Tháng 11/2023, Trần Toản (sinh năm 1993, quê Hà Nam) nghỉ công việc nhân viên logistics ở TP.Hồ Chí Minh. Anh chọn một chiếc xe đạp bình thường, mang theo hai bộ đồ cùng chút tiền dằn túi và quyết định đạp xe một mình, đi khắp Việt Nam với cách không thể giản dị hơn.
Chàng thanh niên lặng lẽ, cứ thế đạp xe đến từng vùng đất mới, cảm nhận trọn vẹn những điều tươi đẹp lẫn cực khổ, cô đơn. Ít ai dám tin, Toản đã rong ruổi một mình liên tục 8 tháng theo cách có vẻ “điên rồ”, chỉ với mục đích: hiểu được giới hạn của bản thân, cảm được những điều tươi đẹp của cuộc sống mà “chỉ những người ở một mình mới thấy được”.
Đi để mà đi
* Chào Toản! Trong khi số đông bạn bè đồng trang lứa tận hưởng niềm vui độc thân theo cách phổ biến là tan giờ làm công sở, tụ tập làm vài cốc bia, thì Toản lại quyết định đạp xe một chuyến theo cách “không giống ai”. Vậy đâu là duyên cớ?
Trần Toản: Tôi rất thích anh gọi việc này là “không thể giản dị hơn”. Đúng là tôi đã chọn cách giản dị để tận hưởng nó. Giản dị ở chỗ hành lý mang theo - chỉ vài bộ quần áo và một chiếc áo mưa cột sau yên xe; giản dị ở chỗ tôi không muốn ồn ào.
Bởi tôi xác định rõ, chuyến đi này không vì mục đích cổ vũ cho ai đó về tự do, càng không phải đi để làm màu. Chuyến “hành xác” này là dành cho bản thân. Tôi quyết định ném mình vào thử thách mới, ít tốn kém, thầm lặng, giản tiện để nhận được những giá trị đặc biệt.
Tháng 9 năm ngoái, tôi bắt đầu yêu việc đạp xe.
Sau đó, tôi nảy ra ý định đạp một chuyến xa nhất có thể như để làm mới lại bản thân đã cũ kỹ bao lâu nay. Xa nhất là bao xa? Tôi hoàn toàn có thể thử để biết mình đi được bao xa. Đó là điều thú vị. Bởi bản thân không biết mình có khả năng đến đâu nếu chưa thử.
* Mục tiêu lớn nhất của chuyến đi này là gì?
Trần Toản: Tôi cho rằng đã là mục tiêu thì không cần đem ra so sánh lớn nhỏ. Vì lúc xuất phát, tôi không đặt nặng vấn đề phải đi như nào hay kỳ vọng điều gì.
Chỉ đơn giản là ngay lúc có thể sắp xếp về thời gian cùng nhiều thứ khác thì nên làm ngay một điều mình thấy yêu thích. Chuyến đi bắt đầu như vậy.
Với chiếc xe đạp, mỗi người có một ước mơ, mong muốn, khả năng riêng, dù theo cách nào cũng đáng quý. Cái hay của việc đạp xe dọc theo đất nước là chưa biết mình sẽ đi đến đâu, mục tiêu ban đầu cũng không có gì ghê gớm.
Nhưng những vòng xe đưa ta đi xa, càng đi càng mở ra nhiều điều thú vị. Khi những giọt mồ hôi rơi ở cung đèo hoang hay làng mạc vắng, mục tiêu mới lại mở ra, nối tiếp, miên man.
“Tôi muốn kể nhiều về Quảng Nam như một điểm đến đặc biệt và đáng nhớ. Khi dừng xe dưới tấm biển “chợ Quán Gò”, cái tên Thăng Bình hay sông Trường Giang, tôi vô cùng háo hức.
Cung đường Nam Trà My khi đạp từ Măng Đen của Kon Tum qua Tu-mơ-rông (vùng núi xa xôi nhất) để đến với Quảng Nam có quá nhiều ấn tượng. Vì đi vào mùa mưa, cảnh vật 2 bên đầy sương mù, lâu lâu khi đổ đèo sẽ thấy xa xa là bản làng ở lưng chừng núi ẩn hiện sau làn mây.
Về con người, tôi may mắn quen biết nhiều người ở Quảng Nam nên rất hay ra đây chơi từ trước đó. Về ẩm thực thì không thể tuyệt hơn với những món mới nghe tên đã thấy tò mò như bánh ép, bánh đập, mỳ Phú Chiêm. Mỗi nơi ở Quảng Nam tôi thấy có một cách nấu mỳ khác nhau nhưng ở đâu tôi cũng ăn liền 2 bát. Rất ngon!”.
* Toản có cảm thấy rất cô đơn?
Trần Toản: Trên hành trình đạp xe từ Nam ra Bắc, có rất nhiều người hỏi “sao không có bạn đồng hành cho vui, đi như vậy buồn chết”.
Tôi lại nghĩ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết nhưng tôi nghĩ cô đơn không phải là nguyên nhân trực tiếp. Đùa thôi (cười). Những lúc như vậy tùy vào người hỏi mà tôi trả lời. Thực tế có nhiều trường hợp gặp trên hành trình, họ ngỏ ý đạp cùng nhưng tôi vẫn thích một mình hơn.
Có nhiều người thấy sợ phải một mình nhưng tôi cảm thấy khá thoải mái với việc đó. Cô đơn cả một đời mới đáng sợ còn một hành trình nào đó trong cuộc đời thì tôi nghĩ nó cần thiết. Khi chỉ một mình sẽ giúp mình nhận ra nhiều thứ.
Giới hạn của bản thân
* Trong hành trình quá dài, nếm đủ loại thử thách, Toản đã nhận ra giới hạn của bản thân và đã vượt qua nó?
Trần Toản: Nếu cần có giới hạn thì đó là giới hạn trong tương quan của mình với người khác hay cả với những thứ khác xung quanh để tránh ảnh hưởng xấu đến họ.
Còn giới hạn cho bản thân thì sẽ không có. Ta không thể biết ta có thể làm được gì nếu ta chưa thử dù nó có khó khăn đến đâu. Suy nghĩ “không làm được đâu” sẽ làm mất đi rất nhiều cơ hội được thử và trải nghiệm những thứ mới trên đời.
Như việc đạp xe, nhiều người không tin có thể đạp leo dốc, những con dốc rất cao nhưng chỉ cần không bỏ cuộc, cố gắng từng chút từng chút một thôi, chỉ cần duy trì liên tục rồi ta sẽ lên đỉnh và tận hưởng cả hành trình. Bên ngoài việc đạp xe thì tôi nghĩ ai chạy Marathon hay môn thể thao sức bền sẽ hiểu cảm giác này.
* Nếu độc hành để cảm nghiệm cuộc sống và bản thân, chỉ cần đi tầm một tháng là đủ, sao bạn phải đạp miệt mài 8 tháng?
Trần Toản: Đúng vậy. Nếu chỉ đạp để lấy con số, số kilomet đã đạp, đạp cho thật nhanh để gọi là “đạp xe xuyên Việt” thì tôi nghĩ một tháng là đủ. Có những vùng đất và con người thực sự rất đáng để sống cùng, ở thêm vài ngày hay vài tuần để ngắm nhìn cách họ sống, hiểu thêm về vùng đất đó. Vì thế chuyến đi kéo dài như vậy.
* Xa người thân, liên tục gặp người lạ, bạn có cảm nhận về việc mỗi người có thể kết nối với một người xa lạ thế nào?
Trần Toản: Dường như với người lạ, ta ít xét đoán, ít nghi ngờ nên cảm thấy dễ chia sẻ hơn.
Có những người chỉ gặp lần đầu đã thấy ở họ có sự tin tưởng. Điều tuyệt vời nhất là những người tôi gặp trên hành trình.
Trong chuyến này, tôi may mắn được gặp và quen thêm nhiều bạn bè ở nhiều nước khác nhau. Họ đến Việt Nam để khám phá và tìm hiểu về vẻ đẹp của đất nước mình. Có rất nhiều người chọn đạp xe như tôi, họ đạp qua nhiều nước.
Có người đi một mình và có người đi với bạn đồng hành; có người mới 18 tuổi chưa biết sẽ làm công việc gì; có người vừa nghỉ việc và chọn đi để biết mình thực sự sẽ làm gì tiếp theo và cũng có những người đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời, chọn đi để như có một câu chuyện kể lại cho con cháu.
Tôi hiểu ra, dù thân quen hay xa lạ, nếu ta biết cách bỏ qua xét đoán để ngồi cùng nhau một cách chân thành thì thật tốt đẹp biết bao.
* Bạn muốn chia sẻ thông điệp nào đến với giới trẻ thông qua chuyến đi này?
Trần Toản: Tôi nhớ đến một câu nói:”Tại sao bạn lại ra đi? Để bạn có thể quay về. Để bạn có thể nhìn lại nơi chốn cũ ngày trước với những góc nhìn mới và màu sắc khác. Và những người ở đó cũng nhìn bạn theo cách khác. Trở lại nơi bạn bắt đầu không hề giống với việc chẳng bao giờ rời đi”.
Thời gian gần đây nổi lên việc đi để chữa lành. Cái gì là trào lưu thì tôi nghĩ sớm muộn nó cũng tàn. Khi đi mà quá nhiều kỳ vọng thì chuyến đi sẽ mất cái thú của nó.
Tôi không nghĩ chỉ với một chuyến đi mà có thể chữa lành hay thay đổi cuộc đời, mọi thứ nó khởi lên từ trong bạn, chuyến đi sẽ làm rõ hơn nó mà thôi. Trong cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh có hẳn một chương nói về việc “Đi để mà đi”, có thể hiểu là hãy tận hưởng mọi thời gian ta có trên hành trình.