việc, cũng muốn đồng hành.

Người Quảng có cá tính “dĩ hòa vi quý” nhất làng báo, có lẽ là Lê Minh Quốc. Anh làm thơ, viết báo, viết sách như một cỗ máy có công suất cao.

Hẳn nhiên, anh chơi thân với nhiều anh em báo chí người Quảng. Bất ngờ là, anh hầu như không hứng thú với các cuộc... cãi lộn. Trên bàn, khi đang vui vẻ, hòa nhã, đôi ba ly hưng phấn, các anh em bắt đầu nổ ra tranh luận một vấn đề gì đó - kể cả vấn đề liên quan đến lịch sử - mảng mà anh Quốc nắm rõ do anh biên soạn nhiều sách liên quan đến lịch sử; anh vẫn ngồi im.

Đôi ba phút sau, mọi người cãi nhau hăng hơn, ánh mắt anh tối xuống, đôi môi buông lặng chán chường, và anh rút êm. Lê Minh Quốc không chấp nhận quan điểm “người Quảng hay cãi bừa”.

Anh từng chia sẻ: “Dù đã có câu trả lời về việc tại sao người Quảng hay cãi đi nữa, chắc gì người Quảng Nam gật gù đồng tình? Tinh thần chấp nhận cái mới, nhìn thấy cái mới để rồi nỗ lực thực hiện cho bằng được.

Nghĩ cho cùng đó chính là biết cãi bằng nhiệt thành tiếp cận chân lý, đi đến sự đổi mới, tiến bộ, chứ không ù lì giẫm chân tại chỗ. Nhưng nếu chỉ “ếch ngồi đáy giếng” mà cái gì cũng cãi, chẳng hiểu đầu cua tai nheo, chỉ ù ù cạc cũng cãi, gân cổ lên cãi thì không phải là người Quảng Nam”.

Người Quảng có cá tính thú vị, đặc biệt là những người làm báo. Điều thú vị nhất ở họ là họ không bàng bạc một màu như nhau, mỗi người thú vị một kiểu. Điều đó góp phần tạo nên đời sống báo chí sinh động hơn, đặc sắc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng không làm báo thì làm chi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO