(QNO) - Từ một xã vùng cao khó khăn, nay xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) đã có nhiều ngôi nhà mới khang trang, nhiều gia đình có con em vào đại học, những gia đình có đời sống khấm khá nhờ trồng sâm Ngọc Linh.
Là một trong những hộ trồng sâm Ngọc Linh đầu tiên ở vùng Răng Chuỗi, chị Vũ Thị Hồng Viên (SN 1985, thôn 2, xã Trà Tập) hiện có nguồn thu nhập thường xuyên từ sâm. Từ năm 2016, phát hiện vùng núi cao Trà Tập thiên thời địa lợi thích hợp cho cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng, vợ chồng chị Viên cùng một số người dân bắt đầu trồng thử nghiệm.
“Lúc đầu nghe nói chỗ thôn 1 trồng được sâm Ngọc Linh, vợ chồng tôi hồ hởi đi bộ hơn nửa ngày mới tới. Rồi chúng tôi học hỏi cách trồng sâm bên Trà Linh, làm đất, lựa đá ra, lấy phân mùn bỏ vào... Bây giờ khi cần tiền đều có lá, củ hoặc hạt để bán. Vợ chồng tôi cũng vừa gieo hạt trồng lại, có hơn 1.000 cây sâm từ 2 - 3 tuổi. Người dân ở xã này ai cũng học hỏi trồng theo” - chị Viên nói.
Với kinh nghiệm trồng sâm tại xã Trà Linh những năm 2014, 2015, năm 2016 chị Nguyễn Thị Vút (SN 1985, thôn 1, xã Trà Tập) mang giống sâm Ngọc Linh từ xã lân cận về đất Trà Tập trồng. “Ban đầu cũng sợ đất đai, khí hậu không đảm bảo chuẩn điều kiện trồng sâm. Nhưng đến giờ có bán lai rai thì yên tâm rồi. Không có cái sâm này thì chả biết làm sao nuôi nổi 2 đứa con ăn học dưới thành phố” - chị Vút cho biết.
Theo chị Vút, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, cũng chăn nuôi, trồng trọt nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Từ ngày trồng tốt, bán được sâm Ngọc Linh, vợ chồng chị mới đảm bảo chi hơn 10 triệu đồng/tháng cho 2 con học đại học dưới xuôi và gia đình 3 người sống trên núi ổn định.
[VIDEO] - Người dân Trà Tập ổn định đời sống nhờ sâm Ngọc Linh:
Hiện nay, toàn xã Trà Tập có hơn 400 hộ trồng sâm Ngọc Linh trên diện tích khoảng 2ha tại Răng Chuỗi (thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My). Những hộ trồng sâm từ năm 2016 đến nay đã cho thu hoạch, bán ra thị trường thường xuyên. Đời sống của người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Trà Tập cũng ngày càng ổn định, có tiền sửa sang nhà cửa, mua vật tư sản xuất, nâng cao mức sống…"
Ông Lê Đình Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập
Cũng theo ông Khánh, xác định sâm Ngọc Linh là cây dược liệu mũi nhọn hàng đầu phát triển kinh tế vùng, xã Trà Tập đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 09/2022/NQ-HĐND Quảng Nam quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trồng, nhân rộng mô hình sâm Ngọc Linh đi đôi với bảo vệ rừng.