(Xuân Tân Sửu) - Chúng tôi cẩn thận đi dưới rừng lòn bon cổ thụ để không giẫm chân phải những mầm non đang vươn mình đón từng tia nắng đầu xuân rơi rớt. Hơi lạnh bất chợt ùa về trong cơn rét núi, nơi này bao phủ bởi một màu xanh thắm lạ thường.
Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, rừng lòn bon (tơ boon - theo tiếng Cơ Tu) chủ yếu phân bố tại một số làng thuộc các xã Sông Kôn, Jơ Ngây, Kà Dăng… Sau hàng trăm năm gìn giữ, chăm sóc và bảo tồn, cây lòn bon đã trở thành mô hình kinh tế giúp đồng bào địa phương mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập.
Món quà gắn kết
Quý nhau, mến tặng cây rừng
Những người ở Bh’lô Bền kể, thỉnh thoảng họ có dịp chứng kiến cuộc gặp gỡ đặc biệt diễn ra trong cộng đồng làng. Vì thương quý, vì sẻ chia, nhiều chủ vườn sẵn sàng tặng nhau những cây lòn bon hàng chục năm tuổi để kết nghĩa. Không một giấy tờ nào được đưa ra, nhưng suốt nhiều năm sau đó, cây lòn bon vẫn thuộc về quyền sở hữu của người được tặng. Mùa thu hoạch, người ta rủ nhau cùng trèo hái, ngày công cũng thường được trả bằng... trái lòn bon mọng chín.
Ở tuổi 80, ông Alăng Đàn (thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) vẫn nhớ như in những lần đặt chân đến khu rừng lòn bon nằm dưới chân núi Chooih. Phía bên kia dòng Ra’lang, là cả một miền ký ức mà ông đã gắn chặt cuộc đời mình với bao chuyện vui buồn. “Từ thời bố mình, đã nghe người ta nhắc đến rừng lòn bon này. Vì thế, không ai xác định được nó tồn tại bao nhiêu năm” - ông Đàn nói, mắt hướng về cánh rừng nơi tuổi thơ ông từng nô đùa và cả những lần chứng kiến “mưa bom, bão đạn” máy bay Mỹ dội xuống nhưng rừng lòn bon vẫn sừng sững vươn cao đến tận bây giờ.
Ông Đàn kể, rừng lòn bon của làng, sau nhiều năm gìn giữ, nay đã được phân chia theo từng tộc họ quản lý, chăm sóc. Những cánh rừng lòn bon ở đây tuổi đời ngót nghét trăm năm. Cây lòn bon đầu tiên được trồng tại vùng núi này do một phụ nữ tên Căn Bhool từ miền xuôi ngược núi mang về từ trước khi quân Pháp xâm lược. Bà Căn Bhool là người Kinh, quê ở Đại Lộc, lấy chồng Cơ Tu ở Bh’lô Bền và sinh sống như một cư dân Cơ Tu thực thụ. Hồi đó, lòn bon được trồng chung dọc theo bờ sông Ra’lang, gần khu đất sản xuất của dân làng. Sau vài năm chăm sóc, quả ngọt đầu tiên được dân làng dâng lên hội đồng già làng đặt trong mâm cúng tạ ơn thần rừng và làm món quà tặng biếu bà con lân cận. Từ đó, việc di thực, nhân giống được mở rộng ở nhiều nơi trong vùng.
Như món quà gắn kết, ngày trước, người Cơ Tu thường hái lòn bon chung, rồi mang về gươl để chia phần. Phẩm vật đó, sau này trở thành món quà tặng giá trị cho người thân, bạn bè và thông gia trong các tục tr’záo (thăm viếng) hàng năm. Thời đó, không có chuyện mua bán như bây giờ. Lòn bon và rất nhiều loại cây trái khác của miền cao chỉ để ăn và làm quà biếu. Sau này, khi giao thông thuận lợi, thương lái tìm đến thì việc bán buôn mới “bắt nhịp” theo tư duy mới. Nhưng, dù có bán ra ngoài, người Cơ Tu vẫn dành phần để biếu người thân, bạn bè thương quý. Tục xưa còn giữ cho đến bây giờ. “Mỗi gùi lòn bon mang biếu chứa đựng các giá trị tình cảm rất ý nghĩa trong đời sống cộng đồng” - ông Đàn chia sẻ.
“Rừng nuôi bộ đội”
Lặn lội tận làng Phú Mưa (nay là tổ Phú Mưa, thôn Ra Lang, xã Jơ Ngây), chúng tôi tìm gặp nhân chứng còn sống sót và có nhiều kỷ niệm về rừng cây lòn bon trong những năm kháng chiến chống Mỹ: cựu chiến binh Alăng Chúc. Ông Chúc, trước đây là bộ đội địa phương, cùng đồng đội kiên trì bám trụ trên mảnh đất quê hương để đánh đuổi quân thù.
Những năm 1962 - 1963, chiến tranh khốc liệt, nhiều tháng trời bộ đội địa phương chịu cảnh đói khát, khổ cực. Lương thực không đủ cung ứng, rau rừng, dứa, mít, đu đủ… trở thành thức ăn chính nuôi sống cán bộ, bộ đội và du kích địa phương. Ông Chúc kể, thời điểm đó, xã Đh’rây (nay là xã Sông Kôn và Jơ Ngây - PV) cây lòn bon được trồng khắp cánh rẫy, quanh sườn núi. Hàng năm, vào các tháng 9, 10, mùa lòn bon chín, trái tròn mọng bám chi chít trên nhánh cây. “Cùng với nhân dân, chúng tôi ăn trái lòn bon để chống đói, có sức tiếp tục chiến đấu. Nhiều tháng trời, lòn bon là thức ăn chính nuôi sống bộ đội” - ông Chúc nhớ lại.
Câu chuyện tương tự, nhiều năm trước, tôi cũng được nghe kể từ cố già làng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cơlâu Nâm - người từng được mệnh danh là “báo đen” của Trường Sơn. Thời kỳ đó, già Nâm và đồng đội ngoan cường đấu tranh, bám đất giữ làng. Đồi núi Chooih, địa phận của xã Đh’rây là một trong những cứ địa trọng yếu đánh chặn địch hành quân đi càn. Những lúc lương thực cấp cho bộ đội thiếu thốn lại gặp cảnh người dân mất mùa, nhờ những rừng cây lòn bon, mít, chuối… trồng trên cánh rẫy được bà con chia sẻ, bộ đội mới đủ sức cầm cự đánh giặc chờ tiếp tế lương thực.
*
* *
Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, nhận thấy giá trị của trái lòn bon, những năm gần đây, địa phương đã xây dựng đề án cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng cây trái lòn bon của đồng bào Cơ Tu. Từ đề án này, hơn 14ha cây lòn bon bản địa được áp dụng biện pháp kỹ thuật cải tạo cây giống, bước đầu đem lại kết quả khá tốt về sản lượng cũng như chất lượng. “Trong định hướng của địa phương, tương lai lòn bon sẽ là một trong những cây chủ lực, trở thành mô hình sinh kế mới gắn với phát triển du lịch, giúp người dân có thêm điều kiện nâng cao thu nhập và ổn định đời sống” - ông Minh nói.