(VHQN) - Trao quyền cho cộng đồng địa phương, đặc biệt trong việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng văn hóa, thiên nhiên và cuộc sống người dân là những điều tất yếu khi phát triển du lịch nông thôn.
Từ rốn lũ trở thành làng du lịch
Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi và nhiều hang động. Đây cũng là rốn lũ của khu vực Minh Hóa vào những tháng 9 -11 hàng năm.
Ông Trương Thanh Duẩn – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, năm nào đến mùa mưa lũ, người dân cũng phải lên núi dựng lều bạt tránh lũ. Năm 2011, một số hộ dân có sáng kiến làm bè phao bằng cách ghép 20 - 30 chiếc thùng phuy rỗng lại, nhưng cũng chỉ để được đồ đạc lên trên, người dân vẫn phải lên núi dựng lều tránh lũ. Từ năm 2012, vài hộ dân cải tiến từ bè thành nhà nổi với 4 cọc đóng cố định 4 góc nhà.
Từ ý tưởng nhà nổi, năm 2015, Công ty Oxalis tổ chức giải đua hỗn hợp thường niên với các nội dung chèo thuyền, chạy bộ, leo núi, chui hang quy tụ 100 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia.
Hoạt động nhằm gây quỹ xây dựng những căn nhà sống chung với lũ. Đến năm 2023, Tân Hóa có gần 620 căn nhà nổi được xây dựng, đảm bảo 100% hộ dân có thể sống chung với lũ, thích ứng điều kiện thời tiết.
Du lịch Tân Hóa chính thức phát triển với các sản phẩm thám hiểm hang động, trekking, cắm trại trong rừng… từ Oxalis vào năm 2014. Doanh nghiệp này cũng tổ chức lại hoạt động homestay tại những căn nhà phao, kể cả trong thời tiết lũ lụt. Hơn 120 người dân trong làng tham gia làm du lịch với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng.
Sau 10 năm phát triển du lịch, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 85% (2010) đã giảm xuống còn 2,65% (2023). Năm 2023, Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là một trong những ngôi làng tốt nhất thế giới.
Xây dựng cơ chế trong phát triển du lịch nông thôn
Tại Quảng Nam, việc phân cấp phân quyền, trao quyền cho cộng đồng trong phát triển du lịch khá tự nhiên và mạnh mẽ. Người dân được tham gia mọi hoạt động du lịch, được tạo ra sản phẩm và được hưởng lợi từ hoạt động này. Nhà nước giữ vai trò tạo cơ hội, điều kiện để các làng và cộng đồng phát triển.
Điều này rõ nét nhất lại các làng quê, làng du lịch cộng đồng, làng nghề nổi tiếng như gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, kể cả làng dệt Zara (Nam Giang) khi hầu hết người dân đều đồng thuận trong quá trình đưa ra quyết định của mình.
Ông Phạm Văn Lương – Giám đốc Tổ chức Habitat Việt Nam nhìn nhận, trao quyền cho cộng đồng tại các làng du lịch Quảng Nam nên được hiểu là quá trình phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực, nhận thức người dân để họ có khả năng thực hiện các mục tiêu về phát triển du lịch nông thôn bền vững.
Tăng cường thúc đẩy, hợp tác công tư với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm quảng bá, thu hút khách, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương…
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, vấn đề quan trọng của phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam chính là thúc đẩy hợp tác công tư thông qua nghiên cứu cơ chế hỗ trợ người dân, cộng đồng, hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp tham gia. Hiện tại Quảng Nam mới lồng ghép, tranh thủ các nguồn lực của xây dựng nông thôn mới chứ chưa có cơ chế đặc thù cho du lịch nông thôn.
“Trước đây, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 47 dành cho du lịch miền núi nhưng vì rơi vào thời điểm dịch COVID-19 nên cũng mới làm được mấy điểm rồi tạm dừng. Bây giờ sẽ phải nghiên cứu lại cơ chế mới. Về lâu dài phải có cơ chế đặc thù đủ mạnh để kích cầu, mời gọi hợp tác công tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư du lịch nông thôn hiệu quả” – ông Hồng nói.