Mạng xã hội trở nên phổ biến và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, thậm chí vi phạm pháp luật.
Vụ việc liên quan đến Mai Văn Dưỡng, chủ tài khoản TikTok “Dưỡng Dướng Dường” bị Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố và bắt tạm giam ngày 10/4 vừa qua là lời cảnh báo về trách nhiệm của người dùng trên không gian mạng.
Từ vụ bắt giam Tiktoker “Dưỡng Dướng Dường”
Ngày 10/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Mai Văn Dưỡng (SN 1986, trú tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ ngày 30/9/2024 đến 28/11/2024, Mai Văn Dưỡng đã đăng tải nhiều video trên tài khoản TikTok “Dưỡng Dướng Dường” (@duongduongduong_xongnha) với nội dung được xác định là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một cá nhân, đồng thời lan truyền thông tin không đúng sự thật và công khai chi tiết đời tư của người này mà không được phép.
Ngoài ra, các nội dung do Dưỡng đăng tải còn gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ J.T.A.
Những thông tin này đã tạo ra dư luận tiêu cực, dẫn đến việc một số khách hàng hủy dịch vụ và yêu cầu hoàn tiền, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của Mai Văn Dưỡng vi phạm các quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng và Bộ luật Dân sự. Công an sau đó đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Tiktoker này để tiếp tục điều tra để làm rõ.
Nhiều người tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin Tiktoker “Dưỡng Dướng Dường” bị bắt. Một số người dùng mạng xã hội bày tỏ tiếc nuối khi nhân vật này thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh nghèo khó, gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Bắc Trà My, lan tỏa nhiều câu chuyện tích cực.
Tuy nhiên, sự việc liên quan đến Tiktoker này cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ qua một số video ngắn, những thông tin sai lệch đã gây ra sự hiểu lầm trong dư luận, làm tổn thương danh dự cá nhân và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một tổ chức.
Hơn nữa, hành vi này không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân mà còn tác động đến niềm tin của cộng đồng, làm gia tăng nguy cơ nhiễu loạn thông tin.
Cẩn trọng phát ngôn trên mạng xã hội
Thượng tá Vương Quốc Hội - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Nam cho hay người dân cần nhận thức rõ mọi nội dung đăng tải trên mạng xã hội đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật, bao gồm Luật An ninh mạng 2018, Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Việc lan truyền thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân hay tổ chức có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 70 triệu đồng, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nghiêm trọng tương tự như vụ Tiktoker “Dưỡng Dướng Dường”.
“Để tránh rủi ro, người dùng cần kiểm tra kỹ nội dung trước khi chia sẻ, tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống như cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc các trang truyền thông đã được xác minh.
Khi phát hiện nội dung không phù hợp, cần nhanh chóng báo cáo hoặc thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Đồng thời, việc tiếp cận thông tin nên được thực hiện với sự tỉnh táo, xem xét từ nhiều góc độ để tránh bị ảnh hưởng bởi những nội dung thiếu chính xác.
Trên không gian mạng, người dùng cần thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, sử dụng ngôn từ phù hợp, ưu tiên chia sẻ những nội dung mang tính xây dựng và tránh tham gia vào các hành vi gây tranh cãi hoặc trái với quy định pháp luật. Quan trọng hơn, cần giữ vững lập trường, không để những thông tin sai lệch hoặc có mục đích không rõ ràng làm lung lay nhận thức” - Thượng tá Vương Quốc Hội nói.
Mạng xã hội không chỉ là nơi chia sẻ thông tin mà còn là môi trường phản ánh nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Để tránh những rủi ro, người dùng cần đảm bảo rằng mọi nội dung chia sẻ đều dựa trên thông tin đã được kiểm chứng, tránh lan truyền những điều chưa rõ nguồn gốc.
Việc sử dụng ngôn từ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh các bình luận mang tính công kích hoặc làm tổn thương người khác. Thay vì giữ im lặng trước những nội dung không phù hợp, người dùng nên chủ động phản ánh đến các nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời.
Hơn nữa, việc ưu tiên chia sẻ những thông tin tích cực, từ các hoạt động cộng đồng đến những câu chuyện truyền cảm hứng, sẽ góp phần làm phong phú thêm giá trị của không gian mạng.
Mạng xã hội là một phần của đời sống hiện đại, cách người dân sử dụng mạng xã hội cũng phần nào ảnh hưởng đến môi trường thông tin, tạo hiệu ứng tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào góc độ nhìn nhận và thông tin được chia sẻ.
Bằng cách hành xử có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và chia sẻ thông tin một cách có ý thức, người dân có thể góp phần xây dựng một không gian mạng an toàn, minh bạch và mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.