(VHQN) - Tranh chấp tác quyền giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI) lần lượt xảy ra, thậm chí đưa nhau ra tòa. Những vụ kiện này đã và đang tạo tiền lệ cho việc xây dựng và hình thành những điều luật liên quan đến tác quyền và AI trong tương lai.
NÉSTOR BUSTAMANTE, chuyên gia AI tại Springer Nature chia sẻ cách AI hỗ trợ các nhà xuất bản khoa học tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý nội dung. Nhưng cạnh đó, những tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ cũng nảy sinh, khi các tác giả lo ngại tác phẩm của họ bị AI khai thác mà không được phép.
“Bẫy” kinh doanh AI
Ở Việt Nam, AI được mở bán như những công cụ đa năng, có thể giúp người dùng viết bài, thậm chí sáng tác, vẽ tranh theo yêu cầu. Và đã có rất nhiều đoạn phim ngắn được dựng, đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.
Nội dung của những đoạn phim này giới thiệu về một cách “làm giàu nhanh” - đó là dùng AI để sáng tác truyện, vẽ minh họa rồi đăng bán trên các trang thương mại điện tử nước ngoài. Với những lời lẽ hoa mỹ và hấp dẫn, cùng hình ảnh minh họa bắt mắt, nhiều người đã tưởng đây là thật.
Tuy nhiên, thực chất đây là cái bẫy để người dùng lầm tưởng rằng dùng AI kiếm tiền rất dễ dàng. Họ sẵn sàng chi tiền mua các công cụ AI để sử dụng.
Những người đăng tải các đoạn phim đó là người môi giới bán tài khoản AI cho người Việt. Mục tiêu của họ là bán được nhiều tài khoản AI. Còn mua về người dùng có sử dụng được hay không, họ hoàn toàn không quan tâm.
Trên thực tế, năng lực sáng tác và vẽ tranh của AI đến từ nguồn dữ liệu khổng lồ trên internet. AI sẽ tổng hợp và diễn đạt lại, nói cách khác là “xào nấu” lại từ câu chữ và tranh vẽ có sẵn.
Chính vì vậy, tác quyền là điều đang gây tranh cãi dữ dội, còn chất lượng của những thứ do AI tạo ra rất không đồng đều và thiếu nhất quán.
Chưa kể, để có thể tạo được sản phẩm như ý muốn, người dùng còn phải thành thạo trong việc ra những câu lệnh phù hợp. Đây cũng là việc phức tạp cần đầu tư thời gian và công sức y hệt như việc làm chủ bất cứ công cụ công nghệ cao nào, như Photoshop, Lightroom...
Tập trung năng lực sáng tạo
Về mặt pháp luật, ở Mỹ, tác quyền chỉ được công nhận cho những tác phẩm do con người tạo ra. Họ đang nghiên cứu kỹ hơn về AI nhưng chưa có tín hiệu cho thấy họ sẽ mở rộng quyền này cho các tác phẩm do AI tạo nên.
Tranh chấp tác quyền giữa con người và AI cũng đã lần lượt xảy ra. Vụ kiện Thaler v. Perlmutter, phán quyết của tòa án quận Columbia, Mỹ vào ngày 18/8/2023 nói rằng: Tác phẩm hoàn toàn được tạo ra bằng hệ thống AI mà không có sự tham gia của con người thì không đạt tiêu chuẩn tác quyền.
Anh Trần Ngọc Anh Dũng, cử nhân ngành Sáng tác văn chương và Văn học Anh ngữ (Đại học Bang Arizona, Mỹ), cho biết thêm: “Luật tác quyền AI phụ thuộc rất nhiều vào các “người chơi” đang tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận thông qua quá trình làm luật như: các công ty giải trí không muốn tốn tiền cho biên kịch, các công ty game không muốn tốn tiền cho họa sĩ...
Như vậy, AI không chỉ là vấn đề của việc mang nghệ thuật đến cho mọi người mà còn là kế sách cắt giảm chi phí của các ông lớn, với túi tiền khổng lồ để đút cho các nhà làm luật khai tử sáng tạo nghệ thuật. Cho nên, đừng đặt hy vọng là luật sẽ bảo vệ mình khỏi AI mà hãy tự nâng cao kỹ năng sáng tạo của bản thân để cho dù có AI, mình cũng sẽ không bị thay thế”.
Trả lời câu hỏi làm sao để tránh bị thay thế, trong tình hình AI đang được huấn luyện và thu nạp nguồn dữ liệu khổng lồ mỗi ngày, anh Dũng chia sẻ thêm: “AI vẫn chỉ viết được những đại ý cho cốt truyện còn kỹ thuật diễn đạt của nó chỉ bằng các tay viết nhập môn”.
Đưa ra ví dụ về sáng tạo, trong tác phẩm “Phía sau nghi can X”, tác giả Keigo Higashino tiết lộ hung thủ ngay từ sớm, qua đó thay đổi trọng tâm của tác phẩm - dịch chuyển từ phá án sang màn đấu trí căng thẳng giữa nhân vật thám tử và phe thủ phạm.
Việc tiết lộ vụ án không phá hỏng câu chuyện, nhờ sử dụng kỹ thuật trớ trêu, cùng chiến lược kể chuyện tài tình, tác giả khuấy động cảm xúc của người đọc hiệu quả hơn nhiều so với cách kể trinh thám truyền thống.
“Đó là chiến lược diễn đạt mà một tác giả có kỹ thuật vững chắc vận dụng để mang đại ý cốt truyện thành những tình tiết hấp dẫn. Sáng tác không chỉ là sáng tạo nội dung tình tiết, mà còn là sáng tạo cách kể, hình thức trình bày câu chuyện. Đó là điều mà tôi chưa thấy AI làm được và cũng chưa nhìn thấy một tương lai mà AI sẽ làm được điều đó” - Trần Ngọc Anh Dũng nói thêm.
Như vậy, nỗi lo bị AI thay thế vẫn treo đó. Tuy nhiên, việc làm của một người có năng lực sáng tác là tập trung vào công việc của mình, thay vì lo lắng những thứ ngoài tầm kiểm soát. Văn học nghệ thuật là những thứ không dễ dàng bị thay thế bởi máy móc, do vậy, người viết hãy tự tin với năng lực tư duy và linh hồn của mình!