Chính quyền - đoàn thể

Tổ công nghệ số cộng đồng ở Điện Bàn tranh tài kiến thức

QUANG HÀ 21/10/2024 09:08

UBND thị xã Điện Bàn vừa khai mạc Cuộc thi Tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2024, giúp thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng nắm vững kiến thức, kỹ năng ở lĩnh vực này, góp phần hình thành xã hội số.

Screenshot 2024-10-20 102153
Cuộc thi diễn ra sôi nổi khi các đội ngang tài ngang sức. Ảnh: QUANG HÀ

Diễn ra từ ngày 19/10 đến 9/11/2024, cuộc thi có sự tham gia của 20 đội đến từ các xã, phường trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Mỗi đội thi có 7 thành viên thuộc tổ công nghệ số cộng đồng.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Các đội thể hiện kiến thức về cải cách hành chính và chuyển đổi số (CCHC&CĐS) qua 4 phần thi: Chào hỏi, Sáng tạo số, Kỹ năng số và Tăng tốc số.

Với hình thức loại trực tiếp, 20 đội tranh tài ở 7 cuộc thi vòng loại để chọn 7 đội về nhất và 2 đội về nhì có số điểm cao nhất tham gia vòng bán kết; 3 đội nhất ở vòng bán kết sẽ giành vé vào cuộc thi chung kết năm (dự kiến diễn ra vào ngày 9/11).

Ông Phạm Văn Ba - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin thị xã Điện Bàn cho biết, công tác tuyên truyền về cuộc thi được triển khai sớm nên thu hút đông đảo người dân quan tâm.

“Thị xã Điện Bàn sử dụng bộ đề và cách thức thi đấu như cuộc thi cấp tỉnh, tuy nhiên chọn lọc những câu hỏi căn bản, sát sườn với thực tiễn của địa phương cũng như quá trình làm việc của cán bộ nhằm phù hợp với cuộc thi cấp huyện” - ông Ba nói.

Chị Nguyễn Thị Hương - thành viên đội thi phường Điện Ngọc cho hay, vì kiến thức về CCHC&CĐS rất rộng nên đội đã họp nhiều lần để lên ý tưởng xây dựng video tuyên truyền ở phần thi Chào hỏi; đồng thời phân tích những câu hỏi và các chủ đề liên quan theo đề cương nhằm đưa ra các câu trả lời tối ưu nhất.

“Đảm nhiệm phần thi Sáng tạo số, thuyết trình về một mô hình nổi bật của địa phương trong CCHC&CĐS, tôi tìm hiểu thêm các kiến thức, quy định liên quan để tham gia đảm bảo” - chị Hương chia sẻ.

Tạo sự lan tỏa

Đại diện đội thi phường Điện Nam Trung trình bày mô hình “3K” ở phần thi Sáng tạo số, chị Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, kể từ khi áp dụng mô hình “3K” (không viết - không hẹn - không phiền hà) vào giải quyết thủ tục hành chính, địa phương nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng thuận của người dân.

Tại phần thi Sáng tạo số, các đội thi thuyết trình về một mô hình nổi bật của địa phương trong CCHC&CĐS; qua đó chia sẻ cách làm hay trong phục vụ người dân. Trong ảnh: Đội Điện Nam Trung trình bày mô hình "3K".

Qua đó, cán bộ, công chức đã chủ động nâng cao trình độ công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu công việc. Tính đến nay, tỷ lệ trả kết quả ngay khi tiếp nhận hồ sơ (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền cấp phường đạt 100%.

“Tham dự cuộc thi, bên cạnh chia sẻ hiệu quả của mô hình “3K”, tôi muốn học hỏi thêm mô hình tiêu biểu của các địa phương khác nhằm tham mưu UBND phường triển khai xây dựng, phục vụ tốt nhất cho người dân” - chị Hiền cho hay.

Dù bận nhiều công việc và cũng đã lớn tuổi nhưng ông Phạm Lai - Trưởng thôn Triêm Trung 2 (phường Điện Phương) vẫn tích cực tìm hiểu kiến thức về CCHC&CĐS để tham gia cuộc thi.

Ông bảo: “Thông qua cuộc thi tôi muốn cho mọi người thấy rằng, chỉ cần quyết tâm tìm hiểu thì những người lớn tuổi như tôi cũng có thể sử dụng các thiết bị thông minh, làm quen với chính quyền số, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh tốt hơn”.

Theo ông Phạm Văn Ba, Ban tổ chức chọn đối tượng dự thi là thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng bởi trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền về CCHC&CĐS tại cơ sở rất quan trọng.

Trong đó, cả 900 thành viên của 131 Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thị xã đóng vai trò nòng cốt. Cuộc thi là dịp để thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trau dồi kiến thức, kỹ năng, tiếp tục là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong công cuộc CCHC&CĐS của địa phương, của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổ công nghệ số cộng đồng ở Điện Bàn tranh tài kiến thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO